5. Cấu trúc của luận văn
3.1.3. Thi pháp Truyện Kiều của Trần Đình Sử và những đóng góp
Viết Thi pháp Truyện Kiều (2002), Trần Đình Sử đã có nhiều thời gian nghiên cứu lý luận và ứng dụng thi pháp học hiện đại; viết Thi pháp Truyện Kiều khi trong nghiên cứu phê bình đã có nhiều hướng tiếp cận. Đó vừa là những thuận lợi vừa là thách thức đối với Trần Đình Sử.
Nói như Trương Đăng Dung, các nhà lý luận, phê bình luôn tin vào việc phát hiện cái mới, xác lập chuẩn thẩm mỹ mới là động lực cho mọi sự phát triển của văn học. Trần Đình Sử theo hướng đó: xác lập chuẩn thẩm mĩ mới thông qua khuynh hướng tiếp cận thi pháp học hiện đại.
Điều dễ nhận ra ở công trình là cách tiếp cận đối tượng của Trần Đình Sử. Ở điểm này, Trần Đình Sử dùng mô hình thi pháp học với các phạm trù, thuật ngữ then chốt của thi pháp học hiện đại như: Cái nhìn nghệ thuật về con người; không gian nghệ thuật của Truyện Kiều, thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều, hình tượng tác giả Truyện Kiều, hình thức tự sự, tiếp nhận văn học.... Đó là sự mới mẻ của tính hệ thống mà Trần Đình Sử quan tâm nghiên cứu so với các hướng nghiên cứu khác về Truyện Kiều. Nhìn một cách biện chứng, xuyên suốt tính hệ thống của chuyên luận chính là hệ thống hình thức mang tính quan niệm. Trần Đình Sử đã khẳng định rằng"Hình thức nghệ thuật thực chất là một loại hình thức bên trong, tức hình thức của sự cảm nhận... hình thức chiếm lĩnh thế giới của con người, hình thức nội tại của chủ thể. Không hiểu hình thức ấy thì cũng có nghĩa là không hiểu tính độc đáo sáng tạo của nghệ thuật ấy mang lại" [76, trg 47].
Để chứng minh tính thống nhất, hoàn chỉnh của chỉnh thể nghệ thuật của tác phẩm Trần Đình Sử đặt Truyện Kiều của Nguyễn Du trong giao lưu, ảnh hưởng của văn học văn hoá Trung Quốc; đặt trong sự vận động và phát triển của truyện thơ Nôm trước và sau Truyện Kiều ở Việt Nam; đặt trong lịch sử nghiên cứu, phê bình.. để đi đến những khẳng định: Truyện Kiều là sáng tạo nghệ thuật hoàn chỉnh của Nguyễn Du; Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, chỉ là nguyên liệu cho sự sáng tạo ấy; Truyện kiều là đỉnh cao của truyện thơ Nôm trung đại và
Truyện Kiều là trầm tích của văn hóa, triết học, khoa học nghiên cứu, lý luận phê bình. Do đó, Truyện kiều có thể coi là một "nhân vật văn hóa tầm cỡ vĩ nhân". Trong định hướng này, Lã Nguyên đề xuất một cách tiếp cận Thi pháp Truyện Kiều của Trần Đình sử là "cách đọc văn hóa". Cách đọc này đòi hỏi nhà nghiên cứu phải sử dụng một hệ thống thao tác, phương pháp tương ứng. Nghĩa là Trần Đình Sử tiến hành so sánh trên mọi cấp độ, nhiều bình diện với văn hóa, văn học Trung Quốc, với truyện thơ Nôm Việt Nam, với cách đánh giá nghiên cứu trong quá khứ. Lã Nguyên nhấn mạnh: "Đọc Thi pháp Truyện Kiều ta thấy Trần Đình Sử như đang lần tìm về mọi nguồn cội gần xa để theo dõi, phát hiện sinh mệnh lịch sử của một hiện tượng nghệ thuật trong quá trình hình thành, vận động và tiến hóa của nó.... Từ quan điểm lịch sử giúp tác giả Thi pháp Truyện Kiều khắc phục thái độ cực đoan của nhiều nhà nghiên cứu trước đây" [62, trg 65].
Thi pháp Truyện Kiều được kết cấu làm 6 chương, 25 tiểu mục, 323 trang. Chuyên luận nghiên cứu về tác phẩm gồm 3254 câu thơ và đã có hơn 200 năm tuổi. Hơn nữa, chuyên luận này ra đời đánh dấu chặng đường 20 năm cống hiến về thi pháp học trên cả hai bình diện lý luận và nghiên cứu của Trần Đình Sử. Điều đó cho thấy rằng, Thi pháp Truyện Kiều là công trình nghiên cứu khoa học công phu, nhiều tâm huyết , có giá trị khoa học lý luận và ứng dụng cao.
Nếu 3 chương đầu của chuyên luận Trần Đình Sử xác định dứt khoát vị trí tập đại thành Truyện Kiều trong lịch sử văn học dân tộc cũng như chỗ đứng trong dòng chảy của văn học thế giới; thì 3 chương sau Trần Đình Sử thuyết minh cho định hướng trên thông qua mô hình thi pháp học hiện đại do chính ông đề xuất.
Xuyên thấm trong cấu trúc của Thi pháp Truyện Kiều là hình thức mang tính quan niệm. Mà theo Nguyễn Đăng Điệp đó là sáng tạo, đóng góp quan trọng bậc nhất trong cuộc đời cầm bút của Trần Đình Sử. Vì thế, ở chương bốn, dưới cái nhìn hiện đại, khách quan của hình thức mang tính quan niệm, Truyện Kiều - thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du, hiện ra sáng rõ, độc đáo. Không bằng lòng với những kết luận mang tính "thuật
nhi bất tác" của các nhà "Kiều học" trước đó, cho rằng: Chủ đề của Truyện Kiều là "tài mệnh tương đố", Trần Đình Sử khảo sát dựa trên tần xuất lặp lại một cách sáng tạo của Nguyễn Du về tư tưởng, về cách kể chuyện, về bản thể luận của nhân vật. Từ đó căn cứ lôgíc này, Trần Đình Sử lập luận, phản biện và đi đến khẳng định: "bảo rằng "Tài mệnh tương đố" là chủ đề của Truyện Kiều thì chủ đề này không phổ quát được, bởi vì không phải ai ai cũng có tài.... Muốn sử dụng cơ chế suy luận Phật giáo để nâng cao tầm khái quát thì phải dùng chữ thân và chữ khổ có thân là có nghiệp, có nghiệp là có khổ.... Than thân, thương thân, xét thân là một chủ đề văn học phổ biến trong thơ cổ điển và trong ca dao dân tộc. Nguyễn Du đã chuyển chủ đề tình khổ sang tâm khổ, thân khổ, chuyển "tài mệnh tương đố" sang "thân mệnh tương đố", biến một chuyện tài tình bất hủ thành một tiếng đoạn trường, một tiếng kêu thương như Hoài Thanh nói" [76, trg 131-133].
Không nghiên cứu con người - nhân vật trong Truyện Kiều theo lối qui chụp bệnh lý như Trương Tửu; không đặt nhân vật chênh vênh trong khuôn mẫu: nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, hoàn cảnh quyết định tính cách của lý thuyết hiện thực chủ nghĩa như Lê Đình Kỵ; không nghiêng hẳn về khuôn hình văn hoá thân - tâm như Trần Nho Thìn; mà Trần Đình Sử chú trọng đến tính nghệ thuật thể hiện con người của Nguyễn Du. Ở góc nhìn thi pháp học này, Trần Đình Sử thấy được con người trong Truyện Kiều dưới cái nhìn vũ trụ tạo nên những đấng, bậc, phường, bọn, vô loài; dưới cái nhìn tỏ lòng để tạo nên chiều sâu bên trong vừa gần gũi, vừa thân ái, vừa mang tính thời sự, Vì thế "Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du về con người cho thấy ông đã đổi mới hẳn quan niệm về con người và cách miêu tả con người, tạo thành chất lượng mới trong tác phẩm. Cách cảm nhận chủ quan của nhà thơ là một thái độ hàm chứa rất nhiều bình diện giá trị khác loại của đời sống... thể hiện đặc điểm của nhà văn lớn và luôn luôn nhìn sự vật trong một phạm vi giá trị rộng lớn, đa dạng và gần gũi với con người, khác hẳn với cái nhìn hạn hẹp một chiều mang tính giáo huấn" [76, trg 158-159].
Thời gian, không gian là hình thức, phương thức tồn tại của sự vật hiện tượng. Trần Đình Sử rất quan tâm đến hình thức nghệ thuật này trong chỉnh thể của thế giới nghệ thuật Truyện Kiều. Thời gian, không gian nghệ thuật của Truỵên Kiều thường bị quan niệm xã hội học biến thành hoàn cảnh và sự kiện của hành động nhân vật, thường bị quan niệm văn hoá học biến thành không gian, thời gian vĩnh viễn của quá khứ một đi không trở lại. Thi pháp học xem xét thời gian, không gian nghệ thuật như phạm trù mang tính quan niệm, nó biểu hiện phương thức tồn tại của cấu trúc thế giới nghệ thuật trong tác phẩm. Ở quan niệm này, vấn đề được đặt trong nhận thức của tư duy hiện đại. Nó không những không bị biến dạng, biến đổi cấu trúc, mà còn hiện lên khách quan, tươi mới, nhiều ấn tượng. Trần Nho Thìn trong chuyên luận Văn học trung đại dưới góc nhìn văn hoá đã khẳng định điều này. Trần Nho Thìn viết "Từ góc độ thi pháp, Trần Đình Sử đã miêu tả rất sinh động không gian lưu lạc của Truyền Kiều. Có thể nói ông là người đầu tiên đã chỉ ra những biểu tượng, những "mẫu gốc" mà Nguyễn Du dùng để diễn tả không gian lưu lạc và thân phận con người trong không gian ấy... Các quan sát của Trần Đình Sử đã soi rọi những thế ứng xử của nhân vật trong Truyện Kiều một cách hợp lý và cũng gợi mở cho sự nhìn nhận vấn đề xã hội ở tác phẩm 85, trg 318 - 319. Còn Chu Văn Sơn chỉ với "đôi điều cảm nhận" đã thấy được nhà thi pháp học Trần Đình Sử đã "định hình mỗi lúc một rõ nét cho mình cả một lý thuyết về thi pháp" 66, trg 3. Một thứ lý thuyết có "nền tảng văn hoá vững chắc gồm cả Đông lẫn Tây. Nó đã mở ra làm chủ một lối đi mới trong nghiên cứu văn chương nước nhà" 66, trg 3. Điều Chu Văn Sơn lưu ý là cảm giác khi đọc bài Thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều và cảm quan hiện thực của Nguyễn Du hồi 81 - 82 thế kỷ trước. Đó là cảm giác "đối với những người nghiên cứu đã ngấy những lối cũ đường quen, đang mầy mò tìm lối, thì nó là một cú "sốc" thực sự. Phải gọi là cú "sốc ba trong một". Sốc bởi một cách nhìn mới toanh về Truyện Kiều, một cách hiểu uyên bác, sắc sảo đến khó lưòng về thời gian cùng vai trò của nó trong một thế giới
nghệ thuật" 66, trg 3. Trên tinh thần đối sánh với Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đặt Truyện Kiều trong hệ thống Truyện Nôm trung đại; và khoảng gần 20 năm từ khi công bố tiểu luận tới khi hoàn thành chuyên luận, Trần Đình Sử đã giải mã văn hoá của tác phẩm thông qua quan niệm mang tính hình thức về thời gian nghệ thuật. Ở góc nhìn này, Trần Đình Sử chỉ ra được tính vượt trội của Nguyễn Du trong việc xây dựng thời gian nghệ thuật. Đó là thời gian sự kiện gắn với tính vật chất của sự vật, con người, gắn với tâm trạng, tâm lý của nhân vật. Đặc biệt, Trần Đình Sử nhấn mạnh tính hiện tại, cái bây giờ của thời gian mà Nguyễn Du quan niệm. Vì thế, Truyện Kiều của Nguyễn Du có được thuộc tính của tiểu thuyết: Xây dựng thời hiện tại chưa hoàn thành, đang diễn ra đầy phấp phỏng và chờ mong.
Như vậy, thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du là thế giới của không gian lưu lạc, giam hãm; của thời gian "định mệnh" luôn đặt con người trong trạng thái vội vàng, đầy lo âu, phấp phỏng của xúc cảm thực tại, hiện tại được ý thức thường trực. Cũng trong thế giới ấy, con người nhận thức được bản thể luận của mình trong chiều sâu tác động của hoàn cảnh, thời đại, xã hội. Vì thế "thân", "mệnh", "tâm", "tài" là những mặt đối lập, nhưng thống nhất tạo nên thế giới nhân vật của những "tấm lòng". Mà trong đó hình tượng tác giả cũng xác định khuôn hình "không phải một Nguyễn Du thường làm quan, đi sứ dưới triều nhà Nguyễn, mà là một Nguyễn Du thâm thúy, trải đời, một Nguyễn Du tâm tình chan chứa nhân ái" [76, trg 193].
Trên cấu trúc thế giới nghệ thuật của Truyện Kiều, Trần Đình Sử tiếp tục đi sâu phát hiện mô hình tự sự và ngôn ngữ nghệ thuật của Truyện Kiều trên cái nhìn thi pháp học hiện đại. Nội dung này thể hiện ở chương năm.
Đến khi viết thi pháp Truyện Kiều, tự sự học cũng đã xuất hiện một cách hệ thống ở Việt Nam. Tự sự học là một lĩnh vực nghiên cứu đặc thù của lý luận văn học lấy nghệ thuật tự sự làm đối tượng, "phần nào đó tương ứng với "thi học" nghĩa hẹp, là lĩnh vực lấy nghệ thuật thi
ca làm đối tượng nghiên cứu" [74, trg 7]. Chính sự giao cắt giữa hai lĩnh vực khoa học này được Trần Đình Sử quan tâm. Mô hình tự sự của Truyện Kiều mà Trần Đình Sử đề xuất vừa là đóng góp mới mẻ trong ứng dụng lý thuyết hiện đại vào nghiên cứu, vừa là nội dung khắc phục hạn chế về phương pháp tự sự của Phan Ngọc. Vì "Phương pháp tự sự của Nguyễn Du ở Phan Ngọc vẫn chưa có nội dung khái niệm khoa học thật xác định" [69, trg 319]. Trần Đình Sử quan niệm "Thi pháp tự sự là những nguyên tắc tự sự được lựa chọn và sáng tạo nhằm đem lại cho người đọc, người nghe một câu chuyện mới mẻ, thú vị" [76, trg 194]. Trên tinh thần đó, Trần Đình Sử tiến hành khảo sát ngôn ngữ tự sự, hình thức ngôi kể, điểm nhìn trần thuật. Trần Đình Sử nhận thấy cái mới đích thực trong phương pháp tự sự của Truyện Kiều là việc di chuyển điểm nhìn vào bên trong nhân vật với giọng điệu bộc lộ thái độ tình cảm trực tiếp của người kể. Trên cái nhìn đối sánh,Trần Đình Sử đi đến khẳng định: "Chính việc chuyển đổi mô hình tự sự đã làm cho Truyện Kiều đạt được một chất lượng mới chưa từng có" [74, trg 296]. Cũng ở chương năm, Trần Đình Sử chú ý quan tâm tới mô hình cốt truyện, bản chất thể loại, vai trò của độc thoại nội tâm và sự đổi mới cấu trúc tự sự của tác phẩm. Trần Đình Sử đặt vấn đề khuynh hướng cảm thương chủ nghĩa, phân tích chất trữ tình và giọng điệu nghệ thuật cảm thương trong Truyện Kiều. Tác giả của chuyên luận cũng bàn về màu sắc trong Truyện Kiều như một loại ngôn ngữ nghệ thuật, một phương tiện được Nguyễn Du sử dụng để "nói", qua đó ta có thể đọc được cách cảm nhận đời sống của Nguyễn Du. Trần Đình Sử cũng phân tích hệ thống các phương thức, phương tiện biểu hiện bằng ngôn từ, như: phép sóng đôi, đối ngẫu, ẩn dụ trong Truyện Kiều. Mặc dù khoa học nghiên cứu ngôn ngữ văn học trung đại chưa có nhiều thành tựu để trở thành hệ thống, song trên cách tiếp cận của thi pháp học hiện đại về ngôn ngữ nghệ thuật của Truyện Kiều, Trần Đình Sử đã xác định dứt khoát "phương tiện đặc biệt có ý nghĩa đối với việc sáng tạo ngôn ngữ trong thi ca nói chung mà Nguyễn Du là một tấm gương chói lọi đánh dấu sự thăng hoa và chín muồi của ngôn từ nghệ thuật dân tộc trong văn học trung đại Việt Nam" 76, trg 319.
Ở chương cuối của chuyên luận, Trần Đình Sử mới dừng lại ở mục tiêu lược thuật và phân tích trên những nét lớn nhằm chứng minh sức sống của Truyện Kiều. Trên cơ sở của thao tác so sánh với sự phát triển và biểu hiện của thể loại Truyện Nôm sau đó; Và, sự tồn tại của Truyện Kiều trong đời sống văn hoá của dân tộc: tập Kiều, bình Kiều, bói Kiều,... Trần Đình Sử cho rằng Truyện Kiều của Nguyễn Du có sức sống mạnh mẽ, lan toả và đi sâu vào đời sống văn hoá của dân tộc, trước hết và sau cùng, là ở bản thể cấu trúc hình thức nghệ thuật của kiệt tác có một không hai cả ở Việt Nam và ở trên thế giới.
Tiếp cận thi pháp học hiện đại một cách đồng bộ, hệ thống, tức là coi tác phẩm như một cấu trúc nghệ thuật, một hệ thống các thủ pháp nghệ thuật, nên càng đi sâu nghiên cứu càng chiếm lĩnh cho được bản chất sáng tạo của tác giả trong tác phẩm. Cách tiếp cận này duy trì được hàm lượng khoa học khách quan cao nhất, vì thế giá trị của đối tượng càng trở nên vĩ đại. Điều này khó thấy được ở những cách tiếp cận khác. Trên cơ sở đó, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào nhận định của Trần Đình Sử: "Nguyễn Du đã đưa nghệ thuật tự sự và nghệ thuật cổ điển thơ ca Việt Nam cũng như tiếng Việt văn học một đỉnh cao mới chưa từng có, trở thành mẫu mực chói lọi cho muôn đời thưởng thức, noi theo. Tác động nhiều mặt của Truyện Kiều đối với sáng tác đương thời và đời sau,