Diện mạo chung

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Trần Đình Sử về thi pháp học (Trang 25)

5. Cấu trúc của luận văn

1.3.1.Diện mạo chung

Việt Nam là dân tộc có truyền thống văn hoá, văn hiến lâu đời với hàng nghìn năm tuổi. Nhưng, vì những điều kiện đặc biệt của lịch sử: các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, chống nội chiến diễn ra với mật độ dày đặc, đã làm chậm lại sự phát triển của hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì thế từ tư duy đến hành động, từ tình cảm đến trách nhiệm của mọi tổ chức, đoàn thể, công dân Việt Nam, từ quá khứ tới hiện tại phần lớn đều dành chọn cho sứ mệnh giải phóng, thống nhất Tổ quốc. Đó cũng là lý do vì sao trong lĩnh vực khoa học và lý luận, ở Việt Nam chỉ có hai lĩnh vực quân sự và y học là có truyền thống, có thành tựu đáng kể. Quá trình giao lưu văn hoá quốc tế, vì thế, bị thu hẹp trong giới hạn cho phép.

Trong hoàn cảnh lịch sử đó, đối với lĩnh vực văn học, cho đến trước những năm 80 của thế kỷ XX, lý thuyết văn học nước ngoài được tiếp thu ở Việt Nam tuyệt đại đa số là các lý thuyết theo quan điểm

"chính thống". Đó là những quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin về văn học nghệ thuật, của những nhà lý luận - tư tưởng Mác xít, hoặc theo quan điểm Mác xít. Điều này cũng có nghĩa, những lý thuyết văn học

"Phi chính thống" đều bị khước từ nhập nội; Vì thế, trong đời sống văn học, lý luận nghiên cứu, phê bình văn học phát triển mất sự trọn vẹn, thiếu tính cân bằng cần thiết.

Nguyễn Xuân Kính nhận xét chính xác ảnh hưởng của điều kiện lịch sử đất nước trước những năm 80 của thế kỷ XX đối với nghiên cứu văn học, phê bình văn học, đặc biệt ở lĩnh vực chuyên môn hẹp - thi pháp học, Nguyễn Xuân Kính viết "Như vậy, mặt trái của truyền thống và hoàn cảnh không bình thường của đất nước trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trong lĩnh vực nghiên cứu thi pháp văn học nghệ thuật nói chung, thi pháp văn học dân gian nói riêng, nước ta chưa có nhiều thành tựu" [46, trg 57] . Thậm chí, "ở nước ta, trong khoảng một phần tư thế kỷ (tính từ sau năm 1954 đến năm 1979), hầu như thuật ngữ thi pháp không được sử dụng" [46, trg 19].

Số phận thi pháp học hiện đại ở Việt Nam thực sự được thai nghén từ những năm 1970 và phát triển trong mấy chục năm cuối thế kỷ XX, xuất phát từ ba căn cứ quan trọng:

Thứ nhất, trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, một trong những lĩnh vực nhạy cảm với giao lưu, ảnh hưởng văn hóa Việt với phương Tây, đã được "cởi trói" bởi những sợi dây ràng buộc của chính trị. Sự kiện đặc biệt này được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề cập trong buổi nói chuyện với văn nghệ sĩ năm 1987: "Cởi trói như thế nào?", "cởi trói" nói ở đây trước hết tôi nghĩ rằng Đảng phải cởi trói... Tôi cho rằng những sợi dây ràng buộc được cắt đi sẽ làm cho ngành ta như con chim được tung cánh bay lên trời xanh" [10, trg 16]. Bên cạnh đó, luồng tư tưởng đổi mới toàn diện với phương châm nhìn thẳng vào sự thật đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật được đặt ra từ Đại hội Đảng lần thứ VI tháng 12/1986 đã lan truyền, cộng hưởng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vừa thực hiện vừa tổ chức rút kinh nghiệm, vừa đổi mới vừa điều chỉnh theo định hướng, đất nước ta nhanh chóng vượt qua khủng hoảng tạo nhiều thành tựu quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực của đời sống xã hội. Lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học cũng đóng góp nhiều thành tựu, thúc đẩy văn học, văn hóa Việt Nam phát triển theo tinh thần tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thứ hai, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, hòa bình, độc lập, thống nhất được lập lại, chúng ta có nhiều điều kiện, thời gian để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm khoa học. Đội ngũ nhà khoa học có chất lượng liên tục được bổ sung từ hai nguồn đào tạo: học tập trong nước và đặc biệt là nguồn được cử đi học tập, tu nghiệp ở nước ngoài. Chân trời tri thức khoa học nghiên cứu văn học đã đạt nhiều thành tựu ở nước ngoài nhanh chóng được các nhà nghiên cứu, phê bình tiếp thu, vận dụng trong thực tế Việt Nam.

Trên tinh thần đổi mới toàn diện, đổi mới bắt đầu từ tư duy, những thế hệ nhà nghiên cứu, phê bình văn học, một mặt, tiếp thu kế thừa những phương pháp thành tựu nghiên cứu, phê bình thời kỳ trước (như phương pháp phê bình Mác xít, các nguyên tắc xã hội - lịch sử...). Đồng thời họ tiếp tục tìm tòi hướng đi, đột phá trong nghiên cứu, phê bình. Đặc biệt một số nhà nghiên cứu phê bình mạnh dạn, chủ động, giới thiệu, áp dụng vào nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam, những hướng nghiên cứu mới mẻ như: chủ nghĩa cấu trúc, phê bình mới, thi pháp học, văn học so sánh, văn hóa học, phương thức tồn tại của tác phẩm văn học... Những hướng nghiên cứu mới này tuy được tiếp thu từ lý thuyết văn học của nước ngoài nhưng được vận dụng rất uyển chuyển, thành công trong nghiên cứu ở Việt Nam.

Thứ ba, trong không gian, thời gian của tinh thần đổi mới toàn diện mà trước hết là đổi mới về tư duy, những tư tưởng khoa học mà các nhà nghiên cứu, phê bình văn học thể hiện trong hoạt động đã tạo nên môi trường học thuật sôi động, chất lượng và chín muồi: Từ việc các nhà nghiên cứu phê bình hoàn thành các tiểu luận, chuyên luận, đến việc các tổ chức, các trường đại học xuất bản các tạp chí chuyên ngành (Tạp chí văn học, Văn nghệ, Nhà văn, Tạp chí thông tin khoa học xã hội, Văn học nước ngoài...), tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn nhỏ về các vấn đề của văn học. Trên các kênh thông tin ấy, các thuật ngữ, phạm trù, khuynh hướng trường phái nghiên cứu, phê bình văn học liên tục được gia tăng nội hàm khoa học và trở nên quen thuộc, thiết thực: Thi pháp, thi pháp

học chi tiết nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật, điển hình hóa, trường phái, quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người, thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật, tầm đón đợi, phân tâm học, vô thức tập thể, cái nhìn nghệ thuật, văn học phi lý, lý thuyết cấu trúc...

Vì thế, người đọc ngày càng gia tăng cả về số lượng, chất lượng và lứa tuổi. Bạn đọc trước kia có thể chỉ cần đến kinh nghiệm, hứng thú, tình cảm, thời gian là cũng có thể thưởng thức, bàn luận văn chương. Thậm chí, trong nghiên cứu, phê bình trước đây đã có những lớp nhà nghiên cứu, phê bình, "lại cả gan viết phê bình, hạ những lời khen chê mà chỉ dựa vào lòng yêu mến văn chương, vào trực giác, vào khiếu thẩm mỹ, vào lòng trung thực không thiên vị của mình, tình cảm dùng để đánh giá là một mớ nhận định về thơ ca, về tiểu thuyết lượm lặt qua các sách phê bình văn học Pháp, chứ chưa có ý niệm gì về thế giới quan, nhân sinh quan chứ chưa có một ý niệm gì về phương pháp luận, về lý luận văn học. Chúng tôi không hề nghĩ mình viết như thế để làm gì và cho ai. Người ta viết thì mình cũng viết" [52, trg 79]. Nhưng giờ đây họ phải cần cả bộ công cụ giải mã mang tính khách quan, khoa học, lôgic, hệ thống của các thuật ngữ, phạm trù, lý thuyết, khuynh hướng, văn hóa đến các xu hướng nghiên cứu, phê bình văn học. Chính tinh thần khoa học, khách quan, biện chứng (đi liền là hệ thống thẩm mỹ) của lý luận, nghiên cứu phê bình hiện đại được xác lập trong thực tiễn văn học đủ xóa tan quan niệm kỳ thi với kho tàng lý luận văn học phương Tây. Đời sống văn học ở Việt Nam vì thế trở nên sôi động, hấp dẫn và chất lượng. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra đòi hỏi cần phải đổi mới và phát triển nền lý luận phê bình theo hướng hiện đại.

Trên tinh thần đó, bối cảnh lịch sử đó, thi pháp học hiện đại xuất hiện và phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, tạo thành xu hướng nghiên cứu nổi bật nhất trong mấy chục năm qua. Xu hướng này thể hiện thống nhất trên các phương diện: Đội ngũ nhà nghiên cứu, hệ thống thi pháp học, các công trình thi pháp học.

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Trần Đình Sử về thi pháp học (Trang 25)