Quan niệm nghệ thuật về con người

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Trần Đình Sử về thi pháp học (Trang 66)

5. Cấu trúc của luận văn

2.2.3. Quan niệm nghệ thuật về con người

2.2.3.1. Khái niệm về quan niệm nghệ thuật

Theo Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, thì khái niệm quan niệm nghệ thuật về con người được quan niệm "là nguyên tắc cắt nghĩa thế giới và con người vốn có của hình thức nghệ thuật, đảm bảo cho nó khả năng thể hiện đời sống với một chiều sâu nào đó.

Là sự miêu tả hữu hạn của thế giới vô hạn là cuộc đời, hình tượng văn học phải được mở đầu và kết thúc ở đâu đó, con người và cảnh vật phải được nhìn ở giác độ nào đó. Để tái hiện cuộc sống con người, tác giả phải hiểu cách họ giao tiếp với nhau, với thế giới và với bản thân, cách họ sống, hành động và suy nghĩ, điều họ quan tâm và không quan tâm trong cuộc đời. Tổng hợp tất cả mọi điều đó tạo thành cái mô hình nghệ thuật về thế giới và con người bao quát mà tác giả xuất phát để khắc họa hình tượng của những con người và số phận cụ thể, tổ chức quan hệ của các nhân vật, giải quyết xung đột, xây dựng kết cấu tác phẩm. Quan niệm nghệ thuật thể hiện cái giới hạn tối đa trong cách hiểu thế giới và con người của một hệ thống nghệ thuật, thể hiện khả năng, phạm vi, mức độ chiếm lĩnh đời sống của nó" [94, trg 229].

Trong hệ thống thi pháp học của mình, lý luận về quan niệm nghệ thuật về con người được Trần Đình Sử đặc biệt quan tâm. Để có cái nhìn đối sánh, chúng tôi đề cập đến một số quan niệm nghệ thuật về con người một cách khái quát nhất của một số học giả Nga.

2.2.3.2. Quan niệm nghệ thuật về con người của một số học giả ở Nga.

Nhận xét về một số khái niệm nổi lên như một trung tâm, một yếu tố tạo hệ thống chi phối cách hiểu các khái niệm khác trong hệ thống các khái niệm lý luận văn học ở Liên Xô từ cuối những năm 20 đến những năm 70, 80 của thế kỷ XX, Trần Đình Sử cho rằng: "Có thể xem quan niệm nghệ thuật là khái niệm lý luận quan trọng bậc nhất trong mấy thập niên qua, có ý nghĩa trả về cho văn học bản chất nhân học" [69, trg 93].

Vấn đề quan niệm nghệ thuật về con người trong các chuyên luận, tiểu luận của một số nhà nghiên cứu văn học ở Nga, nhìn chung được lý luận trên những phương diện chính, được lý luận ở những góc độ: Thứ nhất, xem như là một hiện tượng văn hóa lịch sử có tính loại hình dựa trên lý luận của Mác về sự tương ứng giữa cấu trúc nhân cách, sự tự cảm thấy của con người với hình thái kinh tế xã hội. Tiêu biểu: Con người trong văn học Nga cổ (1958) của D.SLikhachev, hay Những quan niệm về con người văn học phục hưng của N.I.Conrat (1975).

Thứ hai, khái niệm này trở thành trung tâm của đấu tranh ý thức hệ giữa vô sản và tư sản, giữa văn học xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa hiện đại phương Tây. Tiêu biểu các công trình: Quan niệm con người trong văn học hiện đại (1962) của V.R.Sécbina. Văn học Xô viết và con người mới (1967) của Z.x Kêdrina; Quan niệm con người trong mĩ học hiện thực xã hội chủ nghĩa (1977) của nhiều tác giả.

Thứ ba, dựa vào đặc trưng hình tượng, sự phản ánh phương diện cảm tính của hiện thực để phân biệt quan niệm nghệ thuật về con người và thế giới so với các quan niệm triết học, xã hội... Tiêu biểu là quan điểm của I.Borep và M.Pôliacôp. Trên tinh thần 8 lớp nghĩa đời sống có thể được tái hiện trong tác phẩm của I.Bôrep đề xuất thì M.Pôliacôp cho rằng có thể rút gọn vào các bình diện sau: Quan hệ người với bản thân mình, người với người khác, người với môi trường xung quanh (xã hội) người với tự nhiên, người với vũ trụ... [69, trg 93-105].

Như vậy, ở phương diện này, lý luận văn học xem xét quan niệm nghệ thuật về con người nhằm xây dựng lý luận về nội hàm khái niệm từ phương pháp sáng tác, từ giới hạn thực tế của tư duy như một hiện tượng

khách quan là thể thống nhất giữa hiện thực được phản ánh và năng lực cắt nghĩa, lý giải của con người, cho đến cơ sở để xác nhận tính độc đáo của sáng tác nghệ thuật. Nói cách khác, lý luận văn học xem xét quan niệm nghệ thuật về con người chính là lý giải sự nhận thức đối với quá trình sáng tác văn học của nhà văn trong việc tái tạo hiện thực, xã hội; lý giải mối quan hệ giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội để khẳng định tính tư tưởng, quan niệm tư tưởng của nhà văn, của văn học, tức là ở mối quan hệ nội dung - tư tưởng.

Tiếp thu những quan niệm của lý luận văn học về quan niệm nghệ thuật, thi pháp học cho rằng quan niệm nghệ thuật về con người là sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy của con người đã được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp hình thức thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật trong đó.

Sự phát triển tiếp biến này, phải kể đến đóng góp của M.Bakhtin và D.S LiKhachev. Trong chương I của công trình thi pháp nổi tiếng

Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki, Bakhtin nhận xét rằng: nghiên cứu tính độc đáo sáng tạo của Đôxtôiepxki mà chỉ dừng lại ở việc phát hiện các nguyên tắc thế giới quan là chưa đủ. Cần phải xem xét cách mà cái nguyên tắc thế giới quan ấy chuyển hóa thành nguyên tắc của cái nhìn nghệ thuật đối với thế giới thì mới hiểu nhiệm vụ nghệ thuật của nhà văn, tính sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, “nghệ thuật bắt đầu từ ở nơi bắt đầu có hình thức nghệ thuật”- L.Vưgôtxkin là vì thế. Bakhtin cũng viết rằng: nghệ sĩ chỉ là nghệ sĩ khi anh ta đối diện với chất liệu, khi sáng tạo hình thức mới của cái nhìn nghệ thuật tương ứng với một nội dung mới về cuộc sống. Cũng theo Bakhtin, nguyên tắc cái nhìn nghệ thuật cũng là "nguyên tắc cấu tạo văn học", đó là một "thế giới quan trọng ý nghĩa đặc biệt", một "ý thức hệ tạo hình thức" có tác dụng khám phá một lớp nội dung độc đáo từ hiện thực khách quan mà quan niệm nghệ thuật khác không phát hiện ra. Chính với tinh thần này M.Bakhtin đã phát hiện ra cái nhìn đa thanh trong tiểu thuyết của Đôxtôiepxki và tính độc đáo trong tiểu thuyết của F.Rabơle.

Đối với D.S. Likhachev quan niệm nghệ thuật gắn với sự miêu tả con người, cái nhìn nghệ thuật về con người. Trong sự miêu tả đó với cách hiểu này. D.S. Likhachev đã khám phá ra tính độc đáo trong quan niệm nghệ thuật về Con người trong văn học Nga cổ, trong Thi pháp văn học Nga cổ [69, trg 93-105].

Trên tinh thần của cái nhìn hình thức mang tính quan niệm, Trần Đình Sử cho rằng quan niệm nghệ thuật là khái niệm nội dung của thi pháp, được khám phá qua nghiên cứu hệ thống thi pháp.

Như vậy những lý giải về quan niệm nghệ thuật về con người ở Nga là tiền đề, là những gợi ý quan trọng đề Trần Đình Sử tiếp thu và vận dụng trong nghiên cứu.

2.2.3.3. Cách lý giải của Trần Đình Sử về quan niệm nghệ thuật về con người.

Trong hệ thống lý luận thi pháp của Trần Đình Sử quan niệm nghệ thuật vừa là phạm trù trong chỉnh thể hệ thống, vừa là yếu tố xác định nhân sinh quan và thế giới quan khoa học.

Để luận giải quan niệm nghệ thuật về con người, Trần Đình Sử xác lập trên những luận điểm thống nhất: Khái niệm nghệ thuật về con người (quan niệm nghệ thuật về con người là nguyên tắc lý giải, cảm thụ của chủ thể sáng tác; cơ sở xã hội, lịch sử, văn hóa của quan niệm nghệ thuật về con người; ý nghĩa của quan niệm nghệ thuật về con người). Những biểu hiện của quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học (tương quan nhân vật văn học và quan niệm nghệ thuật về con người, những biểu hiện của quan niệm nghệ thuật về con người, sự vận động và phát triển của quan niệm nghệ thuật về con người (con người trong thần thoại, con người trong sử thi, con người trong cổ tích, con người trong văn học viết trung đại, con người trong văn học cận, hiện đại).

Bên cạnh đó, quan niệm nghệ thuật về con người còn được Trần Đình Sử thể hiện rõ trong hệ thống từ các tiểu luận đến các chuyên luận, từ các chuyên luận viết riêng đựơc thể hiện trong suốt con đường khoa học của mình. Chúng ta có thể kể đến: Lý luận hiện đại về hình tượng

nghệ thuật, Văn nghệ số 50, 1982; Con người trong văn học thời đại Lý Trần, Nội san nghiên cứu Phật học số 3, 1995; Con người cá nhân trong văn học Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối XVII, Con người cá nhân trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX, in trong Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam, NXBGD, 1997; Con người trong văn học Việt Nam hiện đại trong sách Một thời đại văn học mới, NXB văn học 1987; Quan niệm con người trong thơ Tố Hữu trong sách Thi pháp thơ Tố Hữu, NXB Tác phẩm mới 1987, NXB Giáo dục 1995.

Xuất phát từ hai góc nhìn: Văn học là nhân học (tức là cách hiểu về con người, khẳng định con người là đối tượng trung tâm của văn học; con người có vị trí, vai trò, ý nghĩa đặc biệt trong sáng tạo văn học); Và con người được xây dựng như thế nào trong văn học, khác biệt gì với con người tôn giáo, triết học, khoa học, Trần Đình Sử đi đến nhiều nhận xét quan trọng: "Nghiên cứu quan niệm về con người trong văn học không giống với việc tìm hiểu con người trong các học thuyết triết học. Con người trong văn học là sự ý thức về con người, là cách hiểu về con người và cuộc đời làm cơ sở cho việc sáng tạo ra các hình tượng nghệ thuật hòa tan trong sự miêu tả các hình tượng sống động. Nhiệm vụ của người nghiên cứu là vạch ra quan niệm ấy như là các lý bên trong của hình tượng" [16, trg 21]

Trên tinh thần này, Trần Đình Sử chứng minh trong lịch sử văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến nay, quan niệm về con người là yếu tố quan trọng tạo ra tính khu biệt của từng thời đại văn học và của từng tác giả: Quan niệm nghệ thuật về con người ở thời trung đại là khác biệt với thời hiện đại; giữa Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ cũng là khác biệt; giữa Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao không thể có khuôn khổ thống nhất về con người. Cũng là con người cá nhân, cá thể, nhưng thời trung đại tính cá nhân, cá thể đựơc khẳng định trong các lý tưởng lớn; còn ở thời hiện đại, cá nhân, cá thể của con người được soi chiếu tương quan của các mối quan hệ của hoàn cảnh xã hội. Phương diện này, Trần Đình Sử lý giải ở hai góc độ: Thứ nhất, xuất phát từ các

biểu hiện lặp đi lặp lại của nhiều nhân vật, thông qua các yếu tố bền vững, được tô đậm để tạo nên chúng; thông qua công thức giới thiệu nhân vật: chân dung nhân vật, ngoại hình, trang phục, hành động, tâm lý, nội dung; Và, tính cách nếu hiểu là lôgich của hình tượng con người thì nó là yếu tố mang tính quan niệm. Thứ hai, "quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn không phải là bất cứ cách cắt nghĩa có tính phổ quát, tột cùng mang ý vị triết học, nó thể hiện cái giới hạn tối đa trong việc miêu tả con người. Mà chỉ trong giới hạn đó mới có khác biệt với các quan niệm thông thường và mới có tính sáng tạo" [77, trg 64].

Nghiên cứu, lý giải cắt nghĩa về con người dưới góc nhìn thi pháp học từ dân gian tới hiện đại, từ tác phẩm tới tác giả, tới trào lưu và tới văn học dân tộc, Trần Đình Sử một mặt vừa tiếp cận với con người dưới góc độ khoa học thi pháp trên tính hệ thống tính quan niệm, tính mỹ học, triết học; mặt khác đó là nguồn cảm hứng nâng bước Trần Đình Sử vượt lên khó khăn, giới hạn thông thường. Nên chúng ta hiểu vì sao đằng sau những thành công trong khoa học, đằng sau những sự tôn vinh là một Trần Đình Sử lam lũ, miệt mài, cặm cụi trong phòng làm việc, nhưng đó lại là một niềm hạnh phúc, một thứ hạnh phúc chắt lên từ cuộc sống có phần khổ hạnh (Nguyễn Đăng Điệp).

Vấn đề con người là điểm giao cắt của rất nhiều lĩnh vực khác nhau, rất nhiều trường phái, rất nhiều ngành khoa học khác nhau quan tâm trên cả hai bình diện lý luận và ứng dụng nghiên cứu. Vì thế, trong lý luận, phê bình văn học, giảng dạy văn học nó rất dễ bị các nhà nghiên cứu, áp đặt những cách hiểu chủ quan; rất dễ là căn cứ để đi đến những kết luận khiên cưỡng, thô thiển, thiếu tính khoa học (trường hợp áp dụng Phân tâm học một cách máy móc, suy diễn để nghiên cứu Truyền Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Công Trứ của Nguyễn Bách Khoa, Nguyễn Văn Hanh là những ví dụ như vậy).

Do vậy, quan niệm nghệ thuật về con người góp phần khắc phục những suy diễn chủ quan, hình thành thế giới quan, phương pháp nghiên cứu khoa học, khách quan và giàu tư tưởng triết mỹ. Đồng thời "nghiên cứu quan niệm nghệ thuật về con người giúp ta thâm nhập vào cơ chế tư

duy của văn học, khám phá qui luật vận động, phát triển của hình thức (thể loại, phong cách) văn học. Đó chính là nội dung ẩn chứa bên trong mọi yếu tố hình thức văn học, phân biệt với nội dung cụ thể mà mỗi tác phẩm biểu hiện" [77, trg 82].

Những nhiệm vụ, mục đích trên cũng là mục đích, nhiệm vụ mà Trần Đình Sử đã hướng tới, theo đuổi và hoàn thành.

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Trần Đình Sử về thi pháp học (Trang 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)