Một số hướng nghiên cứu về thơ Tố Hữu

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Trần Đình Sử về thi pháp học (Trang 94)

5. Cấu trúc của luận văn

3.2.2.Một số hướng nghiên cứu về thơ Tố Hữu

Giữa cách mạng - Tố Hữu - thơ Tố Hữu - độc giả thơ Tố Hữu là một chu trình biện chứng không có tính chất quyết định luận giữa các yếu tố. Thơ Tố Hữu là một phần tất yếu trong sự vận động phát triển của thơ ca cách mạng Việt Nam. Nếu chúng ta làm cách mạng là để giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, thì trong giới lý luận phê bình dường như nghiên cứu thơ Tố Hữu là để xác định thế giới quan khoa học chính thống, xác định tư cách bản lĩnh chính trị của nhà nghiên cứu. Vì thế thơ Tố Hữu trở thành sự lựa chọn quan trọng đối với nhà nghiên cứu. Chúng ta có thể nhắc đến thơ Tố Hữu, là nhắc đến tên tuổi của những nhà lý luận phê bình hàng đầu: Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Lê Đình Kỵ, Nguyễn Văn Hạnh, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Trần Đình Sử, Nguyễn Đăng Mạnh...

Phần lớn các nhà lý luận, phê bình đều nghiên cứu thơ Tố Hữu theo xu hướng xã hội với nguyên tắc khách quan lịch sử. Nghĩa là xu hướng nghiên cứu này thường nhấn mạnh về nội dung tư tưởng, cắt nghĩa, lý giải từ các phạm trù cảm hứng, đề tài, chủ đề, thể loại, tính dân tộc. Nguyễn Văn Hạnh thấy ở thơ Tố Hữu là "Tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình" [28], Hoài Thanh cho rằng: "Từ ấy, tiếng hát của một người thanh niên, một người cộng sản" [38, trg 463-490]. "Gió lộng, một bước tiến mới của Tố Hữu, một tập thơ mang khí thế mới của cách mạng Việt Nam" [38, trg 595-623]. Hà Minh Đức khẳng định "Ra trận - Khúc ca chiến đấu" 38, trg 676-686....

Bên cạnh đó, có nhiều nhà nghiên cứu thơ Tố Hữu theo hướng phong cách như Lê Đình Kỵ (Thơ Tố Hữu, NXB Đại học và Trung học

chuyên nghiệp H.1979), Nguyễn Văn Hạnh (Phong cách nghệ thuật của Tố Hữu, Nội san NCVH số 3-1970, Trường ĐHSP Hà Nội), Nguyễn Đăng Mạnh trên cái nhìn hệ thống của Con đường đi và thế giới nghệ thuật của nhà văn đã khẳng định rằng thơ Tố Hữu hay nhất khi cảm hứng thơ kết hợp được một cách tự nhiên ba chủ đề lớn sau: ngợi ca lí tưởng cách mạng, diễn tả niềm vui hướng về tương lai XHCN, thể hiện những cảm nghĩ ân tình thuỷ chung. "Cho nên danh hiệu phù hợp nhất với Tố Hữu một cách tổng quát nhất vẫn là: Nhà thơ của lý tưởng cộng sản" 59, trg 224. Một xu hướng nghiên cứu rất triển vọng và nổi bật là nghiên cứu hình thức nghệ thuật thơ Tố Hữu. Ở hướng nghiên cứu này thơ Tố Hữu được đẩy lên tầm cao mới.

Nhận xét về 50 năm (1945 - 1995) thơ Tố Hữu trong đời sống phê bình nghiên cứu văn học ở Việt Nam, Nguyễn Văn Long viết: "Nhìn chung, có thể thấy sự vận động của phê bình, nghiên cứu thơ Tố Hữu là ngày càng đi tới sự tiếp cận toàn diện hơn, chính xác hơn thế giới nghệ thuật và cái tôi trữ tình của nhà thơ trong chính hệ thống và sự vận động của nó, vượt qua những cách nhìn nhận, phân tích theo lối xã hội dung tục, máy móc, tiếp cận các giá trị thẩm mỹ, và giá trị nhân văn bền vững của tác phẩm, đồng thời đặt thơ Tố Hữu trong hoàn cảnh của sự vận động và các khuynh hướng thơ của nền thơ hiện đại Việt Nam. Phải chăng, đó cũng là chiều hướng vận động bao trùm của phê bình văn học ở ta thời kỳ mấy chục năm vừa qua, được nhận và từ trường hợp nghiên cứu phê bình thơ Tố Hữu?" [38, trg 302].

Thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử vừa đi trong xu hướng ấy, vừa vượt qua những giới hạn để xác lập khuynh hướng nghiên cứu văn học đầy triển vọng ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Trần Đình Sử về thi pháp học (Trang 94)