Một số nhà nghiên cứu viết về Truyện Kiều

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Trần Đình Sử về thi pháp học (Trang 82)

5. Cấu trúc của luận văn

3.1.2.Một số nhà nghiên cứu viết về Truyện Kiều

Nói đến thiên tài nghệ thuật Nguyễn Du, nhiều người đề cập đến độ nhạy cảm của tâm hồn - độ nhạy tới mức, một mặt, làm cho con người hành động Nguyễn Du nhiều khi trở nên yếu đuối, nhưng mặt khác lại là sức mạnh để Nguyễn Du rất dễ đồng cảm với ngoại cảnh, đặc biệt là thân

phận của những người hồng nhan bạc mệnh - Nên khi viết về nàng Tiểu Thanh (Độc Tiểu Thanh ký), Nguyễn Du liên hệ tới mình: "Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như". Trước cái chết, thông thường, con người thường suy nghĩ về sự bất tử: đó là được sống trong tình cảm dành cho của những người đang sống; đó là được sống trong hành động làm theo của nhiều người cùng chí hướng. Ở điểm này có thể coi hai câu thơ trên là lời di chúc nghệ thuật của Nguyễn Du.

Nguyễn Du bất tử. Tác phẩm nghệ thuật Truyện Kiều cũng bất tử bằng sức sống mãnh liệt trên các cấp độ của cách đọc, trên các phương diện, xu hướng nghiên cứu phê bình văn học.

Hơn một thế kỷ sau 1820, tiếp nối nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, bình luận về Truyện Kiều của Nguyễn Du, Nguyễn Bách Khoa, bút hiệu Trương Tửu - viết một loạt các chuyên luận nghiên cứu về Truyện Kiều:

Nguyễn Du và "Truyện Kiều" (1943), Văn chương "Truyện Kiều" (1944),

"Truyện Kiều" và thời đại Nguyễn Du (1956). Một điều đáng ghi nhận ở các chuyên luận này đó là việc tác giả của nó đã cố gắng tiếp thu, vận dụng lý thuyết văn học của nước ngoài vào nghiên cứu văn học Việt Nam. Lý thuyết mà Nguyễn Bách Khoa áp dụng là tâm phân học của S.Freud, phương pháp xã hội học lịch sử của V.Plekhanov, thuyết nhân học - xã hội học của Hippolyte Taine... Nguyễn Bách Khoa cho rằng ông đã vận dụng phương pháp duy vật biện chứng. Vì "khảo cứu văn học cũng vậy, tức là khảo cứu theo phương pháp duy vật biện chứng, là phương pháp khoa học cao nhất, hiệu nghiệm nhất trong tư tưởng giới hiện đại của con người. Ngày nay, phương pháp khoa học phải là phương pháp duy vật biện chứng. Nếu không nó sẽ không phải là phương pháp khoa học nữa" [8, trg 189]. Có lẽ do sự choáng ngợp trước hệ thống lý luận văn học phương Tây, nên Nguyễn Bách Khoa tiến hành vận dụng một cách máy móc, cộng với ý thức chủ quan đã kéo tinh thần khoa học của các lý thuyết được áp dụng đi ra ngoài đối tượng nghiên cứu. Vì thế các chuyên luận của Nguyễn Bách Khoa nghiên cứu về Truyện Kiều đã mất đi giá trị khoa học đích thực. Điều này được nhiều nhà nghiên cứu như: Phan

Cự Đệ, Nguyễn Lộc, Trần Thanh Mại, Nguyễn Văn Dân,... phê phán [xem: 8, trg 18-192; 15, trg 259-270; 58, trg 527-551; 76, trg 40-42].

Năm 1976, Nguyễn Lộc viết chuyên luận về Văn học Việt Nam (nửa cuối thể kỷ XVIII hết thế kỷ XIX), trong đó, ông dành nhiều trang viết nghiên cứu về Truyện Kiều (trang 334-466). Viết chuyên luận này, Nguyễn Lộc sử dụng phương pháp xã hội học, trên cơ sở của nguyên tắc khách quan lịch sử, lấy quan điểm duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin làm tư tưởng chỉ đạo. Nguyễn Lộc viết Truyện Kiều trên những phương diện: Những mâu thuẫn trong thế giới quan của Nguyễn Du phản ánh trong Truyện Kiều, Điển hình hóa trong nghệ thuật, ngôn ngữ trong Truyện Kiều, lịch sử vấn đề nghiên cứu Truyện Kiều - Phê phán những quan điểm sai lầm. Như vậy, Nguyễn Lộc chủ yếu tập trung làm rõ phương diện nội dung của Truyện Kiều, tính lịch sử của vấn đề nghiên cứu Truyện Kiều từ khuynh hướng xã hội học .Và từ khuynh hướng này: nội dung xã hội Truyện Kiều, thân phận con người, giá trị tố cáo xã hội... được chuyên luận khẳng định rõ ràng . Vì thế, khi viết chuyên luận này, Nguyễn Lộc khẳng định rằng "phải nói là dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta tự hào rằng ngày nay chúng ta đã hiểu đúng và chừng mực nào đã hiểu sâu về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Cố nhiên như thế vẫn chưa đủ, mà phải hiểu sâu hơn nữa. Truyện Kiều còn là một đối tượng đầy hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu" [54, trg 466].

Năm 1985, Phan Ngọc công bố chuyên luận Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Đây là công trình đánh dấu bước phát triển mới của việc áp dụng lý luận hiện đại phương Tây vào nghiên cứu văn học ở Việt Nam. Trần Đình Sử cho rằng, nội dung khoa học của công trình đã chuyển sang phạm vi phong cách học nghệ thuật hay rộng hơn là thi pháp học, một lĩnh vực nghiên cứu hệ thống các phương thức, phương tiện khám phá đời sống bằng hình tượng, nghệ thuật. Trên tinh thần đó, Phan Ngọc nghiên cứu Truyện Kiều trong những mối liên hệ đồng đại và lịch đại về mặt lịch sử, văn hóa, văn học, thể loại, ngôn ngữ. Tuy nhiên, Phan Ngọc đã bỏ qua cấu trúc ngôn ngữ trần thuật của

Truyện Kiều, một vấn đề rất cơ bản của phong cách học nghệ thuật và rất thú vị đối với Truyện Kiều.

Như thế lý luận thi pháp học hiện đại vẫn chưa được Phan Ngọc áp dụng một cách hệ thống, trọn vẹn.

Năm 2008, Trần Nho Thìn tiếp cận Truyện Kiều dưới góc nhìn văn hóa, với những tiểu luận: Tìm hiểu tính luận đề trong "Truyện Kiều" để xem xét vấn đề có hay không chủ nghĩa hiện thực ở tác phẩm này;

Trường hợp Nguyễn Du, văn học trung đại từ chủ nghĩa dân bản đến chủ nghĩa nhân bản; Triết lý "Truyện Kiều" trong bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, xã hội trong "Truyện Kiều”, Nhân vật "Truyện Kiều" và vấn đề tiếp cận nhân học văn hóa.

Cùng có nhiều điểm tương đồng với thi pháp học, cách tiếp cận văn hóa học coi trọng văn bản, coi văn bản như một thế giới có tính độc lập, coi việc phân tích ngôn từ và hình tượng hiện diện trong văn bản là một nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh đó, văn hóa học còn hướng tới việc "đi tìm cơ tầng văn hóa đã khai sinh ra chúng để hiểu đựơc tính hợp lý của hình tượng nghệ thuật. Từ chỗ nắm bắt được sự chi phối của cơ tầng văn hóa đến hình tượng nghệ thuật, có thể dự báo được tính hợp lý trong sự tiếp tục tồn tại hay tất yếu bị diệt vong của các hình tượng này khi cơ tầng văn hóa thay đổi" 85, trg 333 - 334. Trên cơ sở này, Trần Nho Thìn có nhiều lý giải sâu sắc, đặc biệt là cái nhìn Truyện Kiều từ thân và tâm; và, đi đến khẳng định Nguyễn Du vượt trước thời đại, khi đề cập con người ở bản thể luận; vì thế, nó nhân nhân văn, nhân bản và mang tính hiện đại.Tuy vậy, văn hóa là phạm vi rộng, sâu sắc nên khi không có những giới hạn của vấn đề, hoặc không có giới hạn mang tính công cụ thì rất khó để giải quyết đối tượng như tôn chỉ đặt ra.

Như vậy, tìm hiểu, nghiên cứu về Truyện Kiều có nhiều hướng tiếp cận, mỗi huớng đều có ưu thế riêng của mình. Tuy nhiên, ở những cấp độ chỉnh thể nghệ thuật thì sự thống nhất giữa nội dung và hình thức nghệ thuật đóng vai trò then chốt. Các cách tiếp cận trên chưa thể phản ánh trung thực khách quan tương quan ấy.

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Trần Đình Sử về thi pháp học (Trang 82)