Hình thức mang tính quan niệm

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Trần Đình Sử về thi pháp học (Trang 54)

5. Cấu trúc của luận văn

2.2.2.Hình thức mang tính quan niệm

2.2.2.1. Khái niệm hình thức, hình thức nghệ thuật trong nghiên cứu văn học.

Tồn tại biện chứng, song hành cùng hình thức trong hiện thực khách quan là hình thức trong tư duy, nhận thức của con người. Sự vận động phát triển của sự vật, hiện tượng, của tư duy nhận thức cũng là sự vận động phát triển của hình thức từ đơn giản đến phức tạp, từ đơn lẻ đến hệ thống. Như thế bên cạnh sự vận động, phát triển biến đổi cấu trúc, là sự tồn tại tương đối bền vững những thuộc tính của hình thức.

Hình thức là một phạm trù cụ thể trong quan hệ biện chứng với nội dung, nhưng hình thức còn là một phạm trù mở, liên quan đến phạm vi tồn tại. Trong nghĩa chung nhất "hình thức là phương thức tồn tại và phát triển của sự vật là hệ thống các mối liên hệ tương đối bền vững giữa các yếu tố của nó" [34, trg 270].

Từ khái niệm trên, có mấy phương diện cần lưu ý:

Thứ nhất, trong phạm vi thực tế, hình thức được quan niệm là hình dạng bên ngoài của sự vật, nó là cơ sở để phân biệt sự vật này với sự vật khác, là cơ sở để sự vật tồn tại, phát triển. Vì thế hình thức là phạm trù của vật chất, tồn tại khách quan.

Thứ hai, trong phạm vi nhận thức, hình thức chỉ có nghĩa, chỉ được nhận thức trong quan hệ biện chứng với nội dung. Mọi hình thức tách biệt khỏi nội dung đều trở nên siêu hình và không có giá trị. Đồng thời mọi sự đề cao vai trò hình thức hoặc nội dung đều phá vỡ hài hòa thống nhất trong nhận thức. Cũng trong phạm vi nhận thức, hình thức được cấu thành từ những yếu tố và mối quan hệ giữa các yếu tố bên trong một cách tương đối bền vững.Vì thế hình thức cũng mang tính lịch sử.

Thứ ba, hình thức tồn tại bên ngoài nhận thức là hình thức không được xác định. Cho nên không có sự tồn tại nào của hình thức, nằm ngoài nhận thức của con người. Vì thế hình thức mang tính tư tưởng, quan niệm gắn với nhận thức khách quan, khoa học của chủ thể nhận thức.

Tác phẩm văn chương là một sản phẩm đặc biệt của văn hóa loài người; là sản phẩm của lịch sử xã hội, tinh thần của con người và là căn cứ để xác định thành tựu, lịch sử phát triển của văn học. Có vị trí, vai trò trong nhiều tương quan của các lĩnh vực khác nhau, nên hình thức nghệ thuật của văn học là đối tượng đặc biệt của các ngành, lĩnh vực khoa học khác nhau.

Theo Trần Đình Sử, "hình thức nghệ thuật của văn học phải là hình thức của cái thế giới nghệ thuật mà người đọc tiếp xúc và cảm thấy, nó bao gồm cả hình thức văn bản ngôn từ và hình thức hình tượng, cả hai thống nhất thành văn bản nghệ thuật. Về nguyên tắc, hình tượng, là ý nghĩa của văn bản ngôn từ. Nhưng nó lại là yếu tố liên kết thống nhất văn bản ngôn từ vào một trong hai yếu tố trên, mà phải là chỉnh thể thống nhất của chúng, tức là văn bản nghệ thuật. ở cấp độ này mối quan hệ nội dung và hình thức thực chất là quan hệ kí hiệu và ý nghĩa" [77, trg 37].

Từ quan niệm trên có thể rút ra được những thuộc tính hình thức nghệ thuật của văn học:

Một là, hình thức nghệ thuật của văn học trước hết là hình thức văn bản ngôn từ và đồng thời với hình thức văn bản là hình thức hình tượng. Đây là những hình thức không thể cân đo, đong đếm được nhưng vẫn có thể tiếp xúc và cảm nhận được thông qua hệ thống giác quan và quá trình liên tưởng, tưởng tượng của con người. Như thế tính vật chất của hình thức nghệ thuật vẫn được bảo toàn.

Hai là, hình thức nghệ thuật của văn học chỉ tồn tại trong tính cấu trúc, hệ thống của bản thân hình thức văn bản nghệ thuật (thông qua mối quan hệ giữa các yếu tố: ngôn từ, hình tượng) với nội dung của nó. Cả hai đều kết tinh hài hòa, trọn vẹn, biện chứng trong văn bản nghệ thuật.

Ba là, văn học là sản phẩm kết tinh đời sống tinh thần của con người. Nên cấu trúc của văn bản ngôn từ là cấu trúc tương ứng của thế

giới nghệ thuật tinh thần do sự sáng tạo độc đáo của nhà văn xây dựng thành. Vì thế, hình thức nghệ thuật của văn học cũng tồn tại khách quan trong nhận thức khách quan của chủ thể. Quan hệ kí hiệu - ý nghĩa nằm trong nội hàm của thuộc tính này.

Từ những cách tiếp cận trên, hình thức nghệ thuật của văn học cũng nằm trong hệ thống tương ứng của hình thức tổng quát tương ứng. Nghiên cứu về hình thức là phương thức tồn tại của tư cách, chỗ đứng, lập trường khoa học của người nghiên cứu.

2.2.2.2. Một số lý luận, quan niệm về hình thức nghệ thuật văn học của các nhà nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam.

Lý luận phê bình văn học trên thế giới theo quan niệm hiện đại, hệ thống, khoa học chỉ thực sự ra đời từ cuối thế kỷ XIX và phát triển từ thế kỷ XX. Do đó lý luận; phê bình văn học trước thế kỷ XIX chủ yếu nhìn ở góc độ triết học - văn học - sử học (Văn sử triết bất phân là như thế). Do đó vấn đề hình thức nghệ thuật văn học có sự thay đổi nội hàm trong sự vận động và phát triển của lý luận, phê bình văn học.

Trước thế kỷ XX, có hai quan niệm tiêu biểu của triết học về hình thức nghệ thuật đó là triết học duy tâm và triết học duy vật.

Triết học duy tâm - tiêu biểu nhất là Hegel, đã nhìn hình thức nghệ thuật trong quan hệ biện chứng với nội dung nghệ thuật. Mà nghệ thuật theo Hegel vẫn là sự thống nhất giữa hình thức cảm quan với nội dung (tinh thần, ý niệm, chủ thể tự do). Và cũng trong mối quan hệ này, Hegel chia ra thành nghệ thuật tượng trưng, nghệ thuật cổ điển và lãng mạn. Ở giai đoạn tượng trưng hình thức lấn át nội dung, vật chất lấn át tư tưởng; thể hiện ở sự phát triển của nghệ thuật xây dựng đền đài, đặc biệt là Kim Tự Tháp. Điều đó có nghĩa rằng giữa nội dung và hình thức của nghệ thuật bị mất cân đối, đang tìm sự thích hợp, hài hòa. Ở giai đoạn cổ điển: nghệ thuật tìm được sự hài hòa giữa nội dung và hình thức nghệ thuật. Hegel khẳng định: "chỉ có nghệ thuật cổ điển là tạo ra được cái hiện thực phù hợp với khái niệm, điều mà hình thức tượng trưng của nghệ thuật đã cố gắng đạt tới nhưng không sao đạt được... Lý tưởng cấp độ nội dung

và hình thức cho nghệ thuật cổ điển là nghệ thuật thể hiện được điều mà theo khái niệm của mình làm thành nghệ thuật chân chính ở trong một hình thức ăn khớp với mình”[29, trg 666]. Và Hegel chứng minh ở nghệ thuật Hy Lạp thể hiện lý tưởng cổ điển. Còn ở giai đoạn lãng mạn, nội dung lấn át hình thức vì dồn cho một hình thức nhiều tư tưởng, ý tưởng. Do đó nội dung phá vỡ sự hài hòa của nghệ thuật bằng dục vọng của chủ thể; thể hiện ở thế giới nội tâm, tính chủ thể, và cái tôi. Như vậy hình thức nghệ thuật trong quan niệm của Hegel là hình thức trong quan hệ với nội dung. Tuy nhiên xét cho cùng, đó là hình thức chung chung cảm tính. Cho dù Hegel có quan niệm "Triết học của nghệ thuật có nhiệm vụ dùng tư duy để lý giải bản chất của cái nội dung này cũng như những hình thức biểu hiện đẹp đẽ của nội dung" [29, trg 917], thì triết học của Hegel vẫn là phép biện chứng duy tâm. Cho nên Marx gọi đó là phép biện chứng lộn ngược đầu xuống đất, vì đó chỉ là những quy luật của sự phát triển "ý niệm tuyệt đối" mà thôi.

Khắc phục và phát triển những hạt nhân hợp lý của triết học duy tâm, chủ nghĩa Marx đã xây dựng nội dung triết học dựa trên chủ nghĩa duy vật lịch sử và phép biện chứng duy vật.

Triết học Marx - Lê nin khẳng định mối liên hệ giữa nội dung và hình thức là mối liên hệ biện chứng thể hiện sự gắn bó khăng khít giữa nội dung và hình thức; ở vai trò quyết định của nội dung so với hình thức trong quá trình vận động và phát triển của sự vật; và sự tác động tích cực trở lại của hình thức đối với nội dung.

Trên tinh thần cặp phạm trù này và nội dung của chủ nghĩa duy vật lịch sử, qui luật của phép biện chứng, các nhà Mác xít nhiều lần luận bàn đến vấn đề hình thức nghệ thuật một cách thấu triệt [57]. Tuy nhiên

"phần nhiều phê bình Marxit, trong thực tiễn có sự quan tâm chưa đúng mức tới những vấn đề của hình thức nghệ thuật, gác lại vấn đề này cho việc theo đuổi một cách bền bỉ nội dung chính trị" [22, trg 53].

Như vậy trước thế kỷ XX, hình thức nghệ thuật của văn học đã được bàn đến nhưng bị chi phối nhiều ở quan niệm trừu tượng, khái quát

của triết học. Những luận điểm quan trọng của triết học về hình thức nghệ thuật là cơ sở, định hướng chỉ đạo, để lý luận phê bình ra đời đưa vấn đề hình thức nghệ thuật là một trong những nội dung quan tâm đặc biệt nhất.

Trên cơ sở nhận thức mới về ngôn ngữ, về bản thể văn bản, văn học, quan hệ văn học và người tiếp nhận... đã xác lập bộ môn lý luận, phê bình hiện đại ở thế kỷ XX.

Hầu hết các đại biểu ưu tú của các trường phái triết học, văn học đều quan tâm đến hình thức nghệ thuật.

Theo René Wellek, hình thức ở người Nga thành một khẩu hiệu bao dung tất cả, có nghĩa tất cả mọi thành phần cấu thành nghệ thuật phẩm. Các nhà hình thức chủ nghĩa Nga phản đối đem hình thức đơn thuần coi đồ đựng, nội dung có sẵn rót vào trong đó. Họ tranh luận nói hình thức và nội dung là thể thống nhất chặt chẽ, không thể phân, không có cách nào vạch ra một giới tuyến giữa "thành phần ngôn ngữ" và tư tưởng mà chúng biểu đạt. Vì thế chủ nghĩa hình thức Nga chủ trương mở rộng nội hàm của hình thức, hình thức biểu đạt ngôn ngữ thành tất cả của nghệ thuật [101, trg 135].

Vì thế, chính chủ nghĩa hình thứ Nga đã đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật, ngôn từ văn xuôi và đã gắn hình thức ngôn từ với cái nhìn nghệ thuật của nhà văn. Đó là đóng góp quan trọng của chủ nghĩa hình thức Nga để khắc phục sự đối lập giả tạo giữa hình thức và nội dung: Mọi yếu tố nội dung trong văn học đều có thể trở thành hình thức và ngược lại.

M. Bakhtin là nhà lý luận, phê bình xuất sắc trên thế giới. Trên cái nhìn biện chứng, thống nhất, luôn đặt đối tượng nghiên cứu trong sự vận động lịch sử, trong trường văn hóa loài người, M.Bakhtin một mặt đánh giá những thành quả của thi pháp học khi xác lập phương pháp, đối tượng nghiên cứu, tạo ra cuộc cách mạng thực sự nghiên cứu về hình thức. Mặt khác, trên tinh thần phê phán mĩ học chất liệu, Bakhtin khẳng định chỉ có đặt hình thức nghệ thuật trong quan hệ tương hỗ, cơ bản thiết

yếu với nội dung, chỉ có đặt nó trong nhận thức của mỹ học triết học quan hệ tương hỗ với những lĩnh vực khác trong thể thống của văn hóa loài người thì có thể vạch phương hướng đúng đắn khi nghiên cứu hình thức nghệ thuật. Bakhtin viết "rõ ràng không chỉ tính không thể tách rời, mà cả tính không hòa đồng của hình thức và nội dung, trong khi ấy thì ở các nghệ thuật khác, hình thức thẩm thấu nội dung sâu hơn, như được vật chất hóa bằng nội dung, khó tách biệt hơn khỏi nội dung và khó diễn đạt trong dạng biệt lập trừu tượng" [90, trg 443].

Như vậy từ sau thế kỷ XX với sự phát triển cộng hưởng và tiền đề của các ngành khoa học xã hội nhân văn: Ngôn ngữ học, lịch sử, khoa học thực chứng, xã hội học... đã xác lập được địa vị, vai trò thỏa đáng của hình thức, nghệ thuật trên các phương diện:

- Quan hệ không thể tách rời và tính không hòa đồng với nội dung - Tính chỉnh thể và cấu trúc của hình thức nghệ thuật

- Hệ thống yếu tố, quan hệ yếu tố của hình thức nghệ thuật - Tính quan niệm, thẩm mỹ của hình thức nghệ thuật

- Là đối tượng của thi pháp học hiện đại

Ở Việt Nam, vấn đề hình thức nghệ thuật được đặt ra và có những thành tựu đáng kể.

Đầu tiên phải kể đến quan niệm hình thức nghệ thuật của Hà Minh Đức, Bùi Văn Nguyên [18]. Trên quan điểm về lý luận triết học, văn học của chủ nghĩa Mác -Lê nin về quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức nghệ thuật, Hà Minh Đức, Bùi Văn Nguyên quan niệm theo định hướng "luôn theo đúng nguyên tắc hình thức luôn phải gắn bó với nội dung phục vụ cho nội dung và luôn lấy cơ sở nội dung để giải thích sự phát triển của hình thức" [18, trg 5]. Tinh thần này thống nhất trong thế giới qua khoa học của Hà Minh Đức. Trong chuyên luận Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Hà Minh Đức tiếp tục khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức trong thơ: "mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong thơ cũng thể hiện một cách đầy đủ những đặc điểm và qui luật về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong văn học. Giá trị của một bài thơ trước hết là ở nội dung, ở hệ thống

cảm xúc, suy nghĩ và hình ảnh, cơ sở trực tiếp biểu hiện chủ đề tư tưởng của sáng tác. Cái lớn lao của một nhà thơ chính là tầm cao về tư tưởng, chiều sâu của cảm xúc, ở sự rộng lớn và bay bổng của hồn thơ... xem nhẹ vai trò của nội dung, chạy theo tô vẽ hình thức thơ ca sẽ rơi vào lối phô trương, kỹ xảo, những dấu hiệu của sự thoái hóa và bế tắc" [19, trg 399]. Như vậy hình thức nghệ thuật theo quan niệm của Hà Minh Đức là hình thức trong quan hệ biện chứng với nội dung, hình thức được quyết định bởi nội dung và là hình thức thuần tuý. Trên tinh thần này, Hà Minh Đức, Bùi Văn Nguyên chia các yếu tố của hình thức, hay phương thức tồn tại của các yếu tố hình thức bao gồm: Thể loại, ngôn ngữ, nhịp thơ, kết cấu... và khảo sát chúng trong sự vận động và phát triển

Tinh thần khoa học này cũng là tinh thần khoa học cơ bản, thấm nhuần trong lý luận phê bình ở nước ta trong những năm qua.

Một quan niệm về hình thức rất đáng trân trọng là quan niệm của Phan Ngọc trong Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều. Có thể nói chính quan niệm về hình thức nghệ thuật của Phan Ngọc là sợi chỉ đỏ được khai triển xuyên suốt, nó tạo cơ sở vững chắc cho những mặt thành công của công trình. Phan Ngọc quan niệm "công trình này không phân tích tác phẩm ra hai phần là nội dung và hình thức. Theo chúng tôi (tác giả công trình) quan niệm, trong phong cách có nội dung, nhưng nội dung được xây dựng theo cái hình thức riêng thích hợp với phong cách này. Nó có hình thức nhưng hình thức là để thích hợp với một loại nội dung nhất định, chứ không thích hợp với nội dung khác. Nói khác đi, khi nói đến nội dung thì nó nói luôn cái hình thức hóa nội dung và ngược lại khi nói đến hình thức thì nói luôn hình thức này có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung đã cho" [60, trg 10].

Quan niệm của Phan Ngọc là quan niệm hiện đại về hình thức nghệ thuật nó đã rất gần gũi với quan niệm của thi pháp học.

Phải đến Trần Đình Sử, lý luận về hình thức nghệ thuật mới thực sự trọn vẹn. Đó là lý luận của thi pháp học mà Trần Đình Sử dày công

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Trần Đình Sử về thi pháp học (Trang 54)