5. Cấu trúc của luận văn
3.3.1. Quan niệm về thời trung đại, văn học trung đại
"Trung đại" là một thuật ngữ của khoa học lịch sử phương Tây để chỉ một thời đại nằm giữa thời cổ và thời cận đại, có nghĩa là giai đoạn lịch sử gắn liền với chế độ phong kiến.
Về mặt thời gian, nhìn chung các sử gia chia thời trung đại châu Âu ra làm ba giai đoạn: Giai đoạn sơ kỳ từ thế kỷ V - XI; giai đoạn trung kỳ từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV; giai đoạn mạt kỳ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII [76, trg 385].
Ở Việt Nam (cũng như ở phương Đông) sự vận động của điều kiện kinh tế - xã hội không có những bước, diễn biến như ở Châu Âu, nhưng căn cứ vào những nét chung nhất, các sử gia gọi thời kỳ từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX là thời đại phong kiến và chia ra làm 4 giai đoạn: Thế kỷ X giai đoạn quá độ; Thế kỷ XI - XV: Giai đoạn hình thành và xác lập của chế độ phong kiến trong một quốc gia thống nhất; Thế kỷ XVI - giữa XVIII: giai đoạn phát triển của chế độ phong kiến trong bối cảnh đất nước bị chia cắt; Nửa sau thế kỷ XVIII- giữa thế kỷ XIX: giai đoạn khủng hoảng, suy tàn [65, trg 102].
Xuất phát từ sự vận động phát triển của văn học dân tộc, của lịch sử đời sống, xã hội phần lớn các nhà nghiên cứu, tuy có những ý kiến chưa đồng nhất, xác định lịch sử văn học trung đại từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX; nghĩa là mười thế kỷ văn học từ thế X đến hết thế kỷ XIX được coi là văn học trung đại. Theo Trần Đình Sử nhận xét "đó là một bước tiến quan trọng trong việc nhận thức loại hình văn học" [76, trg 391]. Và Trần Đình Sử cũng tán thành quan điểm phân kỳ của các tác giả Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, chia văn học trung đại làm hai giai đoạn lớn: từ thế kỷ X đến thế kỷ XVII và từ thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX [76, trg 392].
Ở góc độ tư duy - nhận thức, chúng ta thấy rằng con người luôn được đặt trong sự lựa chọn: Chọn gì? chọn như thế nào? Chọn để làm gì? Thế nên sự lựa chọn của người này cũng là sự lựa chọn của người khác. Sự lựa chọn của nhóm người, của thế hệ này cũng là lựa chọn của nhóm người, thế hệ khác. Hoặc lựa chọn của người này, nhóm người này là bài học cảnh giác để người khác, nhóm người khác, tìm sự lựa chọn mới, phù hợp hơn. Do đó ở những điều kiện kinh tế - xã hội - chính trị tương đối đồng nhất, dù có sự sai biệt ít nhiều, người ta vẫn thấy sự tồn tại tương đối ổn định của những hình thức được lựa chọn. Hơn nữa nguyên tắc lựa chọn cũng sẽ tạo nên những hệ thống chuẩn mực thẩm mĩ nhất định mang tính ràng buộc và qui định tính cách, thang bậc giá trị của những sự lựa chọn.
Vì thế, văn học trung đại kéo dài tới X thế kỷ vẫn được xem xét như một chỉnh thể nghệ thuật mang tính loại hình (mang tính ước lệ, chịu sự chi phối của tư tưởng kinh điển và tôn giáo, hiện tượng song ngữ trong sáng tác...), mang quan niệm: về con người, về không gian, thời gian, thể loại, ngôn ngữ. Đó là nhiệm vụ nghiên cứu của thi pháp học hiện đại.