b. Tổng quan tình hình nhập khẩu của công ty (2008-2010)
3.2.2.2. Những nhân tố môi trường bên ngoài doanh nghiệp
♦ Tình hình chính trị và kinh tế trong nước và quốc tế
Môi trường chính trị đóng vai trò quan trọng trong TMQT, thể hiện sự ổn định chính trị, thái độ của từng chính phủ đối với hoạt động của các công ty trong và ngoài nước. Một môi trường chính trị ổn định sẽ tạo niềm tin cho các đối tác, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các hợp đồng NK.
Việt Nam luôn chủ trương tạo mối quan hệ hợp tác, hòa bình, hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới. Ngày nay, cùng với xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, tăng cường quan hệ chính trị tốt đẹp trên cơ sở giữ vững lập trường chính trị, thể hiện rõ nét là việc Việt Nam lần lượt tham gia các tổ chức: ASEAN, APEC, ASEM, WTO… Đây là thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc tìm kiếm đối tác có đủ năng lực cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng, có uy tín trên trường quốc tế, tạo mối quan hệ lâu bền với đối tác, thuế suất NK sẽ được giảm, giúp giảm rủi ro và tăng hiệu quả trong quá trình thực hiện hợp đồng.
♦ Chính sách pháp luật của nhà nước và quốc tế
Khi tổ chức thực hiện hợp đồng nhập khẩu máy móc thiết bị từ thị trường Trung Quốc, công ty cần nắm rõ và tuân thủ luật pháp cũng như các chính sách của Nhà nước như: chính sách thuế đối với mặt hàng máy móc thiết bị phục vụ ngành than; các quy định về chất lượng hàng NK; các ưu tiên về thuế hay các chính sách thuế áp dụng cho máy móc thiết bị, vật tư ngành than khi nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc về nước… Mặt khác, các quốc gia khác nhau có hệ thống chính sách pháp luật rất khác nhau đối với hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, có thể khuyến khích nhưng cũng có hạn chế, thậm chí đôi khi chính phủ còn ngăn cấm hoàn toàn hoạt động NK một số mặt hàng nào đó nhằm bảo vệ sản xuất nội địa (như sử dụng chính sách bảo hộ, áp dụng thuế quan, hạn ngạch, thủ tục hải quan rườm rà…). Do đó các nhà kinh doanh quốc tế cần phải hiểu và nắm rõ luật lệ của nước mình cũng như nước bên đối tác nếu không khi ký kết và thực hiện hợp đồng NK rất dễ dẫn đến những vi phạm pháp luật. Ngoài ra, các công ước và điều ước quốc tế, các án lệ và tập quán TMQT cũng ảnh hưởng đến hoạt động NK nói chung và công tác quản trị quy trình thực hiện hợp đồng NK nói riêng.
♦ Cơ sở hạ tầng, hệ thống tài chính - ngân hàng
Hệ thống tài chính - ngân hàng và hệ thống cơ sở hạ tầng của nền kinh tế như: hệ thống giao thông vận tải, hệ thống thông tin liên lạc… có ảnh hưởng trực tiếp đến qui trình thực hiện hợp đồng NK.
* Hệ thống giao thông vận tải: Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Nhà nước đã dành nhiều ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải: đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông, các quốc lộ, cảng biển, sân bay trên toàn quốc làm tăng đáng kể năng lực vận tải và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của xã hội. Điều này giúp cho quá trình vận chuyển lưu thông hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện hơn, giảm chi phí và tránh được rủi ro trong quá trình vận chuyển. Tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận thì hệ thống giao thông Việt Nam còn khá lạc hậu và nhiều hạn chế: Hệ thống cảng biển, mạng lưới đường sắt, hạ tầng hàng không nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, giá thành vận tải trong nước cao hơn so với khu vực. Hoạt động kinh doanh quốc tế đang phát triển mạnh, nhu cầu xuất nhập khẩu cao nhưng cả nước chỉ có vài ga cảng lớn ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn nên thường xảy ra tình trạng quá tải. Đường xá thì nhỏ hẹp, bị xuống cấp nên gây khó khăn cho
các phương tiện vận chuyển. Các công ty kinh doanh cần vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn nên cần các xe trọng tải lớn nhưng hầu hết các loại xe có trọng tải lớn không được phép đi lại trong một số giờ nhất định trong thành phố và thường chỉ được phép chuyên chở về đêm… Điều này gây khó khăn cho công tác vận chuyển hàng hóa.
* Hệ thống thông tin liên lạc: Ngày nay với sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ của công nghệ thông tin với hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, các thông tin được truyền dẫn, tìm kiếm nhanh hơn, rõ ràng hơn mà giá cước lại rẻ hơn và ngày càng nhiều các dịch vụ đi kèm được phát triển như: voice, video, fax, telex, email…Điều này giúp cho việc liên lạc, trao đổi thông tin, giao dịch đàm phán giữa công ty với các đối tác nước ngoài một cách thường xuyên liên tục, tiết kiệm thời gian và chi phí, giúp hai bên có được những thông tin chính xác về nhau, nhanh chóng nắm bắt được những sai sót trong quá trình thực hiện hợp đồng NK để có những điều chỉnh kịp thời. Có thể nói hệ thống công nghệ thông tin, thông tin liên lạc ở Việt Nam ngày càng phát triển một phần đã đáp ứng được nhu cầu nhưng cần được đầu tư nâng cấp hơn nữa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp và xã hội.
* Sự phát triển của hệ thống tài chính - ngân hàng có vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động NK: cung cấp vốn kịp thời, cam kết thanh toán với đối tác nước ngoài, thủ tục và giao dịch thanh toán nhanh chóng, chính xác và an toàn…Dịch vụ ngân hàng ngày càng nâng cao, doanh nghiệp có thể huy động vốn từ ngân hàng một cách dễ dàng và nhanh chóng, doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn phương thức thanh toán an toàn, phù hợp với mình nhất. Tuy nhiên hiện nay, tự do hóa lãi suất có xu hướng làm mặt bằng lãi suất trong nước tăng lên và điều đó tạo thêm gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp phụ thuộc nặng nề về nguồn vốn vay của ngân hàng. Vì vậy trong chiến lược kinh doanh dài hạn và cả trong phương án kinh doanh cụ thể, công ty cần đặt ra nhiều tình huống để có thể thích nghi với sự biến động của hệ thống tài chính - ngân hàng.
♦ Tỷ giá hối đoái
Hiện nay, hầu hết các hợp đồng nhập khẩu máy móc thiết bị ngành than từ thị trường Trung Quốc công ty sử dụng đồng tiền thanh toán là Đô la Mỹ (USD), chỉ có một vài lần thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ (CNY). Do đó, sự thay đổi của tỷ giá hối đoái ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thanh toán và lợi nhuận của công ty. Nếu tỷ giá USD so với VNĐ tăng trong quá trình thực hiện hợp đồng NK thì công ty sẽ phải tăng khoản thanh toán bằng VNĐ do sự chênh lệch tỷ giá gây ra, tức là giảm lợi nhuận của công ty. Đặc biệt trong những năm gần đây, nhiều yếu tố tác động đến tỷ giá làm cho tỷ giá USD/VNĐ tăng cao và biên độ giao động của tỷ giá ngày càng khó dự đoán gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước: USD tăng khiến cho ngoại tệ trở nên khan hiếm, doanh nghiệp không có ngoại tệ để thanh toán với đối tác nước ngoài. Riêng đối với công ty XNK và Hợp tác đầu tư, công ty đã bị thiệt hại hàng tỷ đồng do sự biến động tỷ giá USD trong năm 2009 là 1 lần còn vào năm 2010 là 2 lần.