Phương pháp hướng dẫn và tiến trình tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ mẫu giáo 4 5 tuổi.

Một phần của tài liệu luận văn đại học sư phạm hà nội Biện pháp tổ chức TCDG nhằm phát triển trí tuệ cho trẻ mẫu giáo 4 - 5 tuổi (Trang 35)

Vấn đề ở đây là cần phải nghiên cứu, tìm tòi những biện pháp nhằm gợi lên hứng thú cho trẻ khi chúng đến với những trò chơi dân gian cổ truyền.

Điều trước hết là cần phải khai thác nội dung nghệ thuật cổ truyền ở những trò chơi này bằng những loại hình nghệ thuật dân gian, như hát đồng dao, xem tranh cổ, kể chuyện cổ tích...kể cả những tác phẩm hiện đại, có liên quan và có khả năng làm sống dậy những nét đẹp trong cuộc sống ngày xưa. Làm sao để trẻ có thể nhận thấy một phần nào cuộc sống của tổ tiên chúng ta xưa kia, khi người lớn còn là trẻ em như các cháu bây giờ, làm sao để thấm đượm tinh thần dân tộc vào tâm hồn trẻ thơ ngày nay. Cũng có thể dạy trẻ hoá thân vào những nhân vật sinh động trong các TCDG như những đồ vật, những trẻ chăn trâu, những chàng trai, những cô gái trong làng đang lao động hay

đang đi lễ hội, hoá thân vào cả những nhân vật quen thuộc như cái kiến, con ong, vào những con rồng, con rắn, con mèo, con chuột, cái tép...vì sự nhập vai lại là một nhu cầu giải toả trong khi chơi, chắp cánh cho tâm hồn các em được bay bổng theo trí tưởng tượng. Lại có thể sắm những đồ chơi, kể cả những trang phục phù hợp với mỗi trò chơi và với từng nhân vật trong đó, làm sống lại bối cảnh khi trò chơi mới xuất hiện.

Khi hướng dẫn cho trẻ chơi, cô giáo cần lưu ý những vấn đề sau:

Cần chú ý phát huy đúng nhiệm vụ của trò chơi. Ví dụ: trong các trò chơi có lời đồng dao nhằm kết hợp vui chơi với luyện phát âm cho trẻ, cô giáo phải chú ý luyện cho trẻ phát âm rõ và chính xác. Những bài đồng dao có phân nhịp chia thời gian, cần chú ý xướng âm đồng loạt và nhấn mạnh các nhịp (Nhịp 2 từ, 3 từ hoặc 4 từ).

Khi cho trẻ chơi các trò chơi có lời đồng dao, cô giáo cần đọc đi đọc lại nhiều lần để kích thích trẻ tập trung chú ý và thuộc lời hát, để khi trẻ chơi không bở ngỡ.

Trong khi chơi không nên bắt trẻ rập khuôn theo một kiểu chơi. Tuỳ theo khả năng chơi của trẻ mà có thể thay thế luật chơi (làm đơn giản hoặc phức tạp hoá) cách chơi, đồ chơi làm cho trò chơi thêm hấp dẫn và hứng thú.

Đối với những trò chơi trẻ mới chơi lần đầu, cô giáo làm “trưởng trò” hoặc là “cái” để cùng chơi với trẻ, thông qua đó mà giải thích luật lệ trò chơi và hướng dẫn trẻ chơi, sau khi trẻ đã nắm được luật chơi, cô để cho trẻ làm “trưởng trò”. Những động tác khó, lời hát “ngộ nghĩnh”, “ngược đời” cô cần làm mẫu hoặc giải thích ngắn gọn, không lý giải rườm rà, cần tôn trọng yếu tố dân gian trong trò chơi (lời hát, đồ chơi).

Có những trò chơi khi chơi phải cải tiến, biến dạng các trò chơi của người lớn. Cô giáo phổ biến, hướng dẫn từng phần, cho trẻ chơi thành thạo phần này rồi mới tiếp sang phần khác. Nếu phổ biến tất cả trẻ cùng một lúc, trẻ sẽ không tiếp thu được, sẽ chán, trò chơi không có kết quả.

Tổ chức cho trẻ chơi phải phù hợp với thời gian, chỗ chơi, số người tham gia.

Để cho trò chơi thật sự hấp dẫn trẻ, cô giáo cần quan tâm đến yếu tố thi đua giữa các nhóm với nhau và động viên kịp thời trong lúc trẻ chơi.

Tiến trình tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ mẫu giáo 4 - 5 tuổi:

Việc tổ chức TCDG cho trẻ mẫu giáo 4 - 5 tuổi được diễn ra theo tiến trình sau:

*Chuẩn bị chơi: Xác định mục đích, yêu cầu. Sưu tầm, lựa chọn nội

dung chơi, biện pháp thực hiện và chuẩn bị địa điểm chơi, sắp xếp chỗ chơi, thời gian chơi và trang bị đủ đồ dùng, đồ chơi, vật liệu cần thiết cho trò chơi...

Thực hiện kế hoạch đã đặt ra, sử dụng các biện pháp đã lựa chọn để thực hiện mục đích đã đặt ra.

Đánh giá kết quả chơi của trẻ, đây là cơ sở để xây dựng kế hoạch chơi tiếp theo cho trẻ.

* Chuẩn bị cho trẻ chơi:

Khảo sát vốn hiểu biết và kỹ năng chơi của trẻ, trình độ trí tụê của trẻ trong TCDG làm cơ sở để lập kế hoạch tổ chức chơi cho trẻ.

- Xác định mục đích, yêu cầu của trò chơi.

- Sưu tầm và lựa chọn TCDG nhằm mục đích phát triển trí tuệ chơ trẻ mẫu giáo 4 - 5 tuổi.

- Làm phong phú và chính xác hoá các biểu tượng về cuộc sống xung quanh bằng những câu chuyện ngắn, trao đổi giữa cô và trẻ, những sự vật hiện tượng xảy ra xung quanh trẻ...

- Chuẩn bị và sắp xếp đồ dùng, đồ chơi, tận dụng những nguyên vật liệu địa phương để làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ chơi.

- Lựa chọn biện pháp và phương tiện tiến hành các hoạt động của cô và trẻ trong trò chơi.

* Tổ chức thực hiện kế hoạch chơi:

Tạo hứng thú cho trẻ chơi bằng nhiều cách khác nhau: đưa ra những câu đố, câu thơ, bài hát, bài đồng dao, đưa ra lời gợi ý, đề nghị trẻ chơi, tạo tình huống chơi, trao đổi... để trẻ nhớ lại các trò chơi đã từng chơi hoặc giới thiệu về những trò chơi sắp chơi, hướng trẻ vào cuộc chơi.

Đưa ra nhiệm vụ chơi và hướng dẫn cách chơi, luật chơi bằng nhiều cách như làm mẫu, lời đề nghị, câu hỏi ngắn gọn... để cuốn hút sự tập trung chú ý của trẻ, giúp trẻ lĩnh hội được nhiệm vụ nhận thức, luật chơi và hành động chơi. Khi giao nhiệm vụ cho trẻ cần chú ý đến đặc điểm cá nhân, tuỳ vào nhu cầu hứng thú chơi của trẻ và nâng dần độ khó của trò chơi với trẻ.

Tuỳ trò chơi mới hay trò chơi trẻ đã biết cô giáo phân nhóm chơi cho trẻ hoặc gợi ý cho trẻ tự nhận nhóm chơi một cách linh hoạt. Tạo điều kiện cho trẻ được chơi, được trải nghiệm dưới các hình thức cá nhân, nhóm, tập thể không qua quá trình tổ chức hướng dẫn của giáo viên.

Tạo điều kiện cho trẻ tự tìm kiếm phương tiện để giải quyết nhiệm vụ chơi và phương thức giải quyết nhiệm vụ nhận thức đã đặt ra như đưa ra lời gợi ý, bổ sung nguyên vật liệu chơi...

Cho trẻ tập luyện kỹ năng chơi bằng cách tổ chức cho trẻ được chơi với nhiều loại TCDG (phát triển ngôn ngữ, dạy trẻ học đếm, phát triển tư duy...) và sử dụng linh hoạt các hình thức tổ chức chơi (chơi cá nhân, chơi theo nhóm, chơi theo tập thể lớp), phát huy khả năng chơi của trẻ và phù hợp với điều kiện của lớp của địa phương.

Tạo cơ hội cho trẻ cộng tác với cô, với bạn chơi, biết thoả thuận, đàm phán cùng giải quyết các vấn đề xuất hiện trong khi chơi. Khuyến khích trẻ tích cực giáo tiếp với cô giáo, các bạn trong lúc chơi, tập cho chúng kỹ năng nghe và hiểu lời người khác cũng như kỹ năng nói cho người khác hiểu.

Cô giáo động viên khuyến khích trẻ tự tổ chức một số TCDG quen thuộc bằng cách chuẩn bị đồ dùng đồ chơi, vật liệu chơi, gợi cho trẻ nhớ lại cách

chơi, nhắc nhở trẻ chơi đúng luật. Giúp trẻ giải quyết xung đột nếu trẻ không tự điều khiển, kiểm soát được trong khi chơi.

Trong quá trình chơi, cô giáo luôn quan sát trẻ chơi, giúp đỡ trẻ khi cần thiết, luôn động viên khuyến khích khen ngợi những trẻ tích cực tham gia vào trò chơi bằng cách: khen ngợi kết quả chơi của trẻ hoặc những sáng kiến trong khi chơi, những câu hỏi hợp lý mang tính sáng tạo của trẻ, tổ chức thi đua giữa cá nhân và các nhóm...giúp trẻ cố gắng vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao, khêu gợi và duy trì hứng thú của trẻ với trò chơi.

* Kiểm tra đánh giá kết quả chơi

Cho trẻ tự đánh giá kết quả chơi của bạn và của bản thân.

Giáo viên cần nhận xét đánh giá kết quả chơi của trẻ một cách công bằng, tạo cho trẻ tự tin và cố gắng hơn trong trò chơi sau. Việc đánh giá kết quả chơi của trẻ được cô sử dụng cho việc lên kế hoạch chương trình chơi tiếp theo.

Tạo cho trẻ tâm thế chờ đơị niềm vui ở những trò chơi tiếp theo.

Việc đánh giá sự phát triển trí tuệ của trẻ trong các TCDG được thực hiện thường xuyên thông qua việc quan sát, trao đổi với trẻ, qua các bài tập đánh giá trẻ. Qua phân tích kết quả chơi, giáo viên phát hiện ra điểm mạnh và những hạn chế của từng trẻ, thông qua đó điều chỉnh kế hoạch chơi cho phù hợp với trẻ ở giai đoạn tiếp theo nhằm đạt được mục đích giáo dục đề ra.

Như vậy, chu trình thực hiện một số biện pháp tổ chức cho trẻ chơi được bắt đầu từ khâu sưu tầm TCDG, lên kế hoạch, dựa trên cơ sở phân tích khả năng nhận thức, kỹ năng chơi của trẻ để lựa chọn trò chơi phù hợp, đến việc chuẩn bị môi trường đồ chơi và tổ chức quá trình chơi, kết thúc bằng việc nhận xét đánh giá kết quả chơi của trẻ. Việc đánh giá kết quả chơi của trẻ chính là cơ sở cho việc bắt đầu một chu trình mới. Trong quá trình thực hiện giáo viên phải luôn tuân thủ theo các nguyên tắc của việc tổ chức TCDG, đặc biệt đảm bảo vai trò chủ thể của trẻ và cô là người tổ chức cho trẻ chơi.

Có thể nói rằng, biện pháp tổ chức TCDG gắn liền với hoạt động của giáo viên giúp họ hoàn thành nhiệm vụ giáo dục phù hợp với mục đích đặt ra. Trong TCDG cô và trẻ cùng nhau học, cùng nhau chơi. Với vai trò của cô là người tổ chức cho trẻ chơi và là “thang đỡ” tạo điều kiện cho trẻ chơi, cô giáo là người tổ chức môi trường chơi, tổ chức cho trẻ trải nghiệm những tình cảm lành mạnh và tận hưởng những niềm vui do trò chơi mang lại, tạo cho chúng được tự phát hiện, tự lĩnh hội và tự giải quyết vấn đề, đặc biệt nhờ sự giúp đỡ đúng lúc của mà trẻ có thể tự trẻ giải quyết những vấn đề mà tự trẻ không thể tự giải quyết được. Nhờ có biện pháp tổ chức chơi của cô giáo mà trẻ có được nhiều cơ hội, tình huống tự lập trong trò chơi, trẻ vươn lên, tự khám phá tìm hiểu thế giới xung quanh nhằm thoả mãn nhu cầu vui chơi và nhu cầu nhận thức của mình. Khi tổ chức cho trẻ chơi TCDG đòi hỏi cô giáo phải có nghệ thuật và năng lực sư phạm, trong quá trình chơi cô vứa đặt nhiệm vụ cho trẻ vừa tạo điều kiện cho trẻ độc lập tìm kiếm phương tiện để thực hiện nhiệm vụ, tận dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào tình huống mới, hoàn cảnh mới.

Để vận dụng một số biện pháp tổ chức TCDG cho trẻ mẫu giáo 4 - 5 tuổi đạt hiệu quả cao cần có một số điều kiện sau:

Phải có nguồn tài liệu về TCDG phong phú và hấp dẫn có sức lôi cuốn để kích thích trẻ tham gia vào trò chơi nhằm khám phá, tìm hiểu môi trường xung quanh.

Đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất: địa điểm, đồ dùng, đồ chơi và vật liệu cần thiết phục vụ cho trò chơi. Đảm bảo thời gian cho trẻ chơi.

Giáo viên phải nắm được cơ sở lí luận về TCDG, có kỹ năng vận dụng và lựa chọn biện pháp tổ chức cho trẻ chơi nhằm tổ chức TCDG góp phần giáo dục trí tuệ cho trẻ đạt hiệu quả.

Khi tổ chức cho trẻ chơi, cô có thể điều chỉnh hoạt động của trẻ, nhưng cần tránh áp đặt theo ý đồ chủ quan của người lớn mà phải tạo điều kiện cho trẻ được chơi tự nguyện, tự do theo ý của mình.

Bằng nhiều biện pháp, chúng ta có thể làm cho TCDG cổ truyền Việt Nam trở thành đối tượng hấp dẫn thực sự đối với trẻ nhỏ, khêu gợi sự hứng thú ở các cháu đối với loại trò chơi này, nhằm phát huy tác dụng của trò chơi dân gian cổ truyền trong việc hình thành nhân cách văn hoá mang bản sắc dân tộc cho thế hệ trẻ, bắt đầu từ tuổi thơ, khi mà hoạt động vui chơi đang giữ vị trí chủ yếu trong sự phát triển của các cháu.

Chơi mà không vui thì trò chơi mất hết ý nghĩa. Không cho trẻ chơi thì trẻ không phát triển được. Vì vậy, việc tổ chức tốt các TCDG là giúp trẻ kế tiếp được nền văn hoá dân tộc của thế hệ cha, ông xưa và giúp trẻ phát triển toàn diện.

Một phần của tài liệu luận văn đại học sư phạm hà nội Biện pháp tổ chức TCDG nhằm phát triển trí tuệ cho trẻ mẫu giáo 4 - 5 tuổi (Trang 35)