Phân loại, lựa chọn nội dung trò chơi dân gian.

Một phần của tài liệu luận văn đại học sư phạm hà nội Biện pháp tổ chức TCDG nhằm phát triển trí tuệ cho trẻ mẫu giáo 4 - 5 tuổi (Trang 33)

TCDG Việt Nam thật phong phú, có thể nêu lên những loại trò chơi tiêu biểu sau đây:

1. Những trò chơi vui khoẻ: cướp cờ, cướp khèn, ôm cột, chọi gà, chọi trâu, tung cầu, bắt vịt, kéo co, đua thuyền, đấu vật, đấu võ, đua nghé...

2. Những trò chơi giải trí: bịt mắt bắt dê, tung còn, bắt chạch thong chum...

3. Những trò chơi thi tài, thi khéo: thi thả chim, ném pháo, đi trên dây, đu tiên, thả diều, thi dệt vải, nấu cơm, làm bánh, làm cỗ...

4. Những trò chơi mang tính chất nghi lễ: chém lợn, quật bò, đâm trâu, múa ếch...

5. Những trò chơi có tính chất biểu diễn nghệ thuật: múa chữ, xếp cờ, trình nghề, múa hổ, múa rồng, múa sư tử, múa rối, múa xin tiền...

Tuy phân loại như thế nhưng tựu chung tất cả những trò chơi trên đây đều là những trò chơi phong tục mang những nét chung phản ánh cuộc sống của cư dân trồng lúa nước.

Đối với trẻ em thì TCDG trẻ em Việt Nam cũng rất phong phú, không chỉ nhiều về số lượng mà còn đa dạng về thể loại. Căn cứ vào chức năng giáo dục của trò chơi. GS.Vũ Ngọc Khánh (Viện văn hoá dân gian) đã chia TCDG trẻ em ra thành 4 loại:

1. Trò chơi vận động:

Gồm các trò chơi cho trẻ em vận động chân tay, chạy, nhảy gây không khí vui nhộn và sinh động như “Tập tầm vông”, “Dung dăng dung dẻ”, “Lộn cầu vồng”, “Lò cò”, “Bịt mắt bắt dê”...những trò chơi này thường được chơi ở ngoài trời để tiếp xúc với thiên nhiên, với cảnh vật xung quanh, nhằm tăng cường sức khoẻ và các tố chất về thể lực cho trẻ em.

2. Trò chơi học tập (thực chất là trò chơi rèn luyện trí tuệ)

Đó là những trò chơi nhằm phát huy trí tuệ của trẻ em, dạy cho trẻ biết quan sát, tính toán. Có khi chỉ là một bài đồng dao, trẻ em ngồi quây quần với nhau cùng hát, cùng đối thoại để giới thiệu các sự vật, các hiện tượng xung quanh. Cách chơi này giúp các em hiểu biết về con người và hiện tượng thiên nhiên quanh mình, tiếp thu tri thức về cuộc sống. Có khi lại là một trò chơi bày cách tính toán hẳn hoi như trò chơi “Ô ăn quan”, tập cho trẻ biết tính nhẩm, biết cách làm phép trừ, phép cộng, hoặc như trò chơi “Chuyền thẻ” rõ ràng đây là bài học đếm từ 1 đến 10 giúp phát triển trí tuệ cho trẻ.

3. Trò chơi mô phỏng:

Đây là những loại trò chơi mà trẻ mô phỏng, bắt chước cách sinh hoạt của người lớn như làm nhà, cày ruộng, nấu ăn... Trong khi chơi trẻ em thi nhau xem ai làm đẹp, làm đúng, làm nhanh hơn. Đặc biệt những trò chơi này có tác dụng như phát huy trí tưởng tượng của trẻ em, mẫu lá cũng được xem là món ăn ngon, vỏ sò, vỏ hến cũng được xem là nồi niêu, bát đũa, cái mo cau biến thành con ngựa, trong trò chơi này các em đã hoá thân, nhập vai thành những người lớn mà các em thích. Nhờ đó mà trẻ nhập vào các mối quan hệ xã hội, học được cách ứng xử giữa người với nhau, qua đó mà trẻ học làm người.

4. Trò chơi sáng tạo:

Đây là những trò chơi trong đó trẻ em tự tay làm nên những đồ vật bằng vật liệu trong thiên nhiên, như xếp là dứa thành cái chong chóng, xếp lá đa thành con trâu, xé là chuối xếp thành con cào cào, kết hoa thành vòng vàng xuyến bạc, tết những cọng rơm, cọng rạ thành những thằng người. Những trò chơi này giúp trẻ em khéo tay, phát huy sáng kiến, khơi dậy khiếu thẩm mỹ cần cho cuộc sống và lao động sau này.

Sự phân loại này mang tính tương đối, ước lệ mà thôi, trong kho tàng TCDG trẻ em Việt Nam có những trò chơi mà tác dụng của nó đến đứa trẻ một cách toàn diện. Chẳng hạn như trò chơi “Chuyền thẻ” rõ ràng đây là một bài học về đếm số, tính nhẩm, đồng thời đây còn là một bài tập thể dục luyện gân, luyện cơ ở các cổ tay, cánh tay, khuỷu tay cho các em gái, những động tác như “Nâng lấy một, chột lấy đôi, sang qua tay, ra tay chống...”giúp cho các em trở nên nhanh nhẹn, khéo léo, lại luyện được ngôn ngữ uyển chuyển trong các vần điệu dân gian.[33 – 195]

1.2.2.3 Phương pháp hướng dẫn và tiến trình tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ mẫu giáo 4 - 5 tuổi.

Một phần của tài liệu luận văn đại học sư phạm hà nội Biện pháp tổ chức TCDG nhằm phát triển trí tuệ cho trẻ mẫu giáo 4 - 5 tuổi (Trang 33)