Chương III: NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH Ở TỈNH VĨNH PHÚC
3.2.1 Nâng cao năng lực lãnh đạo địa phương.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân, vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của quốc gia. Tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân đóng góp xây dựng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội. Thay đổi nhận thức của cán bộ và người dân về trách nhiệm, tác phong làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước từ “quản lý doanh nghiệp” sang “phục vụ doanh nghiệp”. Đổi mới hình thức quản lý, tăng tính trách nhiệm của doanh nghiệp.
Củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước từ tỉnh xuống tới huyện, xã. Thực hiện tốt phân cấp quản lý, tăng cường hiệu quả phối hợp kết hợp giữa các cơ quan, sở, ban, ngành.
Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, tác phong chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ công chức phù hợp với chức năng và nhiệm vụ. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn định kỳ, cập nhật những chủ trương, văn bản pháp luật mới ban hành nhằm củng cố kiến thức chuyên môn cho các cán bộ công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm việc trực tiếp với dân, với doanh nghiệp.
Công tác tuyển dụng phải được tổ chức hàng năm, diễn ra công khai và minh bạch, đồng thời công tác chấm thi và tuyển dụng phải rõ ràng. Trong quá trình thi tuyển cần được thông báo rộng rãi qua các hình thức như: đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa thông báo về các địa phương… để có nhiều người được biết và có thể tham gia, đồng thời cần thực hiện nghiêm túc, tránh tình trạng “ chạy chức chạy quyền”, “con ông cháu cha” làm giảm đi sự hiệu quả trong hoạt động, đội ngũ nhân viên cán bộ. Cần có các chính sách thu hút nhân tài, mời những sinh viên giỏi mới ra trường về phục vụ cho tỉnh.