GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀNG RAU AN TOÀN

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ đánh giá hiệu quả sản xuất rau cải thường và rau cải an toàn trên địa bàn tỉnh tiền giang (Trang 74)

5.6.1 Giải pháp phát triển sản xuất rau an toàn

5.6.1.1 Sản xuất

Các hộ đã phát triển sản xuất rau an toàn tiếp tục đầu tư các nguồn lực để phát triển sản xuất, tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất rau an toàn, tham quan học tập các mô hình sản xuất hiệu quả trong và ngoài tỉnh.

Các hộ sản xuất theo rau thường cần chủ động chuyển sang sản xuất rau an toàn cho phù hợp với quy định của nhà nước (Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN ngày 15 tháng 10 năm 2008), liên kết thành nhóm và đề xuất các cơ quan chức năng hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn và triển khai sản xuất; bên cạnh đó cần tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất rau an toàn từ các hộ sản xuất rau an toàn.

Hình thành các tổ chức liên kết sản xuất rau an toàn như Tổ hợp tác, Hợp tác xã. Bên cạnh đó phải củng cố, nâng cấp các Tổ hợp tác, Hợp tác xã hiên có.

5.6.1.2 Thủy lợi

Nạo vét các kênh nội đồng vùng sản xuất rau an toàn tập trung, tạo dòng chảy thông thoáng.

Nâng cấp hệ thống ngọt hóa Gò Công như đê, cống, đập và có biện pháp vận hành hiệu quả nhằm tạo nguồn nước tưới ổn định, chất lượng nước tốt và ngăn mặn xâm nhập nhất là xu hướng nước biển ngày càng dâng cao do biến đổi khí hậu.

5.6.1.3 Kỹ thuật và khoa học công nghệ

Nghiên cứu các quy trình sản xuất rau an toàn cho phù hợp với từng loại cây trồng thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về sản xuất rau an toàn phù hợp với chủng loại cây theo hướng giảm các quy định không cần thiết và thêm các quy định vào các điểm có nguy cơ ô nhiễm cao góp phần tạo ra sản xuất có chất lượng và an toàn.

Tăng cường công tác nghiên cứu, lai tạo các loại giống rau màu có năng suất, chất lượng cao và kháng sâu bệnh, chống chịu thời tiết tốt.

5.6.1.4 Chính sách

Ban hành chính sách tài chính hỗ trợ phát triển sản xuất an toàn nhằm giúp bà con nông dân đầu tư các điều kiện thiết yếu cho sản xuất an toàn như: bãi pha thuốc, bảo hộ lao động, nhà vệ sinh tự hoại, kho chưa phân bón – thuốc BVTV (hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng hoặc hỗ trợ một phần chi phí đầu tư)

Lập quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp an toàn trên địa bàn tỉnh, quy hoạch cần bám vào quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp từ đó phân tích các chỉ tiêu kim loại năng, vi sinh vật trong mẫu đất, nước theo từng tiểu vùng cho từng loại cây trồng đã quy hoạch (5 ha lấy 01 mẫu đất và 01 mẫu nước nơi đầu nguồn hoặc nơi có nguy cơ ô nhiễm cao). Khi đó, khi nông dân tổ chức sản xuất trong vùng quy hoạch không cần tốn chi phí phân tích mẫu đất, nước, góp phần giảm thiểu chi phí đầu tư cho nông dân.

Đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn đảm bảo cho việc vận chuyển rau nhằm giảm chi phí vận chuyển, tăng giá bán cho nông dân, vì hiện nay vận chuyển rau chủ yếu bằng xe mô tô, sau đó tập kết lên xe tải và vận chuyển đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

5.6.2 Giải pháp tổ chức tiêu thụ rau an toàn

5.6.2.1 Tổ chức hệ thống tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho sản phẩm

- Tiêu thụ tại chổ thông qua hệ thống chợ đầu mối và xây dựng kênh tiêu thụ rau an toàn tại các chợ trong tỉnh, hiện nay cần xây dựng tối thiểu từ 01 – 02 của hàng kinh doanh rau an toàn tại các chợ huyện, thị, thành để làm mô hình nhân rộng.

- Triển khai tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, cơ quan, trường học trong tỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh rau an toàn ở thành phố Hồ Chí Minh và hệ thống các siêu thị (công tác này cần có sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương)

5.6.2.2 Xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm rau an toàn

- Tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm rau an toàn với sự tham gia của các nhà khoa học, các thương lái, các nhà hàng, khách sạn, các siêu thị,… nhằm giới thiệu năng lực sản xuât, chủng loại và chất lượng rau an toàn cho người tiêu dùng.

- Thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh nhằm giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh có điều kiện giới thiệu sản phẩm của mình đến người tiêu dùng nhanh nhất.

- Tham gia hội chợ, triển lãm, phiên chợ nông nghiệp trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm trực tiếp.

- Xây dựng website ngành nông nghiệp trong đó có chuyên trang phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn.

- Tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đạt chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh rau an toàn và tự công

5.6.2.3 Đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ

- Tập huấn, vận động nông dân tham gia vào Tổ hợp tác, Hợp tác xã để tăng cường năng lực năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh.

- Tổ chức mối liên kết chặt chẽ liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nghiên cứu với chương trình cựu thể với sự điều hành của Ban chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn.

- Rà soát, hoàn thiện chương trình hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo nên mối liên kết chặt chẽ vì đây là thị trường rất tốt cho việc tiêu thụ sản phẩm chất lượng, an toàn.

5.6.2.4 Chính sách

- Cần thành lập nguồn quỹ xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp an toàn từ nguồn ngân sách tỉnh.

- Hỗ trợ các Hợp tác xã xây dựng nhà sơ chế, bảo quản rau an toàn với hình thức nhà nước đầu tư xây dựng và cho Hợp tác xã thuê, giai đoạn đầu có thể giá thuê là không nhưng khi Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả thì bắt đầu tính giá thuê cụ thể.

- Ban hành chính sách (thuế, đất đai, lãi suất…) hỗ trợ các tổ chức, cá nhân cải thiện điều kiện kinh doanh hiện tại để phát triển kinh doanh đảm bảo điều kiện VSATTP.

5.6.3 Giải pháp phát triển tiêu dùng rau an toàn

- Tăng cường tuyên truyền các nguy hại của việc tiêu dùng sản phẩm kém chất lượng do dư lượng phân bón, thuốc BVTV tồn dư trên rau, cũng như vi sinh vật có hại đến sức khỏe con người.

- Tăng cường kiểm soát chất lượng rau tại các vùng sản xuất, chợ đầu mối và chợ địa phương nhằm thông tin kịp thời cho người tiêu dùng tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của nhà nước về sản xuất, kinh doanh rau.

CHƯƠNG 6

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

6.1 KẾT LUẬN

Sản xuất và tiêu dùng rau an toàn hiện nay đang là yêu cầu bức thiết của xã hội. Cùng với việc nâng cao chất lượng đời sống, nhu cầu sử dụng rau an toàn ngày càng tăng nhanh nhưng thực tế hiện nay việc sản xuất và cung ứng rau an toàn còn đạt thấp so với nhu cầu. Năm 2009, diện tích gieo trồng rau an toàn của tỉnh là 480 ha, chỉ bằng 1,40% so với tổng diện tích rau màu của tỉnh, đã mang lại cho người tiêu dùng trên 8.188 tấn rau an toàn, tuy nhiên mức sản lượng này còn rất thấp so với sản lượng rau sản xuất trên địa bàn tỉnh (chỉ bằng 1,34%), các địa bàn được đầu tư phát triển sản xuất rau an toàn trọng điểm của tỉnh là thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Đông.

Qua kết quả nghiên cứu cho thấy kinh nghiệm trồng rau màu của nông dân trong vùng nghiên cứu rất cao, trung bình kinh nghiệm sản xuất là 17,33 năm, tuy nhiên kinh nghiệm trồng rau an toàn của 60 hộ sản xuất rau an toàn thấp với mức trung bình là 2,38 năm. Đa số nông dân sản xuất rau an toàn điều quan tâm đến thông tin giá cả thị trường gồm giá sản phẩm, giá vật tư nông nghiệp và một số kênh thông tin chủ yếu của nông dân là từ bạn bè, truyền hình, truyền thanh, thương lái.

Từ việc phân tích, so sánh, đánh giá hiệu quả của mô hình sản xuất rau cải an toàn và rau cải thường có thể đưa ra nhận định là sản xuất rau cải an toàn đạt hiệu hiểu qua cao hơn sản xuất rau cải thường cả về hiệu quả kinh tế và hiệu quả tài chính, yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả là do sản lượng của sản xuất rau cải an toàn cao hơn sản xuất rau cải thường với mức là 2.581kg/ha, về giá bán thì giữa 2 mô hình không có sự khác biệt, đây là vấn đề khó khăn cho việc vận động nông dân chuyển hướng sang sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp an toàn nói chung và rau an toàn nói riêng. Về chi phí đầu tư giữa 2 mô hình thì mô hình rản xuất rau cải an toàn có chi phí cao hơn sản xuất rau cải thường, với mức cao hơn là 3.095 ngàn đồng/ha, nguyên nhân là do chi phí lao động thuê mướn và lao động gia đình của mô hình sản xuất rau cải an toàn rất cao do người sản xuất loại hình này phải bỏ công chăm sóc vườn rau nhiều hơn, riêng chi phí phân bón và thuốc BVTV thì mô hình sản xuất rau cải an toàn thấp hơn. Doanh thu của mô hình sản xuất rau cải an toàn là trên 48.669 ngàn đồng/ha (cao hơn sản xuất rau cải thường là 17%); lợi nhuận thu được của 01 ha sản xuất rau cải an toàn là 18.548 ngàn đồng (có tính chi phí cơ hội) và 34.804 ngàn

đồng (không tính chi phí cơ hội), tương ứng cao hơn mô hình sản xuất rau cải thường là 27,8% và 18,68%.

Về việc phân tích các yếu tố đầu vào ảnh hưởng đến sản lượng rau cải, từ kết quả phân tích mô hình hồi qui cho thấy, các yếu tố có mối liên hệ với sản lượng rau cải bao gồm: kinh nghiệm trồng rau, số lần tập huấn kỹ thuật trồng rau, lao động gia đình, lao động thuê mướn, phân bón, thuốc BVTV, chi phí khác.

Từ kết quả phân tích của đề tài, đặc biệt là từ ma trận SWOT, các nhóm giải pháp đề xuất để phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn bao gồm:

- Nhóm thứ nhất: Giải pháp phát triển sản xuất rau an toàn (sản xuất, thủy lợi, kỹ thuật và khoa học công nghệ, chính sách).

- Nhóm thứ hai: Giải pháp tổ chức tiêu thụ rau an toàn (Tổ chức hệ thống tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho sản phẩm; Xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm rau an toàn; Đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ; Chính sách)

- Nhóm thứ ba: Giải pháp phát triển tiêu dùng rau an toàn.

6.2 KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT6.2.1 Đối với các hộ sản xuất rau 6.2.1 Đối với các hộ sản xuất rau

Để có nhiều sản phẩm rau an toàn cung ứng cho thị trường, trước hết đòi hỏi người trồng rau phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với sức khỏe cộng đồng và nắm thật vững kỹ thuật trồng rau an toàn, hơn nữa hiện nay nhà nước đã ban hành các quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh rau, quả nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp nói chung theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, vì thế trong thời gian tới các nông hộ phải nhanh chống chuyển đổi sang hướng sản xuất an toàn là xu thế chung của xã hội, vừa bảo vệ sức khỏe người sản xuất, vừa bảo vệ người tiêu dùng và vừa phù hợp với những quy định của nhà nước.

Liên kết sản xuất giữa các nông hộ (thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã) nhằm tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, đa dạng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường và bên cạnh đó, cần có kế hoạch đều phối sản xuất cho phù hợp với các đơn đặt hàng khi có nhu cầu.

6.2.2 Đối với nhà quản lý

Nhanh chống xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, trên cơ sở khảo sát điều kiện đất đai, nguồn nước, nguồn lực hạ tầng nông thôn của các vùng trên địa bàn tỉnh. Công bố quy hoạch cho nông dân để tổ chức sản xuất cây – con phù hợp

với định hướng chung nhằm tạo ra chất lượng và số lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đầu tư vốn để nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng, đặc biệt là hệ thống cống, đập, đê bao vùng ngọt hóa Gò Công (vùng phát triển sản xuất rau an toàn chuyên canh).

Xây dựng chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản an toàn nhằm khuyến khích phát triển nhanh hoạt động sản xuất an toàn.

Tăng nguồn ngân sách đầu tư cho công tác khuyến nông để tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân về quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP). Đào tạo lực lượng khuyến nông viên ở cấp xã để theo dõi, hướng dẫn, giám sát nông dân sản xuất an toàn được tốt hơn.

Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng nông sản từ trang trại cho đến bàn ăn trên địa bàn tỉnh. Cần phân công trách nhiệm thật cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, tránh tình trạng chồng chéo dẫn đến hiệu quả giám sát không cao. Bên cạnh đó, cần bố trí nguồn lực tài chính, nguồn lực con người đảm bảo cho công tác quản lý chất lượng, VSATTP nông sản thực thi đạt kết quả đáng kể, góp phần đưa ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Tăng cường công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm an toàn. Ngân sách tỉnh hàng năm nên bố trí một phần kinh phí nhất định (từ 1 – 2 % tổng thu ngân sách) để hoạt động này chủ động hơn, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Lãnh đạo tỉnh cần có các chương trình ký kết với thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm.

Ngân sách của tỉnh giành cho công tác nghiên cứu khoa học nên bố trí cho phù hợp với giai đoạn hiện nay, tăng cường đầu tư cho các nghiên cứu, dự án mang tính chiến lược và phát triển bền vững.

6.2.3 Đề xuất các nghiên cứu trong thời gian tới

- Nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, đặc biệt là người tiêu dùng ở thành phố Hồ Chí Minh, nhằm đưa ra định hướng phát triển sản xuất trong thời gian tới.

- Nghiên cứu mức độ ô nhiễm vi sinh vật, hóa học, vật lý trong từng công đoạn từ sản xuất, thu mua, vận chuyển, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nhằm đưa ra các biện pháp giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm phù hợp cho từng công đoạn.

- Nghiên cứu các quy trình thực hành sản xuất an toàn riêng cho từng nhóm cây trồng có đặc điểm thời vụ, tình trạng sinh trưởng, hình thức tiêu dùng,…tương tự nhau. Nhằm giúp cho bà con nông dân dễ thực hành sản xuất và mang lại hiệu quả về chất lượng sản phẩm cao hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Báo cáo tổng kết ngành nông nghiệp năm 2005, 2006, 2007, 2008, 2009.

Bùi Thị Hằng Nga (2008), “Quản lý nhà nước đối với rau an toàn”, Nội san Thông tin Khoa học, số 2, trang 51 – 53.

Bùi Văn Thời (2008), Thực trạng và giải pháp phát triển sản xuất rau an toàn tại đồng bằng sông Cửu Long.

Đỗ Văn Xê (1994), Giáo trình Kinh tế lượng, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ.

Hồ Thị Hồng Cúc (2007), So sánh hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường 03 mô hình canh tác chính vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng năm 2005 – 2006.

Lưu Thanh Đức Hải (2005), Nghiên cứu Marketing.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ đánh giá hiệu quả sản xuất rau cải thường và rau cải an toàn trên địa bàn tỉnh tiền giang (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w