Cán bộ phụ trách Đội trong trường Tiểu học

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý của hiệu trưởng trường tiểu học nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay ở huyện An Dương thành phố Hải Phòng (Trang 38)

1.2.9.1. Tổng phụ trách Đội

- Tổng phụ trách Đội được coi như một cán bộ quản lí giáo dục trong trường tiểu học, chịu trách nhiệm trước nhà trường, trước đoàn thanh niên về công tác giáo dục và quản lí thiếu nhi, học sinh của toàn trường.

- Về mặt tổ chức của đoàn TNCS, tổng phụ trách Đội là đại diện của đoàn được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của đoàn các cấp về công tác thiếu nhi trong trường học.

- Chức năng của tổng phụ trách Đội: Trong trường tiểu học, tổng phụ trách Đội có 2 chức năng chủ yếu:

+ Chức năng tổ chức và quản lý: là chức năng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác của tổng phụ trách Đội. Chức năng tổ chức, quản lý giáo dục vận dụng vào công tác Đội ở trong trường tiểu học bao gồm các mặt: công tác xây dựng kế hoạch; công tác tổ chức cán bộ, kiện toàn bộ

máy và hệ thống cán bộ Đội; tổ chức, chỉ đạo các hoạt động thực tiễn của thiếu nhi; công tác tổ chức, điều hành hoạt động, kiểm tra, đánh giá, phân tích, tổng kết; công tác tham mưu, phối hợp đồng bộ các lực lượng giáo dục tham gia vào công tác giáo dục thiếu nhi.

+ Chức năng giáo dục: Đội TNTP Hồ Chí Minh là một lực lượng giáo dục quan trọng trong trường tiểu học, tổng phụ trách Đội là người chỉ huy trực tiếp, cao nhất của liên Đội TNTP nhà trường, chính vì vậy giáo dục là một chức năng cơ bản, có ý nghĩa chủ đạo trong công tác của người tổng phụ trách.

Chức năng giáo dục của tổng phụ trách Đội phải thể hiện ở những điểm sau: giáo dục thiếu nhi thông qua các hoạt động của tổ chức Đội trường tiểu học; bồi dưỡng, huấn luyện Đội ngũ phụ trách Đội; giáo dục Đội ngũ phụ trách, vận động lưc lượng xã hội trong và ngoài nhà trường tham gia công tác giáo dục thiếu nhi; tự giáo dục, tự rèn luyện, tự bồi dưỡng.

- Các nhiệm vụ cơ bản, cụ thể của tổng phụ trách Đội:

+Tổ chức bộ máy và chăm lo xây dựng Đội ngũ cán bộ Đội TNTP, Đội ngũ phụ trách chi Đội, phụ trách sao nhi đồng, xây dựng chi Đội, liên Đội mạnh, sao nhi đồng tự quản, ban chỉ huy, các nhóm nòng cốt của Đội.

+ Tổ chức chỉ đạo hoạt động toàn diện của Đội trên cơ sở phát huy thực sự vai trò tự quản của Đội. Nhiệm vụ này thể hiện qua hai mặt:

Một là thiết kế nội dung chương trình, kế hoạch hoạt động và tổ chức các hoạt động trên quy mô toàn liên Đội.

Hai là đưa các hoạt động đi sâu vào từng chi Đội, từng phân Đội cho đến mỗi đội viên, học sinh để lôi cuốn các em vào các hoạt động cụ thể.

+ Tham mưu, phối hợp với các tổ chức Đảng, chính quyền, nhà trường, các ban ngành, đoàn thể và các lực lượng giáo dục khác trong và ngoài nhà trường làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu nhi. Mục tiêu của nhiệm vụ là toàn trường tham gia công tác Đội. [9, tr.42-48]

1.2.9.2. Phụ trách chi đội

- Trong trường tiểu học, phụ trách chi Đội đồng thời là giáo viên chủ nhiệm một lớp, vai trò của họ vừa là người thầy (cô) vừa là anh (chị), người bạn tin cậy của các em. Là giáo viên, đồng thời là phụ trách chi Đội, điều này vừa thuận lợi, vừa khó khăn đối với giáo viên trường tiểu học. Trực tiếp giảng dạy, chủ nhiệm một lớp, họ có điều kiện gần gũi, hiểu biết các em nhưng lại có khó khăn trong công tác Đội vì dễ sa vào khuynh hướng coi chi Đội là lớp học, coi vai trò phụ trách chi Đội như vai trò giáo viên chủ nhiệm. Trong trường hợp này, mối quan hệ bên trong của mỗi giáo viên phụ trách chi Đội trở nên đa dạng, linh hoạt. Sự thay đổi tâm thế từ cương vị giáo viên sang cương vị phụ trách chi Đội đòi hỏi phải đúng lúc, khéo léo, tế nhị. Tốt hơn hết là nên tôn trọng các em, xây dựng lớp thành một tập thể chi Đội đoàn kết, có ý thức tự quản, tự giáo dục trong học tập cũng như trong sinh hoạt, giáo viên cần giảm bớt những biện pháp giáo dục có tình hành chính, tăng cường các biện pháp giáo dục thông qua hoạt động tập thể và dư luận tập thể. Cần huy động các lực lượng giáo dục khác như gia đình và xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục của nhà trường và của tổ chức Đội.

- Nhiệm vụ của phụ trách chi Đội:

+ Xây dựng chi Đội thành tập thể đoàn kết, gắn bó giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoạt động: học tập, sinh hoạt, lao động ….ở trường cũng như ở nhà. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của người phụ trách chi Đội. Muốn hoàn thành nhiệm vụ này, người phụ trách chi Đội phải gắn bó với các em, nắm được những đặc điểm, hoàn cảnh của từng em và của cả tập thể chi Đội, đồng thời phải có những phương pháp sư phạm khéo léo và phương pháp làm việc khoa học .

+ Giúp đỡ, hướng dẫn chi Đội xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác từng tuần, tháng, học kì, năm học. Vai trò của phụ trách chi Đội ở đây cần được giữ vững, không làm thay hay áp đặt các em mà phải phát huy được tính tự quản, tự tổ chức công việc của các em.

+ Phụ trách giúp các em liên hệ, phối hợp công tác với liên Đội và các chi Đội bạn, với ban giám hiệu, hội đồng sư phạm nhà trường, hội phụ huynh học sinh.

+ Phụ trách chi Đội là người đại diện cho các em, đấu tranh cho những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của chi Đội và của đội viên trong chi Đội Nhiệm vụ 5: phụ trách chi Đội thường xuyên tự học tập và bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác của mình để trở thành tấm gương tốt và là chỗ dựa tinh thần của các em .

1.2.9.3. Ban chỉ huy Đội

- Ban chỉ huy là những đội viên Đội TNTP Hồ Chí Minh, được đại hội Đội tín nhiệm bầu ra có nhiệm vụ điều hành các hoạt động của Đội, thực hiện mục tiêu giáo dục đội viên trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ.

- Ban chỉ huy gồm có: ban chi huy liên Đội, chi Đội. Mỗi ban chỉ huy được bầu ra các cấp chỉ huy trưởng, chỉ huy phó và các ủy viên. Ban chỉ huy vừa phải hoàn thành nhiệm vụ của người đội viên, vừa phải là “ linh hồn ” của chi Đội, liên Đội. [16]

Một phần của tài liệu Biện pháp quản lý của hiệu trưởng trường tiểu học nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay ở huyện An Dương thành phố Hải Phòng (Trang 38)