Nội dung của công tác quản lý thuế TNDN

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (Trang 33)

Hoạt động quản lý thuế TNDN bao hàm nhiều nội dung được quy định cụ thể trong luật Quản lý thuế, bao gồm:

1. Lập dự toán thu thuế

2. Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế. 3. Thủ tục hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế.

4. Kiểm tra thuế, thanh tra thuế.

5. Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. 6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế.

1.3.2.1. Lập dự toán thu thuế

Dự toán thu dựa trên kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và các chỉ tiêu phát triển kinh tế của cả nước, từng ngành, địa phương, khu vực kinh tế. Tổng cục Thuế giao kế hoạch thu thuế cho các Cục Thuế. Cục Thuế sẽ giao nhiệm vụ thu ngân sách cho các Chi Cục Thuế. Hằng năm vào quý IV các Chi cục Thuế lập dự toán thu theo khả năng thu thuế ở địa phương, để báo cáo với Cục Thuế.

1.3.2.2. Quản lý công tác đăng ký thuế, kê khai thuế, tính thuế và nộp thuế

a. Đăng ký thuế và cấp mã số thuế cho doanh nghiệp

Bao gồm việc nhận và xử lý hồ sơ đăng ký thuế, cấp mã số thuế cho các DN mới thành lập.

Phòng tuyên truyền – hỗ trợ thuộc Cục thuế sẽ hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ đăng kí thuế. Cụ thể, phòng tuyên truyền – hỗ trợ cấp mẫu tờ khai đăng kí thuế cho doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ đăng kí cấp mã số thuế; hướng dẫn thủ tục kê khai thay đổi thông tin về doanh nghiệp; thủ tục kê khai đăng kí thuế đối với doanh nghiệp tổ chức, sắp xếp lại (như chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, bán doanh nghiệp,…) theo quy định về đăng kí thuế hiện hành.

Bộ phận một cửa nhận hồ sơ đăng ký thuế, đóng dấu ngày nhận vào tờ khai đăng ký thuế và ghi sổ nhận hồ sơ thuế. Sau đó chuyển hồ sơ đăng ký thuế cho phòng kê khai – kế toán thuế ngay trong ngày. Phòng sẽ kiểm tra thủ tục hồ sơ đăng ký thuế theo đúng quy định về đăng ký cấp mã số thuế; kê khai đúng mẫu hồ sơ quy định; kê khai đầy đủ chỉ tiêu. Nếu hồ sơ đăng ký được chấp nhận thì phòng kê khai – kế toán thuế nhập và xử lý thông tin đăng ký thuế trên máy tính, truyền dữ liệu về trung tâm tin học – thống kê Tổng cục thuế để kiểm tra tính duy nhất và hợp lệ của mã số thuế. Cuối cùng, phòng kê khai – kế toán thuế in, trình ký giấy chứng nhận đăng ký thuế (nếu kết quả kiểm tra mã số thuế được chấp nhận), thông báo mã số thuế, phân cấp quản lý doanh nghiệp và trả kết quả đăng ký thuế cho doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp mới thành lập, trong quá trình xét hồ sơ đăng kí thuế để cấp mã số thuế, nếu doanh nghiệp có gửi kèm đơn xin mua hoá đơn thì Cục thuế phải thực hiện xác minh địa điểm trụ sở đăng kí kinh doanh của doanh nghiệp để giải quyết cấp sổ mua hoá đơn cho doanh nghiệp.

b. Khai thuế, tính thuế

Khai thuế thu nhập doanh nghiệp là loại khai tạm tính theo quý, khai quyết toán năm hoặc khai quyết toán đến thời điểm chấm dứt hoạt động kinh doanh, chấm dứt hợp đồng, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp.

Bộ phận một cửa nhận tờ khai thuế và các tài liệu kèm theo, đóng dấu ngày nhận vào tờ khai thuế, chuyển tờ khai thuế cho phòng kê khai – kế toán thuế. Sau đó, phòng kê khai – kế toán thuế sẽ kiểm tra tính đầy đủ của tờ khai thuế và các tài liệu kèm theo; kiểm tra kê khai đúng mẫu tờ khai quy định, kê khai đầy đủ chỉ tiêu và có xác nhận của doanh nghiệp.

Nhập các thông tin trên tờ khai thuế vào chương trình quản lý thuế trên máy tính. Chương trình này sẽ trợ giúp kiểm tra phát hiện các lỗi kê khai sai, tính toán sai và lập danh sách các tờ khai lỗi; đồng thời chương trình cũng xác định số thuế phải nộp của từng doanh nghiệp theo số thuế kê khai trên tờ khai thuế của doanh nghiệp.

Nếu phát hiện tờ khai thuế bị lỗi thì phòng kê khai – kế toán thuế in thông báo đề nghị điều chỉnh tờ khai thuế, chuyển cho phòng Hành chính gửi cho doanh nghiệp để lập lại tờ khai. Còn đối với các trường hợp không nộp tờ khai thuế thì phòng kê khai kế toán thuế lập danh sách ấn định thuế đối với doanh nghiệp rồi ký chuyển cho phòng kê khai – kế toán thuế để nhập vào máy tính.

Hàng năm, cơ sở kinh doanh căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của năm trước và khả năng của năm tiếp theo tự kê khai doanh thu, chi phí, thu nhập chịu thuế, số thuế phải nộp cả năm, có chia ra từng quý theo mẫu của cơ quan thuế và nộp cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý chậm nhất là ngày 25 tháng 01; nếu tình hình sản xuất, kinh doanh trong năm có sự thay đổi lớn thì cơ sở kinh doanh phải báo cáo cơ quan thuế trực tiếp quản lý để điều chỉnh số thuế tạm nộp cả năm và từng quý. Trong trường hợp cơ quan thuế kiểm tra phát hiện việc kê khai thuế của cơ sở kinh doanh chưa phù hợp thì có quyền ấn định số thuế tạm nộp cả năm và từng quý.

Đối với cơ sở kinh doanh chưa thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ thì số thuế phải nộp hàng tháng được tính theo chế độ khoán doanh thu và tỷ lệ thu nhập chịu thuế phù hợp với từng ngành, nghề do cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định.

c. Ấn định thuế

Khi người nộp thuế vi phạm các quy định của Pháp luật thuế thuộc quy định cần phải ấn định thuế. Cơ quan thuế ấn định thu nhập chịu thuế để tính thuế đối với cơ sở kinh doanh trong các trường hợp:

- Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ; - Không kê khai hoặc kê khai không đúng căn cứ để tính thuế hoặc không chứng minh được căn cứ đã ghi trong tờ khai theo yêu cầu của cơ quan thuế;

- Từ chối việc xuất trình sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và tài liệu cần thiết liên quan đến việc tính thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Kinh doanh không có đăng ký kinh doanh.

Cơ quan thuế căn cứ vào tài liệu điều tra về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của cơ sở kinh doanh hoặc căn cứ vào thu nhập chịu thuế của cơ sở kinh doanh cùng ngành nghề, có quy mô kinh doanh tương đương để ấn định thu nhập chịu thuế; trường hợp cơ sở kinh doanh không đồng ý với mức ấn định thu nhập chịu thuế thì có quyền khiếu nại với cơ quan thuế cấp trên trực tiếp theo quy định của pháp luật; trong khi chờ giải quyết, cơ sở kinh doanh vẫn phải nộp thuế theo mức thuế đã ấn định

d. Nộp thuế

Định kỳ theo thời gian quy định, NNT tự kê khai, tính và nộp thuế vào KBNN.

Cơ quan thuế: Có trách nhiệm thông báo nộp thuế cho cơ sở kinh doanh đúng thời gian; tiếp nhận và xử lý hồ sơ xin gia hạn nộp thuế.

Cơ sở kinh doanh: Cơ sở kinh doanh tạm nộp số thuế hàng quý theo bản tự kê khai hoặc theo số thuế cơ quan thuế ấn định đầy đủ, đúng hạn vào ngân sách nhà nước. Thời hạn nộp thuế hàng quý chậm nhất là ngày cuối quý.

Chính phủ quy định thủ tục nộp thuế đơn giản, thuận tiện, nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ sở kinh doanh trước pháp luật, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật của cơ quan thuế, bảo đảm quản lý thu thuế chặt chẽ, có hiệu quả.

Cơ sở kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này phải nộp thuế vào ngân sách nhà nước hàng tháng theo thông báo của cơ quan thuế. Thời hạn nộp thuế hàng tháng được ghi trong thông báo chậm nhất là ngày 25 của tháng tiếp theo.

Cơ sở kinh doanh buôn chuyến phải kê khai và nộp thuế theo từng chuyến hàng với cơ quan thuế nơi mua hàng trước khi vận chuyển hàng đi.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế theo tỷ lệ do Bộ Tài chính quy định tính trên tổng số tiền chi trả và nộp vào ngân sách nhà nước cùng thời điểm chuyển trả tiền cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

1.3.2.3. Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế

Tuyên truyền: Công tác tuyên truyền là tác động vào những hành vi tâm lý xã hội của NNT, tăng cường tính tự nguyện tuân thủ của NNT. Đồng thời giảm chi phí quản lý hành chính thuế như các chi phí thanh tra, cưỡng chế thuế.

Hỗ trợ: Dịch vụ hỗ trợ tư vấn là các dịch vụ thông tin mà cơ quan thuế cung cấp cho NNT để họ có thể hoàn thành nghĩa vụ thuế.

1.3.2.4. Thanh tra, kiểm tra thuế

Mục đích, yêu cầu của thanh tra, kiểm tra thuế: phát hiện các sai phạm của NNT khi thực hiện Pháp luật thuế, hạn chế thất thu thuế cho Nhà nước; Kiến nghị các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung kịp thời để hoàn thiện hệ thống thuế.

Nội dung thanh tra, kiểm tra thuế: Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành những quy định về đăng ký, kê khai, căn cứ tính thuế và nộp thuế đầy đủ, kịp thời số thu vào NSNN.

Các hình thức thanh tra, kiểm tra thuế đối với DN: toàn diện, chuyên đề theo nội dung, thường xuyên và đột xuất theo yêu cầu của cơ quan cấp trên.

1.3.2.5. Thu nợ, cưỡng chế thuế và xử lý vi phạm về thuế

Công tác cưỡng chế thu nợ thuế là kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng nộp thuế cố ý chây ỳ, nợ thuế, chiếm đoạt tiền thuế và các khoản tiền phạt liên quan đến thuế, để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào NSNN, phù hợp với pháp luật thuế.

Quản lý thu nợ thuế: là theo dõi, đôn đốc số tiền thuế phải nộp của các DN vào NSNN. Xử lý vi phạm về thuế là việc cơ quan thuế áp dụng các hình thức xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển cơ quan chức năng xử lý hình sự khi người nộp thuế vi phạm các quy định của Luật thuế làm thất thu cho Ngân sách Nhà nước.

1.3.2.6. Xử lý khiếu nại, tố cáo các vấn đề về thuế

Xử lý khiếu nại, tố cáo là việc cơ quan thuế phải thực hiện giải quyết giải quyết các yêu cầu của NNT theo quy trình: nhận các đơn từ phân tích hồ sơ và kết quả xử lý có liên quan đến khiếu nại, tố cáo thu thập bằng chứng, tổ chức thẩm tra, phúc tra và xử lý kết quả khiếu nại, tố cáo.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)