Hậu quả không tuân thủ các yêu cầu hợp lý

Một phần của tài liệu Các yêu cầu đối với quyết định của các cơ quan hành chính nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 82)

TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

2.2.3. Hậu quả không tuân thủ các yêu cầu hợp lý

Quyết định quản lý nhà nước không hợp lý gây nhiều hậu quả không tốt cho công tác quản lý nhà nước, làm cho các quyết định của cấp trên mất "thiêng", uy tín của cơ quan, của người ký, ban hành quyết định bị giảm sút, dẫn đến tình trạng mất trật tự trong quản lý. Vì vậy, phải xử lý hậu quả của việc không tuân thủ các yêu cầu hợp lý trong xây dựng và ban hành quyết định quản lý nhà nước như sau [3, tr. 342 - 343]:

2.2.3.1. Hậu quả không tuân thủ các yêu cầu hợp lý đối với nội dung và hình thức quyết định quản lý nhà nước

Nếu không tuân thủ các yêu cầu hợp lý đối với nội dung và hình thức quyết định pháp luật thì sẽ làm cho quyết định đó hoặc không thực hiện được, khó thực hiện, hoặc thực hiện được nhưng kém hiệu quả. Về nguyên tắc, tuỳ thuộc quyết định quản lý nhà nước vi phạm yêu cầu hợp lý cụ thể nào và mức độ vi phạm mà quyết định quản lý nhà nước đó có thể bị đình chỉ, sửa đổi hoặc bãi bỏ bởi cơ quan cấp trên, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm kỷ luật. Không thể áp dụng biện pháp trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại về tài sản vì việc ban hành quyết định quản lý nhà nước không hợp lý không phải là vi phạm pháp luật. Nếu vi phạm các yêu cầu hợp lý đối với hình thức quyết định (cấu trúc quyết định không mạch lạc, rõ ràng, khó hiểu...) thì không phải áp dụng chế tài quan trọng nào, trừ khả năng áp dụng biện pháp trách nhiệm kỷ luật nếu tái phạm nhiều lần.

Quyết định không hợp lý có hai loại: không thực hiện được (bất khả thi) và loại kém hiệu quả về kinh tế, chính trị, xã hội. Loại bất khả thi đương nhiên là không có hậu quả do chưa thực hiện được, do đó không phải khắc phục hậu quả đó. Còn đối với loại kém hiệu quả cũng không phải áp dụng biện pháp khôi phục lại tình trạng cũ do việc thực hiện gây ra, mà chỉ cần sửa đổi lại quyết định quản lý nhà nước đó hoặc hủy bỏ nó và ban hành quyết định quản lý nhà nước mới cho phù hợp hơn mà thôi.

2.2.3.2. Hậu quả không tuân thủ các yêu cầu hợp lý đối với thủ tục xây dựng và ban hành quyết định quản lý nhà nước

Nếu vi phạm các yêu cầu hợp lý đối với thủ tục ban hành (quyết định ban hành không kịp thời, cơ quan ban hành không nắm vững vấn đề, thủ tục xây dựng và ban hành rắc rối...) thì, tương tự như đối với các yêu cầu về hình thức quyết định, không phải áp dụng chế tài quan trọng nào, trừ khả năng áp dụng biện pháp trách nhiệm kỷ luật nếu tái phạm nhiều lần.

Tuy nhiên, phải kịp thời có biện pháp sửa chữa các thiếu sót về hình thức văn bản và thủ tục xây dựng, vì những thiếu sót đó là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến tính hợp lý của nội dung quyết định, tức là hiệu quả và khả năng thực thi của nó, làm chậm quy trình ra quyết định.

Như vậy, toàn bộ Chương này đã xem xét các yêu cầu đối với quyết định quản lý nhà nước, trong đó đã phân tích rất rõ các yêu cầu hợp pháp, yêu cầu hợp lý cũng như các yêu cầu đối với thủ tục xây dựng và ban hành quyết định quản lý nhà nước. Trên cơ sở những yêu cầu nói trên, các trường hợp vi phạm phải bị xử lý theo qui định của pháp luật làm cho các quyết định quản lý nhà nước được ban hành phải trở thành hợp pháp, hợp lý cả về hình thức và nội dung, đảm bảo cho quyết định có hiệu lực và có tính khả thi trong cuộc sống. Đối chiếu với các yêu cầu nói trên, Chương 3 sẽ xem xét thực trạng ban hành quyết định quản lý nhà nước trong thời gian qua và phương hướng nâng cao chất lượng ban hành quyết định quản lý nhà nước trong thời gian tới.

Chương 3

Một phần của tài liệu Các yêu cầu đối với quyết định của các cơ quan hành chính nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 82)