Những quyết định mang lại lợi ích vật chất, tinh thần cho người thực hiện thì người thực hiện tìm cho bằng được để thực hiện như những quyết định lên lương, lên chức, khen thưởng... Đối với các quyết định tăng giá điện thì Ban Vật giá Chính phủ tổ chức họp báo ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành, mặc dù theo đường công văn bưu điện thì quyết định đó vẫn chưa được chuyển đến các cơ quan, địa phương. Tuy nhiên, rất nhiều quyết định không được các đối tượng thực hiện ngay vì lý do "chưa biết", "chưa được phổ biến", "chưa có hướng dẫn" vì việc thực hiện những quyết định đó không mang lại ngay lợi ích cho người thực hiện.
Do đó, giai đoạn truyền đạt đến cơ quan và người thi hành tuy mang tính chất bổ sung cho cả trình tự xây dựng và ban hành quyết định quản lý nhà nước, nhưng không có nó, trong đa số các trường hợp, quyết định quản lý nhà nước không được thực hiện bởi vì thường bị chánh văn phòng cơ quan "kính chuyển" Thủ trưởng để sau đó "cất vào ngăn kéo".
Những hình thức truyền đạt quyết định quản lý nhà nước như bằng miệng, điện thoại, fax, truyền lên Mạng tin học diện rộng của Chính phủ, mạng tin học của một số Bộ, ngành, địa phương, mạng Internet, gửi văn bản cho đối tượng thi hành, in trong Công báo, công bố trên phương tiện thông tin đại chúng ...
Các quyết định quản lý nhà nước quan trọng có hiệu lực rộng thường vừa được đăng Công báo, vừa đưa lên Mạng tin học diện rộng của Chính phủ, mạng Internet, vừa đăng trên báo hàng ngày, vừa công bố trên đài, vừa được gửi trực tiếp cho người thi hành. Nếu là quyết định quản lý nhà nước quy
phạm hay cá biệt quan trọng cần phải thi hành ngay nên phải truyền đạt gấp bằng điện hoặc miệng, thì sau đó cũng cần gửi thêm văn bản quyết định đó cho đối tượng thi hành để bảo đảm tính chính xác về mặt pháp lý.