Tư vấn về nguyên tắc áp dụng luật

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VÀ NGHIỆP VỤ TƯ VẤN PHÁP LUẬT VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI (Trang 159)

III. TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRONG CÁC VỤ VIỆC HÔN NHÂN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI CỤ THỂ

1.Tư vấn về nguyên tắc áp dụng luật

Trước hết, khi tư vấn về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, người tư vấn cần phải xác định rõ được sự tất yếu sẽ đụng chạm đến nhiều hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia khác nhau. Xuất phát từ sự bình đẳng giữa các hệ thống pháp luật, về nguyên tắc, các hệ thống pháp luật đó đều có thể được áp dụng để giải quyết các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Vấn đề đặt ra là người tư vấn cần phải xác định hệ thống pháp luật

nào phù hợp nhất có liên quan để giải quyết quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đó.

Người tư vấn cần xác định rõ, tại Việt Nam, nguyên tắc áp dụng luật để giải quyết các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài phải căn cứ vào Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, các văn bản hướng dẫn luật và các hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý mà Việt Nam ký kết với các nước khác. Nếu có quy định khác nhau giữa pháp luật Việt Nam với Hiệp định tương trợ tư pháp thì sẽ ưu tiên áp dụng Hiệp định tương trợ tư pháp. Do đó, người tư vấn cần nắm được hiện nay Việt Nam đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với những quốc gia nào. Có nắm vững nội dung của các Hiệp định đó thì việc tư vấn pháp luật về quan hệ hôn nhân và gia đình đạt hiệu quả tốt nhất, hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót của người được tư vấn.

Qua so sánh giữa pháp luật Việt Nam và các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam ký kết với các nước cho thấy:

- Các nguyên tắc chọn luật áp dụng để điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài có sự tương đồng nhất định: Nguyên tắc luật quốc tịch của đương sự (lex patriae); Nguyên tắc luật nơi cư trú của đương sự (lex domicillii); Nguyên tắc luật của nước có toà án, cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc (lex fori); Nguyên tắc “luật nước nơi thực hiện hành vi” (Lex loci actus). Việc áp dụng nguyên tắc nào sẽ tuỳ thuộc vào tính chất của từng mối quan hệ hôn nhân và gia đình và quan điểm của từng quốc gia trong việc xây dựng pháp luật. Do đó, người tư vấn cần phải nắm được ưu điểm của từng nguyên tắc để giải thích cho người được tư vấn, giúp họ hiểu được quyền và lợi ích hợp pháp của họ sẽ được đảm bảo như thế nào khi áp dụng nguyên tắc đó. Chẳng hạn, việc áp dụng nguyên tắc luật quốc tịch của đương sự sẽ đảm bảo một cách tốt nhất được quyền và lợi ích hợp pháp của họ do quan hệ hôn nhân và gia đình nói chung và quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói riêng bao gồm quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản. Hay khi áp dụng nguyên tắc luật nơi cư trú của đương sự sẽ giúp cho việc giải quyết vụ việc về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được nhanh chóng và thuận lợi hơn. Hoặc khi kết hợp các nguyên tắc áp dụng luật để giải quyết các vụ việc về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài sẽ tránh được việc vi phạm trật tự công cộng, các nguyên tắc cơ bản trong pháp luật quốc gia. Khi các bên chủ thể không cùng quốc tịch, việc áp dụng nguyên tắc luật của nước nơi có toà án, có cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc là hợp lý nhất.

- Pháp luật Việt Nam về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài chưa bao quát được hết các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trong khi các Hiệp định tương trợ tư pháp lại quy định rất đầy đủ. Vì vậy, người tư vấn cần phải vận dụng linh hoạt các quy định của các hiệp định tương trợ tư pháp để tư vấn và giải quyết các mối quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Chẳng hạn, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 chỉ đề cập đến một số quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài như kết hôn có yếu tố nước ngoài, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (đã được thay thế bằng Luật Nuôi con nuôi 2010), ly hôn có yếu tố nước ngoài và giám hộ có yếu tố nước ngoài mà còn thiếu một số quan hệ quan trọng như quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng có yếu tố nước ngoài (cần xác định nguyên tắc áp dụng luật của nước mà vợ chồng mang quốc tịch có kết hợp với luật nơi thường trú chung của vợ chồng, nguyên tắc luật toà án khi vợ chồng không có nơi thường trú chung); quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con có yếu tố nước ngoài (cần xác định nguyên tắc áp dụng luật nơi người con mang quốc tịch, luật nơi cư trú của người con, luật nơi cư trú chung của cha mẹ con); Xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài (cần xác định nguyên tắc áp dụng luật nơi người con là công dân, luật nơi người con cư trú); Cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài (cần xác định nguyên tắc áp dụng luật nơi cư trú của người có yêu cầu cấp dưỡng, luật nơi người có yêu cầu cấp dưỡng là công dân).

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VÀ NGHIỆP VỤ TƯ VẤN PHÁP LUẬT VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI (Trang 159)