I. QUY ĐỊNH CHUNG CỦA PHÁP LUẬT VỀ VIỆC NHẬN CHA,MẸ, CON
1. Quyền được nhận cha,mẹ, con
Gia đình là tế bào của xã hội, tại đó tồn tại mối quan hệ ruột thịt và tình thương, gắn bó các chủ thể một cách thường xuyên, lâu dài, thậm chí suốt cả đời người về tình cảm và nghĩa vụ. Trong các mối quan hệ đó, mối quan hệ giữa cha mẹ và con được duy trì lâu bền nhất do yếu tố huyết thống, tình cảm, nuôi dưỡng và nhiều mối quan hệ khác chi phối.
Quyền làm cha, mẹ và quyền làm con là những quyền thiêng liêng, quyền nhân thân gắn với mỗi cá nhân con người. Vì vậy việc xác định cha, mẹ con nhằm xác định thân phận, quan hệ huyết thống là việc làm hết sức quan trọng góp phần ổn định các mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội hiện nay, do tác động, ảnh hưởng của hội nhập kinh tế, văn hóa toàn cầu nên nảy sinh nhiều mặt trái của xã hội dẫn đến các trường hợp trẻ em sinh ra nhưng không biết cha, mẹ đẻ là ai, hoặc bị chính cha, mẹ đẻ bỏ rơi, không nuôi nấng, chăm sóc hoặc trẻ em thất lạc gia đình, thất lạc cha, mẹ, trẻ em thiếu khuyết cha hoặc mẹ (trong các gia đình thiếu khuyết). Nhu cầu xác định cha mẹ, con cũng là nhu cầu hợp lý, chính đáng và cũng là quyền của mỗi cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ. Nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước ta đã có những quy định về nội dung này.
Theo Điều 13 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định: “Trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ”.
Cha mẹ là người trước tiên chịu trách nhiệm về việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, dành điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em. Điều 34, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con; tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội”.
Để bảo vệ quyền lợi của trẻ em, Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định việc xác định cha, mẹ, con. Quy định này đã thể hiện truyền thống tốt đẹp của nhân dân và tính nhân đạo của Nhà nước vì mục đích cao cả,
vì sự phát triển toàn diện của trẻ em với mong muốn trẻ em sẽ được phát triển một cách tốt nhất cả về vật chất và tinh thần trong một môi trường gia đình tốt có đầy đủ cả cha, mẹ.
Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về quyền nhận cha, mẹ như sau:
“1. Con có quyền xin nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
2. Con đã thành niên xin nhận cha, không đòi hỏi phải có sự đồng ý của mẹ; xin nhận mẹ, không đòi hỏi phải có sự đồng ý của cha”.
Bộ Luật dân sự năm 2005 cũng quy định về quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con tại Điều 43 như sau:
“1. Người không được nhận là cha, mẹ hoặc là con của người khác có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mình là cha, mẹ hoặc là con của người đó.
2. Người được nhận là cha, mẹ hoặc là con của người khác có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mình không phải là cha, mẹ hoặc là con của người đó”.