I. QUY ĐỊNH CHUNG CỦA PHÁP LUẬT VỀ NUÔI CON NUÔ
1. Quyền được nhận làm con nuô
Trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam là những công dân dưới 16 tuổi. Đây là lứa tuổi vị thành niên, lứa tuổi đang trong quá trình phát triển về tâm, sinh lý và về nhận thức. Ở lứa tuổi này, các em cần phải được bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng đặc biệt. Một trong những quyền cơ bản nhất, quan trọng nhất đối với trẻ em là quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng. Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của trẻ em là một quyền nhân thân gắn với trẻ em và được quy định trong nhiều văn bản pháp luật như Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình. Điều 12 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định: “Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thân và đạo đức”. Điều 41 Bộ luật dân sự cũng quy định về quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình như sau:
“Các thành viên trong gia đình có quyền được hưởng sự chăm sóc, giúp đỡ nhau phù hợp với truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Con, cháu chưa thành niên được hưởng sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ, ông bà; con, cháu có bổn phận kính trọng, chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ, ông bà”.
Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng là quyền của trẻ em và cũng là trách nhiệm của người lớn, trước tiên là trách nhiệm của cha, mẹ. Cha, mẹ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng các con.
Khoản 1 Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã khẳng định: “cha mẹ có nghĩa vụ và quyền cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên”.
Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng nhấn mạnh trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em của cha mẹ tại Điều 24 như sau:
“1. Cha mẹ, người giám hộ là người trước tiên chịu trách nhiệm về việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, dành điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em; khi gặp khó khăn tự mình không giải quyết được, có thể yêu cầu và được cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
2. Cha mẹ, người giám hộ, các thành viên lớn tuổi khác trong gia đình phải gương mẫu về mọi mặt cho trẻ em noi theo; có trách nhiệm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.
3. Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm chăm lo chế độ dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ em theo từng lứa tuổi.
4. Trong trường hợp ly hôn hoặc các trường hợp khác, người cha hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên phải có nghĩa vụ đóng góp để nuôi dưỡng con đến tuổi thành niên, có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục con theo quy định của pháp luật”.
Quyền được bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục là những quyền nhân thân thiết yếu của trẻ em. Tuy nhiên trong cuộc sống có trắc trở vì thế có nhiều trường hợp có trẻ em không có được sự quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ đó là trường hợp các em không may cha, mẹ mất sớm (trẻ mồ côi) hoặc trẻ bị bỏ rơi, không xác định được cha mẹ. Bên cạnh đó cũng có những trẻ em sinh ra trong các gia đình đông con, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, trẻ em trong các gia đình thiếu khuyết (thiếu cha hoặc mẹ), trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác... Để bảo đảm quyền được chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục của trẻ em trong những trường hợp này, pháp luật quy định trẻ em có quyền có một gia đình, có quyền được nhận làm con nuôi dưới hình thức hợp pháp.
Điều 44 Bộ luật dân sự quy định:
“Quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi của cá nhân được pháp luật công nhận và bảo hộ.
Việc nhận con nuôi và được nhận làm con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật”.