Điều kiện hoạt động tại Việt Nam của Tổ chức con nuôi nước ngoà

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VÀ NGHIỆP VỤ TƯ VẤN PHÁP LUẬT VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI (Trang 129 - 130)

II. TỔ CHỨC CON NUÔI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

1. Điều kiện hoạt động tại Việt Nam của Tổ chức con nuôi nước ngoà

(Điều 43 Luật Nuôi con nuôi năm 2010)

Pháp luật hiện hành cho phép tổ chức con nuôi nước ngoài hoạt động dưới hình thức cấp Giấy phép lập Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam. Theo quy định pháp luật trước đây, một trong những điều kiện bắt buộc là tổ chức con nuôi nước ngoài phải có địa điểm đặt trụ sở Văn phòng tại Việt Nam và phải có dự án hỗ trợ nhân đạo cho địa phương nơi Tổ chức dự kiến hoạt động. Quy định này đã dẫn đến hai vấn đề thực tế sau đây:

Thứ nhất, do quy định phải có trụ sở đặt địa điểm Văn phòng, cho nên nhiều tổ chức con nuôi nước ngoài chỉ sử dụng địa điểm văn phòng mang tính chiếu lệ tại thời điểm cấp phép hoặc khi có kiểm tra. Thực tế, các Văn phòng con nuôi nước ngoài không cần thiết phải làm việc tại Văn phòng, vì công việc của họ là hỗ trợ người xin nhận con nuôi nộp giấy tờ của người xin nhận con nuôi cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và hỗ trợ người nhận con nuôi khi sang Việt Nam hoàn tất thủ tục. Mọi hoạt động khác đều do tổ chức con nuôi ở nước gốc tiến hành. Việc thuê địa điểm đặt trụ sở Văn phòng vừa không cần thiết, vừa gây tốn kém cho tổ chức con nuôi nước ngoài.

Thứ hai, do bắt buộc phải có dự án hỗ trợ nhân đạo cho các địa phương nơi hoạt động, nên tổ chức con nuôi nước ngoài và các cơ sở nuôi dưỡng thường có sự thoả thuận với nhau giữa việc hỗ trợ nhân đạo và việc giới thiệu trẻ em cho làm con nuôi. Vô hình chung, việc hỗ trợ nhân đạo được coi là điều kiện để được giới thiệu trẻ em.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định theo hướng cho phép tổ chức con nuôi nước ngoài hoạt động tại Việt Nam dưới hình thức cấp giấy phép hoạt động, không cần phải có dự án hỗ trợ nhân đạo. Nhiệm vụ chủ yếu của các Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam là thực hiện các công việc được Tổ chức con nuôi nước ngoài uỷ quyền để hoàn thiện thủ tục xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, phù hợp với chức năng của tổ chức được chỉ định. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, Văn phòng con nuôi nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau:

- Được thành lập và hoạt động hợp pháp, phi lợi nhuận trong lĩnh vực nuôi con nuôi trên lãnh thổ của nước là thành viên của điều ước quốc tế về nuôi con nuôi mà Việt Nam là thành viên;

- Được cơ quan có thẩm quyền về nuôi con nuôi của nước nơi thành lập cho phép hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi tại Việt Nam;

- Có thời gian hoạt động trong lĩnh vực con nuôi quốc tế liên tục từ 03 năm trở lên, không vi phạm pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền của nước đó xác nhận;

- Có đội ngũ nhân viên công tác xã hội và pháp lý hiểu biết về pháp luật, văn hóa, xã hội của Việt Nam và pháp luật quốc tế về nuôi con nuôi;

- Người đại diện của tổ chức tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn về đạo đức, chuyên môn về lĩnh vực nuôi con nuôi. Tiêu chuẩn về người đứng đầu Văn phòng nuôi con nuôi tại Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 32 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi, theo đó: Người đứng đầu có thể là công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài; nếu là công dân Việt Nam thì không thuộc diện công chức, viên chức theo quy định của pháp luật; có đạo đức tốt; không có tiền án, tiền sự, không thuộc diện bị cấm xuất cảnh, nhập cảnh và hiểu biết về pháp luật, văn hóa, xã hội Việt Nam liên quan đến nuôi con nuôi và pháp luật quốc tế về nuôi con nuôi. Pháp luật cũng quy định một người chỉ được đứng đầu một Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VÀ NGHIỆP VỤ TƯ VẤN PHÁP LUẬT VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI (Trang 129 - 130)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(184 trang)
w