Phân tích môi trường nội bộ doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Xây dựng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu cho Chi nhánh Công ty Cổ Phần Đầu Tư và Thương Mại Tạp Phẩm Sài Gòn tại Hà Nội (TOCONTAP SAIGON tại Hà Nội) (Trang 25)

2 .1.1 Các nhân tố thuộc môi trường vĩ mô trong nước

2.2.2.Phân tích môi trường nội bộ doanh nghiệp

Nguồn nhân lực: Quản trị nhân sự và nguồn nhân lực có vai trò quyết định đến thành công của doanh nghiệp. “Dụng nhân như dụng mộc”, suy cho cùng thì mọi quản trị đều có liên quan đến quản trị nhân sự. Quản trị nguồn nhân lực có chức năng: kế hoạch hóa nguồn nhân lực, đào tạo và quản lý nguồn nhân lực, phân bố nguồn nhân lực, hệ thống thông tin nguồn nhân lực. Đối với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu trong nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu, nguồn nhân lực cần phải đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng đảm bảo thực hiện và tổ chức triển khai chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu. Nhân lực trong doanh nghiệp cần giỏi và thành thạo về nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu, yêu cầu cao về trình độ ngoại ngữ, có khả năng đàm phán giao dịch với khách hàng nước ngoài, tìm kiếm và mở rộng đối tác làm ăn, kinh doanh.

Tình hình tài chính: các yếu tố tài chính, kế toán có liên quan và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Từ chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp đến các kế hoạch hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều có liên quan đến nguồn lực tài chính và hoạt động của bộ phận tài chính của doanh nghiệp.

Hoạt động marketing: Marketing là quá trình kế hoạch hóa và thực hiện các ý tưởng liên quan đến việc hình thành, xác định giá cả, xúc tiến và phân phối hàng hóa và dịch vụ để tạo ra sự trao đổi nhằm thỏa mãn các mục tiêu của mọi cá nhân và tổ chức. Hoạt động marketing trong doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến công tác xây dựng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu.

Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp: cơ cấu tổ chức bộ máy quản trị là tổng hợp các bộ phận khác nhau có mối liên hệ và quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, được chuyên môn hóa, được giao những trách nhiệm, quyền hạn nhất định và được bố trí theo từng cấp nhằm thực hiện các chức năng quản trị doanh nghiệp. Công tác xây dựng chiến lược không phải chỉ xây dựng dựa vào các thành viên đơn lẻ, mà nó được thực hiện trên sức mạnh tổng hợp từ các thành viên trong doanh nghiệp, từ ban giám đốc, đến các bộ phận phòng ban, các phân xưởng và các cá nhân. Như vậy, nếu công tác tổ chức quản lý trong doanh nghiệp không tốt, không kết nối được các thành viên trong doanh nghiệp thì sẽ trực tiếp làm cho các hoạt động trong

doanh nghiệp trở nên rời rạc, không hiệu quả.

Nghiên cứu và phát triển: Kinh doanh là sáng tạo. Việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển thường đem lại những kết quả ngoạn mục nhất. Trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh thương mại, việc nghiên cứu và phát triển thường tập trung vào những hướng chính sau:

+ Đổi mới sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển kinh doanh những sản phẩm tiên tiến, hiện đại: để làm việc này cần đầu tư để tìm hiểu nguồn hàng từ các xí nghiệp sản xuất cung ứng, các nguồn hàng nhập khẩu, xu hướng phát triển của công nghệ mới, để tạo nguồn và đưa vào kinh doanh.

+ Nghiên cứu thị trường những máy móc, thiết bị để mua sắm, trang bị cho doanh nghiệp những máy móc, thiết bị mới, hiện đại những trang thiết bị để giao nhận, vận chuyển, bảo quản hàng hóa mà doanh nghiệp kinh doanh, để đảm bảo cung ứng đầy đủ số lượng, chất lượng và nhanh chóng cho khách hàng với dịch vụ văn minh.

+ Tổ chức đào tạo, đào tạo lại hoặc tham quan, trao đổi các đoàn khảo sát những doanh nghiệp cùng lĩnh vực kinh doanh ở những nước tiên tiến, để nâng cao trình độ nghề nghiệp cho cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp về cả kỹ thuật, nghiệp vụ, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ…

Sản phẩm và lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp thương mại: sản phẩm hàng hóa mà doanh nghiệp thương mại kinh doanh là ngành hàng mà doanh nghiệp làm chức năng lưu thông hàng hóa. Để thực hiện chức năng lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp thương mại phải có thị trường bán hàng hóa. Thị trường bán hàng là điều kiện tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Mặt khác, nguồn hàng của doanh nghiệp thương mại và những yếu tố của thị trường đầu vào (nguồn cung ứng) là điều kiện của thị trường đầu ra và quyết định chi phí của hoạt động kinh doanh. Để ổn định hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp thương mại phải phát triển mạng lưới kinh doanh, hệ thống cơ sở vật chất của kinh doanh như kho tàng, cửa hàng, nơi tiếp nhận hàng hóa, nơi dự trữ, bảo quản hàng hóa và các mối quan hệ kinh tế - kỹ thuật – thương mại với các đơn vị nguồn hàng để tạo nguồn hàng, khai thác tối đa lợi thế của nguồn hàng để vừa nắm chắc nguồn hàng vừa có thể ổn định và phát triển khối lượng cùng chất lượng các mặt hàng thu mua.

Một phần của tài liệu Xây dựng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu cho Chi nhánh Công ty Cổ Phần Đầu Tư và Thương Mại Tạp Phẩm Sài Gòn tại Hà Nội (TOCONTAP SAIGON tại Hà Nội) (Trang 25)