Bức tranh xã hội và nhân sinh

Một phần của tài liệu Tìm hiểu những đặc điểm nghệ thuật trong truyện ngắn và tiểu thuyết của Nguyên Hồng trước cách mạng (Trang 27)

B. NỘI DUNG

1.2.2.Bức tranh xã hội và nhân sinh

Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, nhưng đối với Nguyên Hồng nhà văn - thì Hải Phòng là nơi sinh, nơi dưỡng, là món nợ lòng và gần như ông đã dành trọn đời mình để trang trải món nợ lòng đó.

Trong sáng tác của mình, Nguyên Hồng bao giờ cũng nhắc đến Hải Phòng: "Cuộc sống của Hải Phòng và Hải Phòng đã mở ra những bước đường cho tôi đi"; "Hải Phòng đã nuôi nấng tôi. Tôi đã lớn lên dưới đôi vú mẹ đầy bụi than và vết đế quốc bóp xé" (33 - 97).

Rời ghế nhà trường ở Nam Định ra Hải Phòng là lập tức Nguyên Hồng phải lo chuyện kiếm sống. Ông đã lang thang chầu chực ở Sáu kho, xi măng rồi Cốt phát để xin việc làm. Thực sự Nguyên Hồng đã bị ném vào môi trường của những người cùng khổ nhất trong xã hội cũ. Từ ngày đó "Người ta thấy xuất hiện trên đường phố Hải Phòng một thanh niên thất nghiệp. Đó là người có dáng nhỏ bé lom khom, áo chùng thâm dán lấy ngực, mũ trắng vành to, gương mặt xanh xao mất máu. Ngày ngày cậu lang thang ở bến tàu to Sáu

máy Cốt phát, Máy tơ, Máy chỉ, Máy ống, các hãng chuyên chờ hàng hoá, các bến ô tô, tàu thuỷ, các kho hàng cửa hiệu, lán củi hoặc lân la ở các xóm ngõ đầu đường nơi đi về của phu phen thuyền thợ.... để nghe ngóng, thăm dò công việc. Vườn - hoa - đưa - người là chặng nghỉ cuối cùng sau những buổi sáng, buổi chiều đi chầu chực, xin xỏ các nơi không được việc gì cả, là nơi sau những buổi tối cơm chiều không có đèn, nhà hết dầu, anh đến đứng lặng thẫn thờ, trong lòng đau khổ, buồn bã vô cùng" (19- 10).

Trong những ngày gian nan khốn khó ấy, ông lại thấy cuộc sống có ý nghĩa bởi vì ông đang được sống giữa những con người đáng mến và quí trọng. Họ và những người "không được hưởng một chút sung sướng về vật

chất nhưng biết hy vọng vào một cuộc sống mới sẽ đến". (33- 97).

Chính vì thế ngòi bút của Nguyên Hồng sớm được tôi luyện trong mồ hôi nước mắt của những kiếp sống lam lũ cùng khổ ấy - ngòi bút của một nhà văn "Chân đất".

Trên những nét lớn, có thể nói rằng bức tranh xã hội và nhân sinh trong tác phẩm Nguyên Hồng chủ yếu là bức tranh về cuộc sống, con người cần lao của thành phố Hải Phòng trước Cách mạng tháng Tám với tất cả những nét ngổn ngang thô nháp, sần sùi nhưng cũng đây chất thơ của nó. Bởi đó là thế giới riêng của nhà văn, đó là thế giới mà Nguyên Hồng có sự am hiểu sâu sắc nhất. Nguyên Hồng đã dành nhiều tình cảm yêu thương, trân trọng khi viết về Hải Phòng. Bị đi đày ở trại tập trung Bắc Mê, Nguyên Hồng đã hoá thân vào nhân vật Xuân để hơn một lần thổ lộ những lời nhớ thương da diết đối với Hải Phòng:

"Minh ơi, tôi nhớ Hải Phòng quá lắm, chưa bao giời trước mắt tôi

những hình ảnh của nó rõ ràng như lúc này" (Cuộc sống).

Không chỉ viết cuộc sống cần lao của Hải Phòng, thiên nhiên trong tác phẩm của ông cũng là hình ảnh của thiên nhiên thành phố cửa biển này. Nguyên Hồng như có biệt tài tả nắng, một cái nắng "rất Hải Phòng": Một cái nắng hoạt động, nó lồng lộng, phấp phới, có lúc như thật sự phát ra âm thanh.

"nắng không reo nữa mà hét lên trong thứ ánh vàng chói loà của nó".

Dưới cái nắng và gió ấy, đất cát, cỏ cây, sông nước cho đến phố xá, chợ búa... tất cả đều tràn đầy sinh khí, sức sống mãnh liệt hơn, tấp nập hơn, náo nhiệt hơn: 'Ngoài kia nắng vàng chợt rực lên. Mấy đám mây trắng muốt bừng

sáng theo. Dưới sông, những ngấn nước bạc chạy rào rào, chói loà.... Con đường đất từ bến ô tô băng xuống bãi đã nhộn nhịp đi làm về. Quần nâu, áo vá và nón, mũ dúm dó toát ra những làn hơi trắng mờ như chính vật này cũng đã mệt mỏi, gắng gượng mà trở mặt mày, chân tay và da dẻ người ta nổi lên với tất cả vẻ dầu dãi, nhẫn nhục giữa cái nền vàng ngời của nước phù sa và đất nâu mịn trộn với nắng" . (Hơi thở tàn).

Đọc Nguyên Hồng ta thấy rõ điều này: "Dù ông viết về nơi đâu, thuộc địa chỉ nào, người đọc cũng cảm thấy như mở ra trước mắt cảnh vật, con

người và không khí của thành phố Hải Phòng" (Nguyễn Đăng Mạnh).

Đó chính là thế giới nghệ thuật chủ yếu của Nguyên Hồng.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu những đặc điểm nghệ thuật trong truyện ngắn và tiểu thuyết của Nguyên Hồng trước cách mạng (Trang 27)