Đánh giá khái quát

Một phần của tài liệu BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ ĐÁNH GIÁ NGÀNH DỊCH VỤ NGHIỆP CỦA VIỆT NAM SAU 5 NĂM GIA NHẬP WTO VÀ CÁC KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH (Trang 82)

2. ĐÁNH GIÁ TỔNG THỂ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH DỊCH VỤ SAU KHI GIA

2.9.Đánh giá khái quát

Có thấy một số đặc điểm nổi bật trong sự phát triển của ngành dịch vụ Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO như sau:

Thứ nhất, ngành dịch vụ đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá nhưng chưa bền vững, đồng thời cũng chưa tỏ rõ vai trò dẫn dắt tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của một số ngành dịch vụ chủ chốt như kinh doanh bất động sản và dịch vụ tư vấn, tài chính tín dụng, khách sạn nhà hàng tỏ ra không ổn định.

Thứ hai, tốc độ chuyển dịch cơ cấu GDP của nền kinh tế theo hướng dịch vụ hóa còn rất chậm, hầu như không thay đổi. Cơ cấu của ngành dịch vụ còn thiên về các ngành dịch vụ truyền thống và tiêu dùng cuối cùng. Tỷ trọng của các ngành dịch vụ trung gian (như tài chính tín dụng) hoặc các ngành dịch vụ làm nền tảng cho sự phát triển dài hạn (như giáo dục đào tạo) còn rất thấp so với mức bình quân của thế giới. Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng dịch vụ hóa đã diễn ra tương đối ổn định. Năng suất lao động trong ngành dịch vụ cũng có sự chuyển biến tích cực.

Thứ ba, số lượng các doanh nghiệp dịch vụ đã tăng mạnh, song có quy mô còn nhỏ, chuyên môn hóa thấp. Thậm chí, trong một số lĩnh vực dịch vụ (như kinh doanh bất động sản và dịch vụ tư vấn), số doanh nghiệp đã tăng quá nhanh theo hướng chộp giật các cơ hội kinh doanh khi thị trường hình thành bong bóng.

Thứ tư, thương mại dịch vụ còn chịu thâm hụt cao. Ngoại trừ ngành du lịch, khả năng xuất khẩu, tạo thặng dư thương mại của các ngành dịch vụ khác không cao. Đặc biệt, xuất khẩu của một số ngành dịch vụ (như vận tải biển) không đủ bù đắp các chi phí nhập khẩu khác (cước I, F của hàng nhập khẩu).

Mặc dù có nhiều lo ngại trước đó, song việc thực hiện các cam kết với WTO trong 5 năm qua không tạo ra sức ép cạnh tranh quá lớn đối với ngành dịch vụ của Việt Nam do lộ trình thực hiện tương đối chậm, một số ngành dịch vụ vẫn chưa mở cửa hoàn toàn và vẫn duy trì các hình thức độc quyền hoặc bán độc quyền hoặc hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, một số ngành dịch vụ đã thực hiện cam kết mở cửa hoàn toàn thì số lượng các nhà cung cấp nước ngoài tham gia cũng chưa nhiều do tình hình kinh tế trong nước và thế giới suy thoái đã cản trở các quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước đã tác động mạnh đến sự phát triển của ngành dịch vụ nói chung và một số ngành dịch vụ nói riêng sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Các ngành như tài chính, tín dụng, kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn bị tác động nhiều hơn bởi bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước, trong đó có sự đóng băng của thị trường bất động

sản, suy sụp của thị trường chứng khoán. Trong khi đó, các ngành như vận tải, du lịch lại chịu tác động tiêu cực nhiều hơn từ suy thoái kinh tế toàn cầu khiến cho lượng khách du lịch đến Việt Nam giảm và thương mại quốc tế giảm sút khiến cho nhu cầu vận tải biển cũng giảm theo. Các ngành dịch vụ chính phủ phát triển chậm lại cho thắt chặt ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Như vậy, sức ép đối với ngành dịch vụ Việt Nam trong giai đoạn 5 năm sau khi gia nhập WTO không chủ yếu do việc mở cửa thị trường khi phải thực hiện cam kết, mà chủ yếu là do tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn. Đây là điều mà Việt Nam chưa lường hết được trước khi bắt tay vào thực hiện các cam kết với WTO.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ ĐÁNH GIÁ NGÀNH DỊCH VỤ NGHIỆP CỦA VIỆT NAM SAU 5 NĂM GIA NHẬP WTO VÀ CÁC KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH (Trang 82)