3. TÁC ĐỘNG CỦA HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ ĐẾN NGÀNH NGÂN HÀNG
3.5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực ngân hàng
Công nghệ thông tin (CNTT) đang trở thành một vũ khí lợi hại trong cuộc chạy đua giữa các ngân hàng và là nền tảng cho việc phát triển các dịch vụ NH hiện đại. Kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, số lượng các NH NH nước ngoài có mặt tại Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Với công nghệ hiện đại, các NH nước ngoài hiện nay đang lấn át các NH trong nước về số lượng và chất lượng các dịch vụ NH bán lẻ và NH dịch vụ quốc tế. Vì vậy, các NH trong nước trong những năm qua buộc phải chạy đua ứng dụng CNTT
để nâng cao số lượng và chất lượng dịch vụ, từ đó thu hút khách hàng và giữ vững thị phần trên chính thị trường nội địa. Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ viễn thông và số người sử dụng dịch vụ viễn thông tại Việt Nam tăng mạnh đã làm tăng nhu cầu đối với các dịch vụ NH hiện đại, tạo động lực cho việc ứng dụng CNTT của các NH Việt Nam. Ứng dụng CNTT đã cho phép các NH tại Việt Nam mở nhiều loại dịch vụ mới như Internet Banking, Home Banking, Telephone Banking và Mobile Banking… đồng thời tạo điều kiện cho các NH bước đầu mở rộng cấp dịch vụ qua biên giới theo Mode 1 - loại hình mà hiện nay Việt Nam vẫn thực hiện chưa nhiều. Phần dưới đây sẽ trình bày một số kết quả nổi bật về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực NH của Việt Nam.
Cuối năm 2010, Công ty Cổ phần Chuyển mạch Tài chính Quốc gia Việt Nam (Banknetvn) và Công ty cồ phần dịch vụ thẻ Smartlink (Smartlink), hai liên minh thẻ lớn nhất tại Việt Nam đã kết nối liên thông mạng ATM và POS cho các NH thuộc hai hệ thống theo chỉ đạo của NHNN. Hai liên minh thẻ lớn nhất này hiện đang hiếm trên 80% thị trường thẻ Việt Nam. Đồng thời Banknetvn và VNBC (CTCP Thẻ thông minh Vina) cũng đã kết nối liên thông hệ thống POS vào tháng 11/2010. Đây là một bằng chứng cho thấy các NHTM trong nước đang nỗ lực cải tiến hệ thống công nghệ của mình, nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán thẻ và giao dịch trực tuyến của khách hàng dưới sức ép cạnh tranh của các NH nước ngoài (Quách Thùy Linh, 2011).
Vào tháng 9/2011, Banknetvn chính thức ra mắt dịch vụ “Cổng thanh toán trực tuyến” mang thương hiệu Bn_debit. Đây là giải pháp hoàn chỉnh, cho phép các website bán hàng chấp nhận thanh toán tiền hàng hóa và dịch vụ trực tuyến bằng thẻ ngân hàng. Hiện tại, Cổng thanh toán trực tuyến Bn_debit đã triển khai thành công đối với thẻ ghi nợ nội địa của 2 ngân hàng: NHTM cổ phần Sài Gòn Công thương (Saigonbank) và NHTM cổ phần Nam Á (NamABank) (Hoàng Lân, 2011). Vào tháng 5/2012, có thêm GPBank kết nối vào Cổng thanh toán trực tuyến của Banknetvn. Chủ thẻ ghi nợ nội địa của các ngân hàng này có thể mua sắm hàng hoá, dịch vụ trên mạng lưới các Website mà Banknetvn đã thực hiện kết nối, bao gồm: baokim.vn, vatgia.com, cucre.vn, nhanh.vn, paygate.vtc.vn, ebank.vtc.vn, buyme.vn, icoin… Cổng thanh toán trực tuyến Bn_debit ra đời sẽ góp phần từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng và sử dụng tiền mặt của khách hàng sang sử dụng các công cụ thanh toán điện tử theo đúng chủ trương của Chính Phủ đã đề ra. Trong thời gian tới, Banknetvn sẽ tiếp tục mở rộng triển khai đối với các ngân hàng khác như: Vietinbank, BIDV, Sacombank, PGBank, Seabank…. Bên cạnh đó, Banknetvn
cũng tăng cường mở rộng mạng lưới các website bán hàng trực tuyến chấp nhận thẻ thanh toán để đa dạng hoá các kênh mua sắm cho chủ thẻ. Các nỗ lực này sẽ giúp đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT của các NH Việt Nam và thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng dịch vụ.
3.6.Đánh giá chung
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, tác động rõ ràng nhất là sự gia tăng của các NH liên doanh, NH 100% vốn nước ngoài, chi nhánh NH nước ngoài và văn phòng đại diện của các NH nước ngoài ở Việt Nam. Đứng trước sự gia tăng đó, nhiều người lo ngại rằng các NHTM trong nước sẽ bị cạnh tranh mạnh mẽ và khó thoát khỏi cảnh phá sản do sức ép từ năng lực tài chính cũng như quản lý còn quá thấp. Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình không diễn ra theo chiều hướng quá xấu như vậy. Các NH trong nước dưới sức ép cạnh tranh có phần trở nên năng động hơn. Phân tích ở các phần trên cho thấy các NHTM Việt Nam, đặc biệt là các NHTM cổ phần vẫn đạt được những tăng trưởng nhất định trong tổng tài sản, giữ vững thị phần trong các hoạt động huy động vốn và tín dụng. Thị phần của các NH nước ngoài kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO trong hoạt động huy động vốn và tín dụng chỉ ở mức ổn định (7-8% với thị trường huy động vốn; 10-11% với thị trường cho vay) chứ chưa thấy sự gia tăng mạnh và đột biến. Việc hội nhập quốc tế còn cho thấy thị trường dịch vụ NH Việt Nam chứng kiến sự phát triển đa dạng hơn của các loại hình dịch vụ, cụ thể: sự tăng trưởng khá cao của hoạt động huy động vốn, tín dụng; sự xuất hiện của các loại hình dịch vụ mới; sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng trực tuyến; sự phát triển bước đầu của dịch vụ NH quốc tế. Tuy nhiên, một số hình thức dịch vụ hiện đại vẫn phát triển ở mức độ bước đầu, nhiều dịch vụ hiện đại còn chưa phát triển ở Việt Nam. Các NH nước ngoài giữ vai trò tiên phong và lấn át các NH nội địa trong các dịch vụ NH hiện đại và nhiều loại dịch vụ NH bán lẻ. Việc gia nhập WTO cũng có tác động tích cực đến hiện đại hóa CNTT trong lĩnh vực NH, góp phần đáng kể vào sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của các dịch vụ NH ở Việt Nam. Gia nhập WTO còn tạo ra sức ép tăng quy mô vốn của các NHTM Việt Nam.
Một bức tranh về tác động của hội nhập WTO theo tiến trình thời gian cho thấy trong giai đoạn 2007 - 2011, việc thực hiện các cam kết WTO có tác động khá đan xem đến sự phát triển của hệ thống NH Việt Nam. Năm 2007, năm Việt Nam gia nhập WTO, bắt đầu thực hiện các cam kết, nền kinh tế nội địa tăng trưởng ổn định và năm 2010, khi
tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới có dấu hiệu phục hồi sau khủng khoảng tài chính, việc thực hiện các cam kết WTO góp phầm làm quy mô nguồn vốn, hoạt động tín dụng, hoạt động huy động vốn… có tốc độ tăng trưởng rất cao. Ngược lại, những năm 2008 - 2009, dưới sức ép của các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hoạt động của các NH tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn và chứng kiến sự giảm sút trong tốc độ tăng trưởng trong cả hoạt động vốn và hoạt động tín dụng. Năm 2011, việc thực hiện các biện pháp kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20% đã làm cho tốc độ tăng trưởng huy động vốn và tín dụng của Việt Nam giảm xuống mức thấp. Gia nhập WTO, mở cửa thị trường dịch vụ NH cũng đồng nghĩa với việc các rủi ro với thị trường tài chính trong nước cũng tăng lên. So với giai đoạn 2002 – 2006, tăng trưởng của hoạt động huy động vốn và tín dụng giai đoạn 200 - 2011 của hệ thống NH không ổn định bằng.
Như vậy, việc xem xét và đánh giá tác động của việc gia nhập WTO đến sự phát triển của các dịch vụ NH và hoạt động của hệ thống NH Việt Nam phải được đặt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới. Các phân tích ở trên cho thấy 5 năm sau khi gia nhập WTO, sức ép đối với lĩnh vực dịch vụ ngân hàng của Việt Nam Nam không chủ yếu do việc mở cửa thị trường khi thực hiện cam kết WTO, mà chủ yếu là do tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định đầu tư và phát triển của các NH nước ngoài, là một trong những nguyên nhân dẫn đến thị phần của các NH nước ngoài hầu như không thay đổi sau 5 năm gia nhập WTO. Tuy nhiên, những năm sắp tới, trong bối cảnh các hạn chế về tiếp cận thị trường với các NH nước ngoài đã được dỡ bỏ; nền kinh tế thế giới và Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các NH nước ngoài với lợi thế về công nghệ NH và khả năng quản trị có thể sẽ nhanh chóng gia tăng thị phần trong các hoạt động dịch vụ NH nếu các NH trong nước không có chiến lược phát triển phù hợp.