Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi cam kết với WTO về dịch

Một phần của tài liệu BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ ĐÁNH GIÁ NGÀNH DỊCH VỤ NGHIỆP CỦA VIỆT NAM SAU 5 NĂM GIA NHẬP WTO VÀ CÁC KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH (Trang 48)

WTO về dịch vụ

1.3.4.1. Về khía cạnh pháp lý

Trong quá trình cải cách khung pháp lý để phù hợp với cam kết WTO về dịch vụ, Việt Nam gặp khá nhiều các khó khăn và vướng mắc.

Thứ nhất: các khó khăn trong việc rà soát và sửa đổi chính sách. Tốc độ rà soát và ban hành, sửa đổi các văn bản của Việt Nam còn chậm, chưa bắt kịp với nhu cầu thực tiễn và sự phát triển nhanh chóng của các loại hình dịch vụ hiện đại. Bên cạnh đó, do hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam về các ngành dịch vụ còn nhiều điểm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là với cam kết GATS, ví dụ Pháp lệnh về MFN và đối xử quốc gia, Luật đầu tư, Luật Thương mại và Luật doanh nghiệp… Điều này làm cho việc rà soát khó khăn và tốn thời gian cũng như chi phí.

Thứ hai, các vấn đề liên quan đến chất lượng của khung pháp lý và quy định. Các văn bản đôi khi mâu thuẫn, chồng chéo nhau do chất lượng của việc rà soát văn bản chưa cao. Việc “nội hóa” các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế còn hạn chế. Trong quá trình ban hành luật, Việt Nam thường áp dụng công thức chung như:”trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác…”. Một số khái niệm chưa được “nội hóa” cặn kẽ, dẫn đến việc áp dụng chưa được như mong muốn trên thực tế.

Thứ ba: hiểu về nội hàm, nội dung của cam kết còn hạn chế. Việc hiểu và áp dụng đúng các cam kết WTO để từ đó đưa ra các văn bản chính sách điều chỉnh dịch vụ một cách phù hợp. Ví dụ, hiện nay, việc hiểu và áp dụng đúng cam kết của Việt Nam về tỷ lệ góp vốn đang có nhiều khó khăn. Có thể nói đây là một trong những cam kết phức tạp nhất của Việt Nam về TMDV. Theo cam kết này, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được nắm tối đa 30% vốn điều lệ của các doanh nghiệp cổ phần nhưng một năm sau khi gia nhập hạn chế 30% này sẽ được bãi bỏ. Nói cách khác, một năm sau khi gia nhập WTO, đối với khoảng 110 phân ngành dịch vụ mà Việt Nam đã cam kết, Việt Nam phải đưa ra một tỷ lệ mới. Cam kết này đã làm nảy sinh một số vấn đề kỹ thuật hết sức phức tạp như sau:

- Với những ngành dịch vụ không xuất hiện trong Biểu cam kết, tỷ lệ tham gia vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài sẽ ở mức nào? Có ý kiến đề nghị áp dụng theo Luật Doanh nghiệp nhưng việc này không đơn giản bởi nhà đầu tư nước ngoài không thể tham gia vốn vào các ngành in ấn, xuất bản, phân phối dược phẩm, phân phối xăng dầu ... như nhà đầu tư Việt Nam.

- Cam kết gia nhập WTO cho phép Việt Nam không mở cửa một số ngành như in ấn, phân phối dược phẩm, phân phối xăng dầu. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được mua tới 49% cổ phần của các công ty dược, in ấn và bán buôn, bán lẻ xăng dầu niêm yết trên sàn chứng khoán. Mâu thuẫn này, nếu chậm được xử lý, có thể ảnh hưởng tới một số quyền chính đáng mà Việt Nam lẽ ra được hưởng theo cam kết gia nhập WTO.

- Tỷ lệ tham gia vốn của nhà đầu tư nước ngoài được cam kết ở mức khác nhau cho các ngành khác nhau trong Biểu cam kết dịch vụ. Nếu một doanh nghiệp hoạt động đồng thời trong 3-4 ngành thì tỷ lệ tham gia vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp đó sẽ được xác định theo mức nào? Vấn đề này có thể gây khó khăn cho cả đầu tư trực tiếp, không riêng gì đầu tư gián tiếp.

1.3.4.2. Về quá trình thực hiện:

Quá trình thực hiện các văn bản chính sách và cam kết đã ban hành cũng nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất: tính minh bạch và trách nhiệm của cơ quan hành chính. Mặc dù Việt Nam đã công bố chức năng của từng Bộ ngành trong việc ban hành, điều chỉnh các chính sách liên quan đến thương mại dịch vụ nhưng vẫn còn có sự chồng chéo trong việc quản lý giữa các cơ quan chức năng.

Thứ hai: việc truyền tải chính sách thay đổi đến cộng đồng. Thông tin về pháp luật thường không kịp thời, chính xác. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật còn nặng về phong trào, hình thức, chưa chú trọng xây dựng một hệ thống tư vấn

pháp luật hiệu quả để giúp công dân, tổ chức và doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Thứ ba: Sự tuân thủ và thực thi chính sách. Do chế tài chưa có hoặc chưa đủ mạnh nên ý thức thực thi pháp luật của người dân và doanh nghiệp còn chưa cao, ảnh hưởng lớn đến việc thực thi các cam kết WTO. Mặt khác, do chất lượng khung pháp lý chưa cao, văn bản pháp lý chồng chéo nên cũng dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các cam kết về dịch vụ.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ ĐÁNH GIÁ NGÀNH DỊCH VỤ NGHIỆP CỦA VIỆT NAM SAU 5 NĂM GIA NHẬP WTO VÀ CÁC KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH (Trang 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)