Cạnh tranh trong ngành dịch vụ

Một phần của tài liệu BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ ĐÁNH GIÁ NGÀNH DỊCH VỤ NGHIỆP CỦA VIỆT NAM SAU 5 NĂM GIA NHẬP WTO VÀ CÁC KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH (Trang 79)

2. ĐÁNH GIÁ TỔNG THỂ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH DỊCH VỤ SAU KHI GIA

2.8.Cạnh tranh trong ngành dịch vụ

Có thể chia các ngành dịch vụ ra làm ba nhóm chịu các mức độ sức ép cạnh tranh từ bên ngoài khác nhau, gồm:

Nhóm các ngành dịch vụ chịu sức ép cạnh tranh thấp: như viễn thông, hàng không, vận tải đường sắt, v.v…do vẫn tồn tại các hình thức cung cấp độc quyền hoặc bán độc quyền chủ yếu do các doanh nghiệp nhà nước thực hiện.

Trong quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã có chủ trương thành lập thí điểm các tập đoàn kinh tế lớn và các tổng công ty đặc biệt trong một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, gồm cả một số lĩnh vực dịch vụ. Một số tập đoàn kinh tế và các tổng công ty lớn này đã tận dụng ưu thế quy mô để mở rộng kinh doanh sang những lĩnh vực không phải thế mạnh của mình như bất động sản, ngân hàng và chứng khoán, khiến cho khả năng chuyên môn hóa bị giảm sút và hiện đang nằm trong kế hoạch tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn.

Nhóm các ngành chịu sức ép cạnh tranh vừa phải, các doanh nghiệp trong nước có khả năng thích nghi và tiếp tục phát triển được như giáo dục đào tạo, du lịch, ngân hàng…

Trong các lĩnh vực này, các doanh nghiệp tư nhân, gồm cả các doanh nghiệp có vốn FDI, đã phát triển mạnh.26

Thí dụ, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, số lượng trường đại học ngoài công lập đã tăng từ 45 trường năm 2006 lên 82 trường năm 2011. Số lượng trường đại học ngoài công lập tăng, trong đó có cả những trường có yếu tố nước ngoài, đã khiến cho bức tranh tổng thể của hệ thống giáo dục đại học thay đổi, tạo nên sự đa dạng, phong phú của mạng lưới đại học, cao đẳng. Quy mô học sinh, sinh viên các trường ngoài công lập hiện chiếm gần 15% trong tổng số sinh viên toàn quốc. Mặc dù vậy, 5 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO và đã thực hiện cam kết mở cửa lĩnh vực giáo dục đại học, số lượng các trường đại học có yếu tố nước ngoài vẫn không có sự gia tăng đột biến như từng dự đoán. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là mức học phí cao. Trong khi đó, các trường đại học công lập vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh nhờ chất lượng đào tạo và mức học phí và đặc biệt là nhờ uy tín trong hệ thống giáo dục.

Trong lĩnh vực vận tải biển, mặc dù Việt Nam chưa cam kết mở cửa nhiều, cạnh tranh đã trở nên gay gắt hơn trên thị trường kể từ năm 2007. Nguyên nhân phần lớn là do năng lực của ngành dịch vụ vận tải biển của Việt Nam còn rất thấp và tình hình kinh tế suy thoái, trao đổi thương mại giảm sút trong thời gian gần đây khiến cho nhu cầu vận tải giảm mạnh.

Phần lớn doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam có quy mô nhỏ, ít kinh nghiệm và trang thiết bị nghèo nàn, có lợi nhuận thấp và chi phí sản xuất cao. Khả năng tìm kiếm các nguồn hàng hoá xuất nhập khẩu của đội tàu biển Việt Nam còn rất hạn chế và ngày càng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Thị phần trong nước của các công ty vận tải biển chỉ chiếm bình quân khoảng 20% tổng khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu, còn lại là của nước ngoài. Lượng hàng chuyên chở ra nước ngoài của đội tàu Việt Nam chủ yếu là từ các hợp đồng ký với các nhà vận tải biển nước ngoài; và các thị trường chủ yếu của đội tàu biển Việt Nam là các nước ở châu Á, chiếm bình quân khoảng 50-60% tổng xuất khẩu và 83-85% tổng nhập khẩu (Vũ Đại Thắng, 2010). Đặc biệt, cước phí vận chuyển của dịch vụ vận tải biển của Việt Nam khá cao. Việc tỷ giá hối đoái và giá xăng dầu biến động mạnh cũng là rủi ro lớn đối với hoạt động của các công ty vận tải biển. Các công ty vận tải biển Việt Nam nói chung vẫn chưa thực sự quan tâm tới các

26Đặc biệt, Việt Nam có khu vực kinh tế phi chính thức là nơi tập trung của rất nhiều các công ty siêu nhỏ hoặc các cá nhân cũng thực hiện cung ứng dịch vụ.

75

công cụ phòng chống rủi ro tỷ giá. Bên cạnh đó, các dịch vụ do các cảng biển của Việt Nam cung cấp chủ yếu là các dịch vụ truyền thống, như bốc dỡ, xếp hàng hoá, và dịch vụ kho bãi, trong khi xu hướng phát triển của các cảng biển trên thế giới là cung cấp các dịch vụ trọn gói, và hoặc trở thành các trung tâm cung cấp hậu cần.

Nhóm các ngành chịu sức ép cạnh tranh lớn, các doanh nghiệp trong nước có nguy cơ bị mất thị trường ngay trên sân nhà, gồm bảo hiểm, phân phối hiện đại…

Trong lĩnh vực bảo hiểm, cạnh tranh chủ yếu hiện nay chủ yếu là bằng các hạ phí kỹ thuật mà không quan tâm đến đối tượng bảo hiểm, mức độ rủi ro, hay dịch vụ chăm sóc khách hàng. Đây chính là điều phí lý và thiếu chuyên nghiệp trong cạnh tranh. Nguyên nhân sâu xa là chế độ khoán tiền lương và chi phí theo doanh thu không chú trọng đến bồi thường có thể xảy ra (tức lời cam kết của doanh nghiệp bảo hiểm đến khách hàng). Do đó dẫn đến sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các doanh nghiệp bảo hiểm và ngay cả các chi nhánh trong cùng một doanh nghiệp bảo hiểm. Vì thế, việc quan tâm cung cấp dịch vụ gia tăng bổ sung cho khách hàng cũng bị hạn chế. Ngoài ra, sự thiếu chuyên nghiệp còn thể hiện ở việc giải quyết bồi thường cho khách hàng còn nhiều vướng mắc; thủ tục, hồ sơ bồi thường còn rườm rà, chưa tinh gọn, đơn giản…

Trong lĩnh vực phân phối, cuộc đua kiểm soát kênh phân phối giữa các nhà phân phối trong và ngoài nước đã nổi lên, đặc biệt trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.

Các nhà phân phối trong nước đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất lớn từ những tập đoàn kinh doanh siêu thị nước ngoài là Metro Cash & Carry (Đức), Big C (Pháp), Parkson (tập đoàn Lion Group-Malaysia). Thí dụ, trong trường hợp của Metro, để tạo được lợi thế cạnh tranh về giá và khuyến mãi với các nhà phân phối nội địa, Metro đã buộc các nhà sản xuất phải có mức chiết khấu cao (từ 8% đến hơn 20%) cho họ. Metro có được lợi thế trên bàn đàm phán là vì họ là nhà kinh doanh bán lẻ lớn thứ tư thế giới với hơn 600 trung tâm ở 29 quốc gia. Những nhà sản xuất Việt Nam, đặc biệt là có vốn nước ngoài, nếu không làm theo điều kiện của Metro thì Metro sẽ gây áp lực với công ty mẹ ở nước ngoài. Đối với các nhà sản xuất nhỏ lẻ thì Metro buộc phải dán nhãn của Metro nếu muốn hàng vào trung tâm phân phối của họ.

Nhìn chung, những loại hình phân phối hiện đại là thế mạnh của các nhà phân phối nước ngoài. Tuy các nhà phân phối Việt Nam có nhiều động thái củng cố lại hệ thống của mình để chống lại áp lực cạnh tranh từ các nhà phân phối nước ngoài, nhưng đây có thể là

một cuộc đua không cân sức vì các tập đoàn phân phối nước ngoài đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm kinh doanh trên thị trường các nước đang phát triển, nguồn vốn rất lớn; họ lại tiến hành các hoạt động nghiên cứu thị trường, tổ chức kinh doanh, thậm chí vận động hành lang rất bài bản và đưa ra giá bán buôn thấp hơn nhiều so với các nhà bán buôn trong nước, các dịch vụ bán hàng thuận tiện và các chương trình khuyến mại hấp dẫn. Với vốn đầu tư lớn, mặt bằng kinh doanh rộng, hệ thống quản lý bán hàng, lưu kho, vận chuyển có tính ưu việt, các khâu logistics được thực hiện với độ chuyên nghiệp cao hơn hẳn các doanh nghiệp trong nước; các tập đoàn phân phối nước ngoài sẽ dần khống chế hệ thống phân phối nội địa.

Sự phụ thuộc vào các tập đoàn phân phối nước ngoài cũng có thể có ảnh hưởng tiêu cực vì nó đe dọa cuộc sống của người sản xuất và các hộ buôn bán nhỏ. Các siêu thị thường đưa ra các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và chất lượng rất cao đối với người nông dân, nếu đáp ứng thì họ sẽ mua với khối lượng khổng lồ. Để đáp ứng được yêu cầu rất cao của các siêu thị, người nông dân phải đầu tư máy móc thiết bị, giống, phương pháp canh tác dựa trên vốn vay ngân hàng nên sẽ gặp rủi ro cao nếu các nhà phân phối nước ngoài không mua hàng.

Đối với hàng gia dụng và trang trí là mặt hàng có thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam, các tập đoàn phân phối nước ngoài thường áp dụng mức giá cao trong các đơn đặt hàng các sản phẩm gia công đồng thời cũng đặt ra các quy định ngặt nghèo về thời hạn giao hàng, sử dụng lao động, nguồn nguyên vật liệu, đổi mới công nghệ. Có đối tác lo đầu ra, các doanh nghiệp nhỏ có lợi ích là chỉ phải tập trung sản xuất, không phải lo các khâu bao bì, thiết kế, makerting, xây dựng hệ thống phân phối và tạo dựng thương hiệu. Tuy nhiên, rủi ro sẽ là phía nước ngoài áp đặt giảm giá đặt hàng khiến cho các nhà sản xuất trong nước dễ bị lỗ.

Nhìn chung, ngành dịch vụ trong nước chịu sức ép cạnh tranh mạnh hơn kể từ sau khi gia nhập WTO, song đây là sức ép tích cực, có tác dụng thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của xã hội.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ ĐÁNH GIÁ NGÀNH DỊCH VỤ NGHIỆP CỦA VIỆT NAM SAU 5 NĂM GIA NHẬP WTO VÀ CÁC KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH (Trang 79)