Công nghệ, chất lượng và số lượng của ngành dịch vụ

Một phần của tài liệu BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ ĐÁNH GIÁ NGÀNH DỊCH VỤ NGHIỆP CỦA VIỆT NAM SAU 5 NĂM GIA NHẬP WTO VÀ CÁC KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH (Trang 63)

2. ĐÁNH GIÁ TỔNG THỂ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH DỊCH VỤ SAU KHI GIA

2.3. Công nghệ, chất lượng và số lượng của ngành dịch vụ

So với giai đoạn trước khi gia nhập WTO, sau 5 năm gia nhập WTO, công nghệ của các ngành dịch vụ của Việt Nam đã có chuyển biến rõ rệt, vượt hẳn so với thời gian trước, tuy nhiều mặt còn chưa bắt kịp với trình độ chung của thế giới. Do trình độ công nghệ và mức độ hiện đại hóa được nâng cao, số lượng và chất lượng của dịch vụ đã gia tăng trong giai đoạn 5 năm sau khi gia nhập WTO đối với tất cả các ngành như thương mại, khách sạn/nhà hàng, tài chính/tín dụng, vận tải/bưu điện/du lịch, quản lý nhà nước v.v...

Trong số các ngành dịch vụ, công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông phát triển ấn tượng nhất. Ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đã được chính phủ ưu tiên phát triển nhằm tạo lập cơ sở hạ tầng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và hiện đại hóa nền kinh tế.

Ngành công nghệ thông tin của Việt Nam đã đủ tiềm lực và trình độ để tham gia được vào các khâu trong chuỗi hoạt động thuê ngoài. Công nghệ truyền thông đại chúng số hoá cũng được chú trọng phát triển, trở thành một hướng ưu tiên. Việt Nam cũng đã phóng thành công hai vệ tinh viễn thông địa tĩnh VINASAT 1 (năm 2008) và VINASAT 2 (năm 2012), giúp cung cấp dịch vụ đường truyền vệ tinh, mở rộng vùng phủ sóng, nhằm phát triển các dịch vụ ứng dụng như dịch vụ thoại, truyền hình, thông tin di động, truyền số liệu, internet, các dịch vụ đào tạo và y tế từ xa, truyền tin cho ngư dân trên biển, dự báo thời tiết, đảm bảo an ninh quốc phòng…mà các phương thức truyền dẫn khác khó thực hiện được.

Cơ sở hạ tầng ICT phát triển đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hiện đại hóa các ngành dịch vụ khác.

Trong lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng trực tuyến và dịch vụ thẻ với những tiện ích vượt trội đã phát triển mạnh trong vòng 5 năm trở lại đây. Dịch vụ ngân hàng trực tuyến là tiền đề cho sự phát triển của các dịch vụ thanh toán hiện đại trên thị trường Việt Nam. Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ cũng được các ngân hàng thương mại phát triển với nhiều chủng loại đa dạng và tiên tiến. Nhiều tiện ích của sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ đã được khai thác áp dụng phổ biến cho toàn bộ các sản phẩm chuyển tiền, tiền gửi, tiền vay, đầu tư dài hạn vào giấy tờ có giá, các nghiệp

vụ giao dịch ngoại hối như: Hợp đồng giao ngay (Spot), Hợp đồng tương lai (Forward), Hợp đồng hoán đổi (Swap),...

Hiện nay, một bộ phận người dân có xu hướng đến các siêu thị lớn để mua hàng với cơ sở hạ tầng hiện đại, hàng hóa đa dạng, chất lượng tốt, giá cả ổn định và có nhiều hình thức khuyến mãi. Số lượng các điểm phân phối mới như siêu thị, trung tâm thương mại đã gia tăng mạnh mẽ trên toàn quốc. Tuy nhiên, hình thức phân phối nhỏ lẻ vẫn tồn tại phổ biến do tập quán tiêu dùng của người Việt Nam và các điểm bán thường nằm sát khu vực có nhiều dân cư sinh sống nên dễ dàng bán hàng trực tiếp cho các hộ.

Các phương thức phân phối qua mạng, thương mại điện tử cũng bùng nổ mạnh và thu hút được sự quan tâm vì những tiện ích đáng kể của nó. Ở Việt Nam đang hình thành một làn sóng phân phối trực tuyến vừa chính thức vừa phi chính thức nhưng rất mạnh mẽ, có nhiều trang web tiếng Việt khác nhau thực hiện các giao dịch trên mạng.

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, việc ứng dụng CNTT đã tương đối phổ biến trong hệ thống các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tại các địa phương, trong quốc phòng và an ninh. Số lượng các tờ báo điện tử và trang tin điện tử các loại cùng với việc truyền tín hiệu truyền hình số qua Internet đã góp phần đáng kể vào công tác thông tin, tuyên truyền và đối ngoại. Các trang tin điện tử của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các bộ ban ngành địa phương được cập nhật thông tin thường xuyên, chiếm được sự quan tâm của cả trong và ngoài nước.

Công nghệ trong ngành du lịch cũng được cải thiện. Phương tiện vận chuyển du lịch dần được hiện đại hóa. Một số khu du lịch phức hợp, sân golf, công viên chủ đề và cơ sở vui chơi giải trí kết hợp với mua sắm đã được đưa vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu của du khách. Không chỉ có các khách sạn lớn mà nhiều khách sạn nhỏ đã ứng dụng công nghệ trong việc đặt phòng và thanh toán. Rất nhiều khách sạn hiện nay của Việt Nam tại các thành phố lớn đã có đủ điều kiện phục vụ được các hội nghị quốc tế lớn.

Chất lượng dịch vụ y tế và giáo dục được nâng cao do sức ép cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ cả trong và ngoài nước. Việc xuất hiện các cơ sở giáo dục ngoài công lập tại ngay cả ở các địa phương khó khăn như Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên làm giảm sự mất cân đối về mật độ các trường ở các vùng miền; tăng cơ hội học tập cho học sinh, đặc biệt là các em gia đình nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...

Mặc dù có những thay đổi kể trên, 5 năm sau khi gia nhập WTO, khoảng cách công nghệ của nhiều ngành dịch vụ của Việt Nam với thế giới vẫn chưa được thu hẹp đáng kể, ngay cả trong những ngành dịch vụ phát triển bùng nổ. Trong lĩnh vực ngân hàng, các ngân hàng Việt Nam chủ yếu cung cấp các dịch vụ ngân hàng truyền thống, chủ yếu là các dịch vụ tín dụng. Mức độ tiếp thu công nghệ của hệ thống ngân hàng Việt Nam còn thấp và nguồn nhân lực hiện nay cũng không hiệu quả và kém kỹ năng, trong đó có các kỹ năng quản lý, giám sát và điều tiết trong hệ thống ngân hàng, các kỹ năng phân tích, đánh giá các điều kiện tài chính và dự báo các xu hướng phát triển.

Trong lĩnh vực du lịch và khách sạn, năng lực của các công ty du lịch của Việt Nam còn thấp. Tuy số lượng các khách sạn và các cơ sở lưu trú đã tăng lên rất nhiều, phần lớn các khách sạn/cơ sở lưu trú đều nhỏ và cạnh tranh với nhau nhiều hơn là hợp tác để trở thành các "nhóm" hay tập đoàn có khả năng tạo danh tiếng và các tiêu chuẩn dịch vụ chất lượng cao. Nhiều khách sạn thuộc sở hữu nhà nước được xây dựng từ lâu và không được duy trì, bảo dưỡng tốt. Hơn nữa, phần lớn các cơ sở lưu trú này lại tập trung ở các thành phố lớn và khu đô thị, trong khi nhiều vùng thắng cảnh đẹp thì chỉ có số ít cơ sở lưu trú với chất lượng thấp. Việt Nam vẫn chưa có được các khu du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế (như Sentosa ở Xingapo, Bali ở Inđônêxia hay Pattaya ở Thái Lan). Các sản phẩm du lịch của Việt Nam chưa được đa dạng hoá và phát triển tốt theo đẳng cấp quốc tế. Ở nhiều nơi, môi trường du lịch đã xuống cấp do không được duy trì và bảo dưỡng, và ô nhiễm.

Trong những ngành dịch vụ có tốc độ phát triển chậm thì trình độ công nghệ so với thế giới và khu vực còn lạc hậu hơn nữa.

Trong lĩnh vực vận tải biển, tính đến năm 2011, Việt Nam đã có 266 cảng biển, hầu hết quy mô nhỏ, trong đó chỉ có một cảng nước sâu vừa mới được đưa vào sử dụng là Tân Cảng Cái Mép ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.24 Phần lớn các cảng biển không được nạo vét và bảo dưỡng thường xuyên do thiếu kinh phí và không có các thiết bị an toàn để tiếp nhận tàu công-te-nơ lớn. Kết quả là phần lớn tàu công-te-nơ xuất nhập khẩu đều phải quá cảnh tại các cảng biển của Hồng Kông và Xingapo. Hạ tầng cơ sở, thiết bị và công nghệ của các cảng biển của Việt Nam khá lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế

24 Cảng nước sâu này cho phép các doanh nghiệp Việt Nam vận chuyển hàng hóa trực tiếp sang Mỹ và châu Âu, cắt giảm 7-10 ngày hành trình.

60

giới, thiếu các phương tiện bốc dỡ và xếp hàng hoá và thiếu sự gắn kết với các dịch vụ vận tải nối liền với các cảng biển. Năng lực bốc dỡ và chất hàng hoá hạn chế còn nghèo nàn, hiệu quả thấp và mất nhiều thời gian đã ảnh hưởng xấu đến hiệu quả của các kho chứa hàng, làm tăng chi phí của các công ty vận tải biển và giảm khả năng cạnh tranh của các cảng Việt Nam.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, mặc dù nhiều cơ sở đào tạo của Việt Nam đã thực hiện liên danh, liên kết với nước ngoài song trình độ công nghệ giáo dục đào tạo còn rất thấp thể hiện qua hệ thống cơ sở hạ tầng giáo dục còn nghèo nàn, lạc hậu như thư viện điện tử, các phòng thí nghiệm, hệ thống quản lý giáo dục còn theo lối hành chính tập trung truyền thống và khả năng kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu còn chưa hiệu quả v.v…

Một phần của tài liệu BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ ĐÁNH GIÁ NGÀNH DỊCH VỤ NGHIỆP CỦA VIỆT NAM SAU 5 NĂM GIA NHẬP WTO VÀ CÁC KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)