Triển khai kế hoạch thiết lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA)

Một phần của tài liệu Quan hệ ASEAN - Trung Quốc từ 1997 đến nay tình hình và triển vọng (Trang 57)

Quốc (ACFTA)

Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai bên, ngay từ Hội nghị cấp cao ASEAN- Trung Quốc lần thứ tư tổ chức vào cuối năm 2000 tại Singapore, Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ đã đề nghị nghiên cứu về những tác động có thể của việc Trung Quốc gia nhập WTO đối với ASEAN và đề xuất sáng kiến thành lập một khu mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc. Sáng kiến trên đã nhận được phản ứng tích cực từ phía các nước ASEAN.

Để có căn cứ khoa học cho việc hiện thực hóa ý tưởng trên, hai bên đã quyết định thành lập một nhóm chuyên gia kinh tế ASEAN-Trung Quốc. Các kết quả nghiên cứu của nhóm đã được phản ánh trong báo cáo nhan đề: “Tạo lập các quan hệ kinh tế ASEAN-Trung Quốc chặt chẽ hơn” trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ năm họp tháng 10 năm 2001. Trên cơ sở phân tích thực trạng quan hệ kinh tế, mậu dịch và đầu tư giữa ASEAN và Trung Quốc, nhóm chuyên gia đã khuyến nghị các nhà lãnh đạo hai bên thiết lập khu mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc. Theo tình toán của nhóm chuyên gia, khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ tạo ra một khu vực kinh tế với 1,7 tỷ người tiêu dùng. Tổng thu nhập nội địa của khu vực sẽ vào khoảng 2000 tỷ USD và tổng buôn bán giữa các nước tham gia vào khu vực mậu dịch này sẽ vào khoảng 1230 tỷ USD. Đây sẽ là khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới xét về tầm cỡ dân số. Nó cũng sẽ là một FTA lớn nhất do các nước đang phát triển tạo nên xét về dân số, GDP và mậu dịch [105, tr.8].

Nguyên nhân dẫn tới việc thiết lập “Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc" trước hết là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Đông Nam Á (1997). Đây là nhân tố chủ yếu thúc đẩy ASEAN và Trung Quốc đi tới hợp tác. Cuộc khủng hoảng tài chính này một mặt gây ra các hậu quả kinh tế đối với các nước xảy ra khủng hoảng, mặt khác lại khiến các nước Đông Á nhận thức được rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hoá, lợi ích giữa các đối tác cạnh tranh ngày càng gắn kết với nhau chặt chẽ hơn, bất kể mọi nỗ lực theo đuổi lợi ích đơn phương sẽ đều là hành vi làm tổn hại lợi ích của đối tác và không có lợi cho mình. Thế giới tương lai đòi hỏi các nước theo đuổi cục diện cùng thắng nhiều hơn, chứ không còn là “một mất một còn”. Vì vậy, đi tới hợp tác là sự lựa chọn tất yếu của ASEAN và Trung Quốc.

Thứ hai là, những thách thức và sức ép do việc thực hiện và xu thế phát triển của nhất thể hoá kinh tế khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), đã thúc giục các nhà lãnh đạo Đông Á tính đến việc thiết lập “Khu vực mậu dịch tự do”. Tuy nhiên, việc thiết lập một khu vực mậu tự do với phạm

vi gồm cả khu vực Đông Á vấp phải những thách thức do sự ràng buộc của các yếu tố phức tạp như chính trị, tính khác biệt kinh tế của khu vực Đông Á, lợi ích của các bên khó có thể điều hòa ngay được. Lực cản trong khởi động tự do hóa đầu tư và mậu dịch của cả khu vực Đông Á là quá lớn nên trong tương lai gần việc thiết lập được Khu vực mậu dịch tự do Đông Á rất ít có khả năng xảy ra. Chính vì vậy, cơ chế “10+1” (ASEAN+Trung Quốc, ASEAN+Nhật Bản và ASEAN+Hàn Quốc) và cơ chế “10+3” (ASEAN+ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) là các cơ chế độc đáo tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà lãnh đạo Đông Á thảo luận và hợp tác trên các mặt mậu dịch, đầu tư, tiền tệ và tài chính. Đồng thời, một số hiệp định tự do mậu dịch song phương cũng bắt đầu nhen nhóm và đi vào đàm phán, như đàm phán mậu dịch tự do giữa Nhật Bản với Singapore, giữa Hàn Quốc với Singapore, giữa Singapore và Mỹ. Trong đó, tự do mậu dịch song phương và cơ chế “10+1” có được những bước đột phá khá dễ dàng. Vì thế khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc được sinh ra theo trào lưu này.

Thứ ba là, thiết lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc có thể giảm bớt sự phụ thuộc thái quá vào thị trường khác trên thế giới (đặc biệt là thị trường Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản, nâng cao năng lực ngăn chặn các rủi ro kinh tế của toàn khu vực. Trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính châu Á, cả ASEAN và Trung Quốc đều thực hiện phát triển kinh tế theo loại hình hướng ngoại theo tư tưởng của chủ nghĩa trọng thương với mục tiêu thị trường chủ yếu là Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản. Vì thế, sự phụ thuộc đối với thị trường bên ngoài là rất lớn. Do vậy, khi Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc được thiết lập sẽ góp phần giảm được sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, khả năng chống chịu với các nguy cơ và ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế từ bên ngoài sẽ được tăng cường mạnh mẽ.

Thứ tư, một khi thiết lập được Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc sẽ thu hút một lượng lớn các chủ đầu tư nước ngoài đến khu vực tiến hành đầu tư. Đồng thời, dòng vốn đầu tư trong khu vực sẽ gia tăng nhiều. Không chỉ các công ty Trung Quốc và ASEAN sẵn sàng đầu tư vào thị trường hội nhập của khu vực mà các công ty

của Mỹ, EU, Nhật Bản vốn đang có sự quan tâm tới việc thâm nhập thị trường châu Á, sẽ bị thu hút để đầu tư vào thị trường hội nhập này. Sự hội nhập của ASEAN với Trung Quốc sẽ có thể lôi kéo nhiều tập đoàn nước ngoài hơn mà mỗi thị trường riêng không thể thu hút được. Ngoài ra, với việc xoá bỏ các hàng rào thuế quan, với một thị trường rộng lớn hơn, sự cạnh tranh và đầu tư tăng lên, sẽ thúc đẩy sự chuyên môn hoá, góp phần làm tăng năng suất. Các công ty sẽ đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu, triển khai, do vậy sẽ thúc đẩy đổi mới công nghệ. Bên cạnh sự cạnh tranh tăng lên giữa các công ty ASEAN và Trung Quốc, giữa họ còn có thể thiết lập các liên minh chiến lược trong một số lĩnh vực kinh doanh nhất định.

Về phương diện chính trị, việc xây dựng khu vực mậu dịch tự do ASEAN và Trung Quốc sẽ tạo ý thức cộng đồng giữa ASEAN và Trung Quốc, đóng góp vào hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. ACFTA sẽ cung cấp thêm một cơ chế quan trọng để duy trì sự ổn định kinh tế ở Đông Á và tạo cơ sở cho sự tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế.

Việc thành lập ACFTA và phát triển các cơ chế phù hợp để triển khai sự hợp tác, ASEAN và Trung Quốc sẽ có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề mậu dịch kinh tế có chung lợi ích.

Tuy nhiên, ACFTA cũng đặt ra những thách thức nhất định. Thứ nhất là, sự cạnh tranh sẽ tăng lên trong thị trường nội địa của mỗi khu vực do sự tương tự trong cơ cấu nông nghiệp. Thứ hai là, môi trường tự do hoá nhiều hơn trong FTA sẽ đòi hỏi những phí tổn dưới hình thức sa thải người lao động và hợp lý hoá một số ngành công nghiệp và công ty. Thứ ba là, việc xóa bỏ các hàng rào thuế quan có thể giảm bớt nguồn thu từ thuế của một số nước.

Khuyến nghị của Nhóm chuyên gia kinh tế ASEAN-Trung Quốc đã được các nhà lãnh đạo hai bên chấp nhận. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 5 tổ chức ở Camphuchia ngày 4/11/2002, hai bên đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN-Trung Quốc. Mục đích của Hiệp định này là:

a- Tăng cường và nâng cao hợp tác kinh tế, mậu dịch và đầu tư giữa các bên.

b- Tự do hoá dần dần và thúc đẩy mậu dịch trong hàng hoá và dịch vụ cũng như là tạo ra định chế đầu tư thuận lợi, tự do và minh bạch.

c- Thăm dò các lĩnh vực mới và triển khai các biện pháp thích hợp cho sự hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa các bên.

d- Tạo thuận lợi cho sự hội nhập hiệu quả hơn của các nhà nước thành viên mới của ASEAN và giảm bớt khoảng cách phát triển giữa các bên.

Để đạt được Hiệp định khung, ASEAN và Trung Quốc đã thoả thuận khẩn trương thương lượng để thiết lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc trong vòng 10 năm và tăng cường và nâng cao hợp tác kinh tế.

Thiết lập “Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc là một tiến trình phát triển, tự do hoá trong các lĩnh vực sẽ từng bước được khởi động. “Chương trình thu hoạch sớm” chính là kiến nghị phù hợp nhất với tình trạng này. “Chương trình thu hoạch sớm” là kế hoạch hai bên thực hiện tự do hóa trước một số lĩnh vực dễ đạt được sự nhất trí. Nội dung của nó bao gồm 8 nhóm loại sản phẩm: gia súc sống, thịt và phủ tạng gia súc, cá, các sản phẩm sữa, các sản phẩm gia súc khác, cây trồng tươi sống, rau ăn, các loại quả và hạt ăn được. Tất cả các mặt hàng trên đều là các sản phẩm nông nghiệp với thành phần bao gồm trên 500 loại mặt hàng. Chương trình thu hoạch sớm sẽ được thực hiện không chậm hơn 1/1/2004 và kết thúc không chậm hơn ngày 1/1/2006 đối với ASEAN 6 và Trung Quốc và không chậm hơn 1/1/2020 đối với các nước thành viên mới của ASEAN. Các sản phẩm không thuộc diện của Chương trình thu hoạch sớm sẽ được đưa vào hai chương trình: Chương trình bình thường và chương trình nhạy cảm.

Ngoài việc xây dựng khu vực mậu dịch tự do, trong Hiệp định khung, ASEAN và Trung Quốc còn quyết tâm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư và phát triển Hạ lưu sông Mê Công.

Trong Hiệp định khung, Trung Quốc cam kết dành cho các nước ASEAN chưa phải là thành viên của WTO sự đối xử Tối huệ quốc ngay khi ký Hiệp đinh khung trên.

Cùng với việc thực hiện Hiệp định khung và các hoạt động triển khai ACFTA đã góp phần gia tăng đầu tư thương mại song phương ASEAN-Trung Quốc. Theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, về đầu tư song phương, tính đến cuối năm 2005, các nước ASEAN đã đầu tư vào Trung Quốc gần 30.000 dự án, đầu tư thực tế 38,5 tỷ USD. Trong khi đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc coi các nước ASEAN là điểm đến đầu tư quan trọng của họ. Trong năm 2006, ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán “Hiệp định đầu tư”, tạo điều kiện thu hút đầu tư trong và ngoài khu vực. Đặc biệt là Trung Quốc gia tăng đầu tư vào khu vực Đông Nam Á. Chính phủ Trung Quốc giành khoản vay tín dụng ưu đãi 5 tỷ USD để hỗ trợ các công ty Trung Quốc đầu tư vào các nước ASEAN, tập trung vào các dự án giao thông và năng lượng.

Như vậy, việc ký kết Hiệp định khung hợp tác kinh tế toàn diện mà nội dung chủ yếu của nó là xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc đã đặt cơ sở cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế hai bên và là một đóng góp vào tiến trình hội nhập kinh tế khu vực Đông Á mà ACFTA được xem là một thể nghiệm đầu tiên về liên kết kinh tế khu vực Đông Á.

Một phần của tài liệu Quan hệ ASEAN - Trung Quốc từ 1997 đến nay tình hình và triển vọng (Trang 57)