Trên lĩnh vực chính trị

Một phần của tài liệu Quan hệ ASEAN - Trung Quốc từ 1997 đến nay tình hình và triển vọng (Trang 26 - 30)

Quan hệ ngoại giao được tăng cường với các chuyến viếng thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và ASEAN. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 1993, các nhà lãnh đạo ASEAN như tổng thống Philippines Phidel Ramos, tổng thống Thái Lan Chuan Leekpai, tổng thống Malaysia Mahathir Mohamed cùng với các đoàn đại biểu cao cấp và các nhà doanh nghiệp đã lần lượt sang thăm Trung Quốc để khai thông quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên. Phía Trung Quốc đã gọi năm 1993 là “năm quan hệ ngoại giao với ASEAN”, phát động chiến dịch ngoại giao “láng giềng tốt” với Đông Nam Á, và đó cũng là cơ sở để Trung Quốc tăng cường các mối quan hệ ngoại giao tiếp sau đó. Năm 1994, chủ tịch Hội nghị hiệp thương Trung Quốc Lý Thụy Hoàn đã đi thăm 5 nước Đông Nam Á. Cuối năm này, chủ tịch Giang Trạch Dân đã sang thăm các nước Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Singapore. Ngoài ra, cùng với các thành viên ASEAN và các nước đối thoại khác, Trung Quốc đã tham gia vào Diễn đàn khu vực ASEAN (1994) và tiến trình ASEM với tư cách là thành viên sáng lập của diễn đàn này.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 26 họp ở Singapore tháng 8 năm 1993, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tiền Kỳ Tham khẳng định rằng Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với ASEAN. Sau đó, trong hội nghị tham vấn ASEAN - Trung Quốc họp tại Bangkok (Thái Lan) tháng 7/1994, hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề khu vực và thế giới cùng quan tâm. Trung Quốc tuyên bố

ủng hộ ý tưởng thành lập Nhóm kinh tế Đông Á của ASEAN1

. Đối với ARF, Trung Quốc ủng hộ việc thành lập Diễn đàn này, nhưng nhấn mạnh “Thảo luận về hợp tác an ninh khu vực cần cân nhắc đầy đủ tới tình hình hiện tại trong khu vực. Chúng tôi không ủng hộ việc sao chép các kinh nghiệm và các biện pháp ở các khu vực khác như Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), ra đời vào thời điểm đối đầu quân sự trên phạm vi lớn giữa hai khối quân sự”[110, tr.2]. Thông qua các chuyến viếng thăm lẫn nhau, với việc trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm, ASEAN và Trung Quốc đã có cơ hội hiểu biết sâu hơn về lập trường và quan điểm của nhau về các vấn đề khu vực và quốc tế, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin giữa hai bên, tạo cơ sở thúc đẩy sự phát triển quan hệ trên nhiều lĩnh vực.

Sự kiện nổi bật và có ý nghĩa mở ra cục diện mới cho mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc là tại hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 3 tổ chức tại Jakarta vào tháng 7/1996, ASEAN đã chính thức công nhận Trung Quốc là đối tác đối thoại thứ 9 của ASEAN (Trung Quốc đã là đối tác tham khảo của ASEAN vào năm 1993). Việc công nhận này đã tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách nhích dần tới ASEAN của Trung Quốc, vì đó là lần đầu tiên Trung Quốc có cuộc gặp gỡ với các nước ASEAN trên cương vị là một thành viên đối thoại đầy đủ. Kể từ đó, hai bên bắt đầu có sự phát triển hợp tác trên nhiều mặt trong đó có hợp tác thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật, đối thoại chính trị. Cả hai bên đều tích cực tìm ra những phương hướng mới để thúc đẩy đối thoại chính trị và an ninh nhằm đạt đến mục đích hợp tác cùng có lợi.

Sự kiện lớn thứ hai đánh dấu bước đi cụ thể trong hợp tác ASEAN - Trung Quốc là sự thành lập Uỷ ban hợp tác chung ASEAN - Trung Quốc diễn ra từ ngày 26 đến ngày 28/2/1997 tại Điếu Ngư Đài (Bắc Kinh - Trung Quốc). Tại hội nghị thành lập, các bên đã thảo luận sâu về nhiều vấn đề theo tinh thần cùng hiểu biết lẫn nhau giữa ASEAN - Trung Quốc và tinh thần hợp tác Nam – Nam. Hai bên đã nhất trí cho

1

Theo hình dung của ASEAN, Nhóm kinh tế Đông Á sẽ bao gồm các thành viên ASEAN và 3 nước Đông Á bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

rằng quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN nói chung cũng như quan hệ giữa Trung Quốc với từng thành viên ASEAN nói riêng đã đạt được những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, quan hệ chính trị giữa ASEAN và Trung Quốc không phải không có trở ngại nhất định, đó là sự khác biệt hệ tư tưởng, sự tiềm ẩn về xung đột ở biển Đông và lợi ích chung của mỗi bên về tiềm năng khai thác biển. Những trở ngại này có thể khắc phục được trên cơ sở xác lập những nguyên tắc hợp tác và cơ chế đối ngoại.

Vì vậy, vấn đề cơ chế hợp tác ASEAN - Trung Quốc cũng được đưa ra thảo luận và thoả thuận rằng 5 cơ chế sau sẽ tạo thành cấu trúc tổng thể của đối ngoại giữa hai bên:

1) Các cuộc tham khảo chính trị cấp cao của các quan chức ASEAN - Trung Quốc. 2) Uỷ ban hợp tác chung ASEAN - Trung Quốc.

3) Uỷ ban chung về hợp tác kinh tế và mậu dịch ASEAN - Trung Quốc. 4) Uỷ ban chung về hợp tác khoa học và công nghệ ASEAN - Trung Quốc. 5) Uỷ ban ASEAN ở Bắc Kinh.

Uỷ ban hợp tác chung ASEAN - Trung Quốc (ACJCC) sẽ hoạt động như điều phối viên của tất cả các cơ chế hợp tác ASEAN - Trung Quốc. ACJCC sẽ giám sát Uỷ ban quản lý chung của Quỹ hợp tác ASEAN - Trung Quốc, sẽ hợp tác chặt chẽ với Hội đồng kinh doanh ASEAN - Trung Quốc (ACBC) và sẽ xem xét, phê chuẩn những dự án do Quỹ đó tài trợ.

Sau khi thoả thuận về các cơ chế hợp tác ASEAN – Trung Quốc, Hội nghị đã đồng ý về nguyên tắc 3 dự án, bao gồm: trao đổi nhân sự ASEAN – Trung Quốc, hội thảo về hợp tác kinh tế và mậu dịch ASEAN – Trung Quốc, trao đổi thông tin ASEAN – Trung Quốc. Tại hội nghị, các bên cũng đã thảo luận và thông qua phạm vi liên quan đến thẩm quyền của Uỷ ban hợp tác chung ASEAN – Trung Quốc và các nguyên tắc thủ tục của Uỷ ban quản lý chung của Quỹ hợp tác ASEAN – Trung Quốc.

Cuộc gặp gỡ giữa những người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước ASEAN và chủ tịch nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Trung Hoa tại Kuala Lampur

(Malaysia) ngày 16/12/1997 đã ra Tuyên bố chung về hợp tác ASEAN – Trung Quốc hướng tới thế kỷ XXI. Các nhà lãnh đạo đã bày tỏ sự hài lòng về mối quan hệ đang phát triển nhanh chóng giữa ASEAN và Trung Quốc. Các bên nhất trí rằng việc củng cố các quan hệ này nhằm phục vụ cho những lợi ích cơ bản của mỗi dân tộc cũng như hoà bình, ổn định và sự thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Về hợp tác an ninh khu vực, trong giai đoạn từ 1993-1997, mục tiêu của cả Trung Quốc lẫn các nước ASEAN đều là cố gắng duy trì và giữ gìn môi trường hoà bình và ổn định trong khu vực để có thể tập trung phát triển kinh tế. Tuy nhiên, giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN, những mâu thuẫn và xung đột tiềm ẩn, sự tranh chấp về lãnh thổ trên biên giới đất liền và vùng biển, hải đảo vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Vậy giải quyết các vấn đề đó như thế nào để không xảy ra xung đột bạo lực là nhiệm vụ của tất cả các quốc gia có chủ quyền liên quan tới khu vực này.

Trong những năm từ 1993 đến 1997, các bên đều bày tỏ nguyện vọng thông qua thương lượng hoà bình để giải quyết vấn đề, không để vấn đề tranh chấp đó gây cản trở đến quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Các đoàn đại biểu cấp cao của chính phủ các nước ASEAN và chính phủ Trung Quốc đã có các cuộc gặp gỡ và trao đổi. Trong đó, có bàn thảo các vấn đề về cách thức tham khảo hợp tác ở trên biển Đông, về việc khai thác các nguồn lợi hải sản, bảo vệ môi trường biển và các biện pháp xây dựng lòng tin. Lần đầu tiên, vấn đề biển Đông được đem ra thảo luận đa biên trong Hội nghị đối thoại chính trị quan chức cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ ba được tổ chức tại tỉnh An Huy – Trung Quốc (17-18/4/1997). Vấn đề tranh chấp chủ quyền vùng biển và hải đảo ở biển Đông được coi là vấn đề nhạy cảm và phức tạp nhưng trong hội nghị lần này, hai bên đã đồng ý thảo luận và phát triển cơ chế thúc đẩy thương lượng, đánh dấu sự cởi mở hơn trong quan hệ giữa các bên trong vấn đề này. Phía Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở rộng ASEAN, Hiệp ước biến Đông Nam Á thành khu vực không có vũ khí hạt nhân. Phía ASEAN khẳng định chính sách: một nước Trung Quốc, chúc mừng việc Trung Quốc thu hồi lại Hongkong và ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập WTO.

Như vậy, các kết quả bước đầu trong quan hệ chính trị này đã đặt nền móng về thể chế cho quan hệ hợp tác ASEAN – Trung Quốc ở thời kỳ hậu chiến tranh Lạnh.

Một phần của tài liệu Quan hệ ASEAN - Trung Quốc từ 1997 đến nay tình hình và triển vọng (Trang 26 - 30)