Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châ uÁ năm 1997 và tác động của nó tới quan hệ ASEAN Trung Quốc

Một phần của tài liệu Quan hệ ASEAN - Trung Quốc từ 1997 đến nay tình hình và triển vọng (Trang 35 - 40)

quan hệ ASEAN - Trung Quốc

Trong khi quan hệ ASEAN – Trung Quốc đang ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào việc duy trì không khí hoà dịu ở Đông Nam Á thì xuất hiện nhiều diễn biến mới tác động lên mối quan hệ này.

Thực hiện quyết định của Hội nghị thưởng đỉnh ASEAN lần thứ tư, các nước ASEAN đã bắt đầu triển khai kế hoạch xây dựng Khu mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Sau hai năm thực hiện giảm thuế theo Chương trình ưu đãi thuế quan hiệu lực chung, mậu dịch giữa các nước ASEAN tăng lên rõ rệt. Được khích lệ bởi những kết quả đó, Hội nghị Bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN họp ở Chiengmai – Thái Lan (1994) đã quyết định rút ngắn lộ trình thực hiện AFTA xuống còn 10 năm.

Quá trình mở rộng ASEAN cũng được đẩy mạnh. Sau khi kết nạp Việt Nam (28/7/1995), ASEAN đã kết nạp thêm Lào và Myanmar (7/1997) làm thành viên của tổ chức này. Tính đến năm 1997, với việc gia nhập của 3 trong số 4 nước trên báo đảo Đông Dương vào ASEAN, quá trình thống nhất Đông Nam Á trong một tổ chức hợp tác khu vực đã gần hoàn tất.

Cùng với việc đẩy mạnh các quan hệ hợp tác trong khu vực, ASEAN còn đề xuất sáng kiến triệu tập Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu. Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ tích cực của EU, vốn cũng đang muốn tăng cường sự hiện diện về chính trị và kinh tế của họ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một khu vực kinh tế phát triển năng động nhất thế giới từ nửa sau những năm 80 thế kỷ XX.

Những sáng kiến hợp tác khu vực và quốc tế do ASEAN đưa ra cho thấy Hiệp hội này đang đóng vai trò chủ động, tích cực trong việc tạo ra cục diện chính trị mới ở Đông Nam Á. Những thành tựu phát triển kinh tế mà các nước thành viên ASEAN gặt hái được đã góp phần cải thiện vị thế chính trị và kinh tế của ASEAN trên thế giới. Tuy nhiên, ASEAN đang hứng khởi với những thành tựu đạt được sau 30 năm phát triển thì cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ nổ ra ở Đông Nam Á.

Cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Đông Nam Á năm 1997 bắt nguồn từ Thái Lan. Trong giai đoạn 1985-1995, nền kinh tế Thái Lan đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, bình quân 9%/năm. Thế nhưng đến năm 1996, chỉ số này tụt xuống còn 6,4%/năm. Đồng thời với mức tăng trưởng bắt đầu giảm xuống, ngày 1/7/1997 Thái Lan đã chính thức tuyên bố thả nổi đồng Baht sau nhiều năm duy trì tỷ giá hối đoái cố định so với đồng USD. Và chỉ sau 1 ngày đồng Baht đã bị mất giá 20%. Tỷ giá của đồng Baht so với USD đang từ 25 Baht/ 1 USD xuống còn 39 Baht/ 1 USD.

Sau khi Thái Lan tuyên bố thả nổi đồng Baht, động thái này đã không chỉ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Thái Lan mà nó còn gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính lan sang các nước Đông Nam Á khác. Không chỉ đồng Baht mà cả đồng Peso của Philippines, đồng Ringit của Malaysia, đồng đôla Singapore và đồng Rupiah của Indonesia) cũng đều bị sức ép phải giảm giá so với đồng USD. Khi đồng Baht bị thả nổi, các quỹ đầu tư cũng như các nhà đầu cơ đã không bỏ lỡ cơ hội hưởng chênh lệch giá, họ không chỉ tấn công vào đồng Baht mà còn cả đồng Peso Philippines và đồng Rupiah Malaysia. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ này đã khiến hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á đều bị chao đảo trong cơn lốc khủng hoảng kinh tế, không chỉ gây ra những thiệt hại về kinh tế cho các nước ASEAN mà còn gây nên tình trạng bất ổn định về chính trị trong khu vực, trong đó Thái Lan và Indonesia là hai nước phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Các nội các đương nhiệm của hai nước này đều đã lần lượt từ chức. Hoạt động của các tổ chức li khai vốn đã tạm lắng xuống do các cố gắng của chính phủ, lại bùng phát ở một số tỉnh miền Nam Thái Lan, ở đảo Mindanao của Philippines và nhất là ở Đông Timor của Indonesia.

Tình trạng bất ổn định chính trị ở một số nước Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, đã gây khó khăn không nhỏ cho cộng đồng người Hoa đang làm ăn và sinh sống ở các nước đó.

Để khắc phục khủng hoảng, ASEAN buộc phải kêu gọi sự giúp đỡ quốc tế. Trước những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Mỹ đã có

thái độ tỏ ra thờ ơ và không có bất kỳ chương trình trợ giúp riêng nào tương tự như các chương trình trợ giúp cho Mêhicô năm 1994, ngoại trừ những đóng góp thông qua Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF. Chính quyền Clinton đã từ chối khoản cứu trợ khoảng 17,2 tỷ USD cho Thái Lan hồi tháng 8/1997, và chỉ đồng ý viện trợ cho Indonesia 3 tỷ USD nếu như IMF cảm thấy khó khăn trong việc tài trợ 23 tỷ USD cho nước này [25, tr.45]. Mỹ có nhắc đến đề nghị của Nhật Bản là thành lập một Quỹ tiền tệ châu Á, nhưng với quan điểm là việc thành lập này có thể chỉ làm mất đi uy tín và đóng góp của IMF. Nhìn chung, các nước Đông Nam Á tỏ ra không hài lòng về mức độ trợ giúp của Mỹ để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng.

Ngược lại với phản ứng trợ giúp không nhiệt tình của Mỹ, Nhật Bản đã thể hiện một vai trò tích cực hơn. Cuối tháng 9/1997, Nhật đã cho Thái Lan vay một khoản vay ưu đãi 105,9 tỷ Yên (tương đương 900 triệu USD) [85,tr.12]. Khoản cho vay này không liên quan đến IMF và cũng không gắn kèm các điều kiện cải cách khắt khe như các khoản cho vay của IMF. Mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính ở Đông Nam Á cũng gây ra những khó khăn cho nền kinh tế Nhật Bản nhưng Nhật Bản có những động thái tích cực trong việc giúp đỡ các nước Đông Nam Á. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á nói riêng là đối tác thương mại và là khu vực đầu tư lớn của Nhật Bản. Bất kỳ sự biến động nào ở khu vực này đều ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của Nhật Bản. Hơn thế nữa, mọi nỗ lực về kinh tế đều là đòn bẩy nâng cao vai trò chính trị còn yếu của Nhật Bản, qua đó Nhật Bản cũng thể hiện hình ảnh của một nước Nhật Bản siêu cường về kinh tế đang muốn vươn tầm ảnh hưởng cả về mặt chính trị.

Cuộc khủng hoảng tiền tệ bắt nguồn từ Thái Lan, nhưng từ cuối tháng 10/1997 cuộc khủng hoảng này đã lan ra cả khu vực Đông Bắc Á, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tiền tệ của Hàn Quốc, Nhật Bản và các tác động đến các nền kinh tế khác ở châu Á, trong đó có Trung Quốc.

Nếu so với các nước Đông Nam Á, tác động của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế Trung Quốc diễn ra ở mức độ thấp hơn và thời gian muộn hơn. Đến giữa năm 1998, khi đồng Yên (Nhật Bản) sụt giá nhanh chóng, đồng đôla Hongkong và thị trường chứng khoán Hongkong rung chuyển, các đồng tiền khu vực ngày càng phá giá thảm hại, đã tác động không nhỏ đến đồng nhân dân tệ và thị trường của Trung Quốc.

Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Đông Nam Á đến Trung Quốc được thể hiện trên một số mặt sau. Trước hết, do đồng tiền của các nước ASEAN bị mất giá (đồng Baht của Thái Lan bị mất giá đến 45,6%), nên khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trong xuất khẩu cũng bị giảm. Đồng tiền bị mất giá đã làm tăng khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu của các nước ASEAN và tạo ra áp lực không nhỏ cho xuất khẩu của Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm 1998, do tác động của cuộc khủng hoảng tiền tệ, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 10%, nên Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng công ăn việc làm. Không những vậy, đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc cũng giảm mạnh vì hơn 70% FDI vào Trung Quốc là từ các nước đang chịu khủng hoảng. Khủng hoảng kinh tế khu vực đã hạn chế nguồn tài chính cho công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Ngoài ra, mặc dù đồng Nhân dân tệ khá ổn định nhưng đồng đôla Hongkong lại chao đảo trong cơn khủng hoảng tiền tệ khu vực. Khi đồng đôla Hongkong mất giá so với đồng USD đã tác động đến tình hình tài chính – tiền tệ, làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như lợi ích của Trung Quốc, trong điều kiện nước này vừa mới thực hiện thu hồi Hongkong, đang muốn tạo ra một môi trường đầu tư ổn định và thu hút vốn nước ngoài nhiều hơn nữa qua kênh Hongkong.

Dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ, buôn bán hai chiều ASEAN – Trung Quốc bị giảm sút. Giá trị hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc của các nước ASEAN đã từ 13,4 tỷ USD vào năm 1997 xuống còn 11,2 tỷ USD vào năm 1998. Thực tế trên đã khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy rõ hơn mối quan hệ tùy thuộc lẫn nhau giữa kinh tế ASEAN và kinh tế Trung Quốc. Trợ giúp các nước

ASEAN khắc phục khủng hoảng tài chính tiền tệ cũng chính là trợ giúp cho chính nền kinh tế Trung Quốc. Hơn nữa, thông qua việc trợ giúp các nước ASEAN, Trung Quốc sẽ có cơ hội thể hiện mình như là một cường quốc có trách nhiệm với khu vực, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh của Trung Quốc trong con mắt các nhà lãnh đạo và nhân dân các nước Đông Nam Á.

Để giúp đỡ các nước ASEAN khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ, Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp sau:

Thứ nhất, kiên trì không phá giá đồng nhân dân tệ, mặc dù biết rằng nếu làm như vậy, Trung Quốc có thể phải hi sinh những lợi ích kinh tế không nhỏ. Tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức ASEAN lần thứ hai ngày 16/12/1997 (tại Kuala Lumpur), Chủ tịch Trung Quốc lúc đó là ông Giang Trạch Dân đã cam kết với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng Trung Quốc sẽ không phá giá đồng nhân dân tệ.

Thứ hai, tích cực tham gia vào các chương trình tài trợ quốc tế để giúp cho các nước châu Á khắc phục khủng hoảng. Thông qua các tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB… Trung Quốc đã đóng góp 3 đợt vốn với tổng số tiền là 1,5 tỷ USD để trợ giúp cho Thái Lan và Indonesia, hai nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng [85, tr.14].

Trung Quốc cũng là một trong 10 đối tác ASEM và là đối tác châu Á duy nhất của ASEM tham gia vào Quỹ tín thác ASEM - được lập ra theo quyết định của Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần thứ hai được tổ chức tại London vào tháng 4/ 1998 nhằm giúp đỡ châu Á khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ.

Những động thái trên của Trung Quốc đã tác động mạnh mẽ đến tư duy của các nhà lãnh đạo Đông Nam Á về Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Hoa Kỳ – chỗ dựa về an ninh và kinh tế của một số nước ASEAN, hầu như không có hoạt động riêng rẽ nào để giúp ASEAN khắc phục khủng hoảng, ngoài việc đóng góp vào các chương trình tài trợ đa phương trong khuôn khổ IMF. Chính nhận thức mới này đã khích lệ các nước ASEAN mạnh dạn hơn trong quan hệ với Trung Quốc.

Một phần của tài liệu Quan hệ ASEAN - Trung Quốc từ 1997 đến nay tình hình và triển vọng (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)