Trong thời gian từ năm 1997 đến năm 2001, trọng tâm hoạt động của ASEAN và Trung Quốc là xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển quan hệ ASEAN – Trung Quốc trong thế kỷ XXI, tìm kiếm các biện pháp nhằm tháo dỡ ngòi nổ xung đột ở biển Đông, mở rộng hợp tác ASEAN và Trung Quốc sang lĩnh vực an ninh phi truyền thống.
Để tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển quan hệ ASEAN – Trung Quốc trong thế kỷ XXI, ASEAN và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc hướng tới thế kỷ XXI tại Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên ASEAN – Trung Quốc tổ chức vào ngày 16 tháng 12 năm 1997 ở Kuala Lumpur. Trong bản tuyên bố này, hai bên nêu rõ: những chuẩn mực cơ bản chỉ đạo quan hệ ASEAN – Trung Quốc là Hiến chương Liên hợp quốc, Hiệp ước thân hữu và hợp tác ở Đông Nam Á, nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình và luật pháp quốc tế được thế giới thừa nhận. ASEAN và Trung Quốc tái khẳng định cùng tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nhà nước khác [85].
Hợp tác ASEAN – Trung Quốc được triển khai không chỉ thông qua các quan hệ song phương trong tất cả các lĩnh vực mà cả trong các tổ chức khu vực và quốc tế mà hai bên cùng tham gia như Diễn đàn khu vực ASEAN, APEC và ASEM… Hợp tác phát triển Hạ lưu sông Mê Công cũng được xem là một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai bên.
Sau khi xác định những lĩnh vực hợp tác giữa hai bên, bản Tuyên bố đã đề ra những đường hướng hợp tác trong lĩnh vực cụ thể, kể cả việc hợp tác giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.
Thực hiện Tuyên bố chung trên, từ năm 1997 tới nay, trao đổi cấp cao ASEAN – Trung Quốc đã được tiến hành thường xuyên thông qua Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc hàng năm và các chuyến viếng thăm lẫn nhau của các nguyên thủ quốc gia của cả hai bên. Các Hội nghị thượng đỉnh, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại
giao, Bộ trưởng Kinh tế và các hội nghị cấp Bộ khác là nơi đề ra các phương hướng, các dự án hợp tác trong lĩnh vực cụ thể giữa hai bên, qua đó góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa ASEAN và Trung Quốc.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 6 tổ chức ở Phnompenh tháng 11/2002, Thủ tướng Chu Dung Cơ đã đưa ra ba kiến nghị để thúc đẩy mối quan hệ giữa ASEAN – Trung Quốc. Thứ nhất là, khởi động tiến trình thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện song phương giữa hai bên. Thứ hai là, khởi động triển khai hợp tác toàn diện ở tiểu vùng sông Mê Công, thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa ASEAN. Thứ ba, khởi động hợp tác toàn diện trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống nhằm bảo vệ sự ổn định và an ninh khu vực. Những đề nghị trên của Thủ tướng Chu Dung Cơ đã nhận được những phản ứng tích cực của các nhà lãnh đạo ASEAN. Sự gặp gỡ về lợi ích và sự chia sẻ nhưng mối quan tâm chung giữa ASEAN và Trung Quốc đã đưa tới thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 6 tại Phnompenh (Campuchia). Một trong những kết quả quan trọng nhất của Hội nghị này là việc ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại biển Đông.
Biển Đông là khu vực tiểm ẩn xung đột của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã lôi cuốn sự dính líu của 5 nước (Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei) và một bên (Đài Loan) xung quanh vấn đề chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển, và đã hình thành cục diện tranh chấp kéo dài và phức tạp. Trong tuyên ngôn này, hai bên đã xác lập các nguyên tắc mà các bên phải tuân thủ. Trong đó, các bên nhắc lại, lấy tôn chỉ và nguyên tắc “Hiến chương Liên Hợp Quốc”, “Công ước luật biển Liên Hợp Quốc” năm 1982, “Hiệp ước hợp tác hữu nghị Đông Nam Á”, năm nguyên tắc cùng chung sống hòa bình và nguyên tắc luật quốc tế khác đã được thừa nhận làm tiêu chí cơ bản trong xử lý quan hệ giữa các nước. Các bên cam kết căn cứ vào các nguyên tắc trên, trên cở sở bình đẳng và cùng tôn
trọng lẫn nhau, khám phá các con đường xây dựng lòng tin [47, tr.13]. Việc ký bản Tuyên bố chung đã đánh dấu phát triển mới trong xây dựng lòng tin giữa ASEAN và Trung Quốc. Song, việc thông qua được văn kiện Tuyên bố chung này đã giúp Trung Quốc không phải có cam kết mạnh với việc giải quyết vấn đề Biển Đông và cho thấy thành công hạn chế của ASEAN trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Mặc dù bản Tuyên bố này chưa giải quyết được vấn đề biển Đông, nhưng nó đã giúp duy trì nguyên trạng ở khu vực này và tạo điều kiện cho các bên hợp tác cùng khai thác các tài nguyên của biển Đông, qua đó góp phần củng cố môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực.
Hợp tác an ninh là một lĩnh vực nhạy cảm mà cả ASEAN và Trung Quốc đều né tránh trong những năm đầu mới thiết lập quan hệ. Tuy nhiên, từ năm 1997, trên cơ sở sự tin cậy lẫn nhau ngày càng tăng, ASEAN và Trung Quốc đã quyết định hợp tác với nhau trong lĩnh vực an ninh, trước hết là trong các vấn đề an ninh phi truyền thống. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc lần thứ sáu tổ chức ở Phnompenh (Campuchia) vào ngày 4 tháng 11 năm 2002, hai bên đã ký “Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống”. Mục đích của bản tuyên bố này là tăng cường năng lực nhằm đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống, thúc đẩy ổn định và phát triển, bảo vệ hoà bình và an ninh trong khu vực.
Ở giai đoạn hiện nay, nhiều thách thức an ninh phi truyền thống đã vượt qua khỏi biên giới quốc gia của một nước, trở thành thách thức chung của khu vực, thậm chí của toàn cầu. Chính vì vậy, cuộc đấu tranh với những thách thức này đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, những giải pháp và bước đi hài hoà kết hợp giữa kinh tế, chính trị, ngoại giao, pháp luật, khoa học kỹ thuật và các mặt khác. Trong thời đại toàn cầu hoá và khu vực hóa, tính phức tạp và nguyên nhân sâu xa của những vấn đề an ninh phi truyền thống đã tạo ra sự nhận thức và đồng thuận cao giữa các nước ASEAN trong việc hợp tác với các nước đối thoại (ASEAN+1, ASEAN+3), các thể chế chính trị-kinh tế quốc tế lớn như Liên minh châu Âu, tiến trình hợp tác Á-Âu
(ASEM), diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương(APEC) và giữa khu vực Đông Nam Á với Đông Bắc Á cùng sự hợp tác giữa các nước trong APEC nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố và các loại tội phạm xuyên quốc gia.
Những ưu tiên trong hợp tác về an ninh phi truyền thống giữa ASEAN và Trung Quốc hiện nay là: chống buôn bán ma tuý, buôn lậu người, trong đó có buôn bán phụ nữ và trẻ em, chống cướp biển, chủ nghĩa khủng bố, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế.
Những hoạt động hợp tác trên của ASEAN–Trung Quốc đã tạo đà cho bước phát triển mới trong quan hệ giữa họ từ sau năm 2002 tới nay.
Từ năm 2003, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận nâng cấp quan hệ giữa các bên thành quan hệ đối tác chiến lược. Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN và Trung Quốc vì hòa bình và thịnh vượng, đã được ký kết tại Hội nghị cấp cao ASEAN–Trung Quốc lần thứ 7 tổ chức Bali (Indonesia) tháng 10/2003. Trong bản Tuyên bố này, các bên đã nhìn lại những kết quả hợp tác đã đạt được kể từ thiết lập quan hệ cho tới cuối 2003 trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh. Các nhà lãnh đạo đã bày tỏ sự hài lòng về sự phát triển sâu rộng mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi giữa hai bên và nhất trí cho rằng các quan hệ ASEAN-Trung Quốc được nhìn nhận là những sự phát triển quan trọng và tích cực và là sự hợp tác mạnh mẽ và thực chất trong tất cả các lĩnh vực thuộc mối quan tâm chung. Quan hệ ASEAN- Trung Quốc không chỉ đưa lại lợi ích cho các bên mà còn góp phần quan trọng đối với hòa bình, phát triển và hợp tác ở khu vực và đóng góp vào hòa bình và phát triển trên thế giới.
Để thúc đẩy hơn nữa các quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, các nhà lãnh đạo hai bên đã quyết định đưa mối quan hệ đó lên một tầm cao mới bằng việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng.
Mục đích của việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược là “nuôi dưỡng các quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng có lợi và láng giềng tốt giữa ASEAN và Trung Quốc một
cách toàn diện trong thế kỷ XXI, qua đó đóng góp hơn nữa đối với hòa bình, phát triển và hợp tác lâu dài trong khu vực”. Bản chất của quan hệ đối tác chiến lược là không liên kết, phi quân sự, và không ngăn cản các bên tham gia phát triển các quan hệ hữu nghị và hợp tác đa chiều kích của họ với các nước khác. Đó là quan hệ hợp tác toàn diện, mở cửa, tập trung vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, hợp tác khu vực và quốc tế. Trong bản tuyên bố trên, hai bên đã chỉ ra phương hướng hợp tác cụ thể trong từng lĩnh vực. Điểm đáng chú ý trong Tuyên bố này là quyết định thể chế hóa sâu hơn hợp tác chức năng ASEAN- Trung Quốc. Việc ký kết Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược đã gia cố thêm nền tảng pháp lý cho sự phát triển quan hệ ASEAN-Trung Quốc trong những năm qua và trong những năm sắp tới.
Khác với các văn kiện hợp tác đã được hai bên ký kết trước đó, trong Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược, ASEAN và Trung Quốc đã đưa các vấn đề khu vực và quốc tế thành một lĩnh vực hợp tác giữa hai bên. Điều này cho thấy khả năng chia sẻ những mối quan tâm chung giữa ASEAN và Trung Quốc đã tăng lên nhiều so với những năm nửa sau thập niên 90 thế kỷ XX.
Nhằm chứng tỏ quyết tâm xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, tại Hội nghị Bali 11/2003, Trung Quốc đã chính thức ký Hiệp ước Thân hữu và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), và trở thành một bên tham gia Hiệp ước này. Việc Trung Quốc ký TAC đã làm cho bản Hiệp ước này trở thành quy tắc ứng xử giữa các bên Trung Quốc và ASEAN. Ý nghĩa quan trọng của việc Trung Quốc ký TAC còn thể hiện ở chỗ nó sẽ góp phần thúc đẩy các đối tác đối thoại khác của ASEAN tham gia vào Hiệp ước này. Tính đến nay, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Nga đã ký TAC. Như vậy, TAC đã trở thành bộ quy tắc ứng xử giữa các nhà nước thành viên của Tiến trình thượng đỉnh Đông Á được thiết lập ở Malaysia 12/2005.
Để triển khai việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc, tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc họp ở Vientiane (Lào) tháng 11/2004, hai bên đã thông qua Chương trình hành động, trong đó đề ra các biện pháp lớn nhằm thực hiện
từng nội dung của bản Tuyên bố chung trên. Trong lĩnh vực chính trị, hai bên dự kiến sẽ tăng cường các hoạt động sau: tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao, củng cố và làm sâu sắc hơn sự hiểu biết và quan hệ hữu nghị giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho các cơ chế đối thoại và tham vấn hiện có ở các cấp độ khác nhau đóng vai trò đầy đủ và hiệu quả hơn, tiếp tục tham khảo ý định của Trung Quốc ký Nghị định thư về Hiệp ước về khu vực phi vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á. Trong lĩnh vực hợp tác an ninh, hai bên dự kiến tiến hành các hoạt động như: khẩn trương thực hiện Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác trong các vấn đề này; thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông, thảo luận và đặt kế hoạch về cách thức, các lĩnh vực và các dự án hợp tác tiếp theo.
Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối thoại diễn ra tại Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) từ ngày 30 đến 31/10/2006 là bước tiếp nối để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc, với việc thông qua Tuyên bố chung “Hướng tới tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc”.
Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tích cực triển khai chiến lược “phát triển hòa bình”, ngày càng chủ động vươn lên đóng vai trò lớn hơn tại khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, ASEAN đang nỗ lực tập trung xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2020, tăng cường hợp tác và mở rộng quan hệ đối ngoại để khẳng định vai trò quan trọng trong khu vực. Tuyên bố chung này nhấn mạnh qua 15 năm hợp tác, quan hệ ASEAN đã phát triển toàn diện và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng giữa ASEAN và Trung Quốc không chỉ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển mà còn góp phần quan trọng cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực nói riêng và thế giới nói chung. Các nhà lãnh đạo bày tỏ sự hài lòng về việc mở rộng hợp tác ASEAN-Trung Quốc từ năm lên mười lĩnh vực ưu tiên, bao gồm nông nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, phát triển
nguồn nhân lực, đầu tư hai chiều, phát triển lưu vực sông Mê Công, giao thông, năng lượng, văn hóa, du lịch và y tế cộng đồng.
Những hoạt động này đã thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa các bên trong việc xử lý những thách thức mới như các vấn đề an ninh phi truyền thống, thiên tai và các bệnh truyền nhiễm, đồng thời tăng cường thêm các mối liên kết nhân dân.
Cùng với những phát triển mạnh mẽ trong quan hệ song phương giữa ASEAN và Trung quốc, sự hợp tác giữa hai bên trong các tổ chức hợp tác đa phương ngày càng chặt chẽ hơn.
Trong Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ASEAN và Trung Quốc có lập trường gần gũi với nhau về phương hướng và nhịp độ phát triển của Diễn đàn khu vực ASEAN. Trung Quốc kiên quyết ủng hộ ASEAN nắm vai trò lãnh đạo trong tiến trình này .
Hợp tác ASEAN- Trung Quốc trong tiến trình ASEM cũng đạt được những thành tựu rõ rệt. Trung Quốc với tư cách là Điều phối viên châu Á, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo tiến trình ASEM trong nhiệm kỳ 2000-2002. Với sự ủng hộ của Trung Quốc và các đối tác châu Á khác, lập trường của ASEAN về kết nạp cả 3 nước thành viên mới của Hiệp hội bao gồm Lào, Campuchia, Myanmar đã được các đối tác châu Âu chấp nhận. Đây là một trong những thành công nổi bật của ASEM-5 .
Với việc thành lập tiến trình hợp tác ASEAN + 3 và thể chế hoá cơ chế họp thượng đỉnh ASEAN–Trung Quốc từ năm 1997, quan hệ ASEAN–Trung Quốc đã trở thành một trong ba tiến trình ASEAN+1. Các tiến trình ASEAN+1 này là một trong ba cơ chế, thông qua đó hợp tác ASEAN+3 sẽ được hiện thực hoá. Như vậy, từ năm 1997, tính chất của quan hệ ASEAN–Trung Quốc đã thay đổi. Nó không chỉ còn là quan hệ song phương giữa ASEAN và Trung Quốc mà đã trở thành một kênh của khuôn khổ ASEAN+3. Với chức năng mới này, quan hệ ASEAN-Trung Quốc đã có cơ hội để phát triển hơn nữa không chỉ vì lợi ích của hai bên mà còn vì lợi ích chung của hợp tác