6. Bố cục của luận văn
2.1.1. Tài nguyên du lịch
2.1.1.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên
Nghệ An có diện tích tự nhiên là 16.488 km2, nằm ở phía Đông Nam vùng du lịch Bắc Trung Bộ, có tọa độ địa lý từ 13033’ đến 20000’ vĩ độ Bắc và 103052’ đến 105048’ kinh độ Đông.
Nghệ An nằm ở phía Đông Bắc dãy Trường Sơn, có độ dốc thoải dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, bị chia cắt mạnh bởi các dãy đồi núi cao và hệ thống sông ngòi chằng chịt. Địa hình đa dạng, phong phú với biển, hải đảo, sông ngòi, rừng núi, hang động, thác nước thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch. Bờ biển Nghệ An dài 82km với nhiều bãi biển đẹp có giá trị phát triển du lịch (bãi biển Cửa Lò, Diễn Thành, Quỳnh Phương...). Nghệ An là tỉnh có tài nguyên rừng lớn với diện tích đất rừng khoảng 68.439.800 ha, chiếm 41,51% diện tích tự nhiên. Rừng Nghệ An tập trung chủ yếu ở miền Tây với tài nguyên sinh vật rất phong phú, đa dạng trong đó có 1513 loài thực vật, 241 loài động vật là cơ sở quan trọng để phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái (Vườn Quốc Gia Pù Mát, Khu dự trữ sinh quyển Pù Huống, Pù Hoạt...). Nghệ An có tiềm năng rất lớn về suối khoáng có thể phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh kết hợp với vui chơi giải trí như: suối nước khoáng nóng Giang Sơn, suối nước Mọc...
Nghệ An nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình từ 230- 240. Lượng mưa trung bình từ 1200- 2000mm/ năm. Khí hậu nhiệt đới gió mùa với sự phân hóa đa dạng là điều kiện quan trọng để phát triển nhiều loại hình du lịch, tạo ra lợi thế về các loại hình du lịch đặc trưng của từng vùng.
2.1.1.2. Tài nguyên du lịch nhân văn
Nghệ An có gần 1000 di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận, trong đó có 156 di tích lịch sử. Nhìn chung mật độ di tích ở Nghệ An khá dày, hầu hết các di tích tập trung ở vùng đồng bằng. Song xét về mật độ di tích thì thành phố Vinh có mật độ di tích cao nhất (50/100km2). Phần lớn các di tích được xếp hạng là các di tích lịch sử văn hóa, trong đó nhóm di tích lịch sử, khảo cổ, công trình kiến trúc, đình chùa chiếm nhiều về số lượng. Đặc biệt khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên gắn với cuộc đời Chủ Tịch Hồ Chí Minh có vị trí hết sức quan trọng của tỉnh cũng như của đất nước, là đối tượng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan (Xem Phụ lục1. Tổng hợp các di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nghệ An đã được xếp hạng)
Nghệ An là nơi sinh sống lâu đời của nhiều dân tộc khác nhau góp phần tạo nên 24 lễ hội đặc trưng phân bố ở hầu khắp các địa phương cùng với nhiều làng nghề có giá trị. Qua khảo sát bước đầu, Nghệ An đã có một số làng đủ tiêu chí xếp loại làng nghề và có khả năng tổ chức, thu hút khách du lịch đến tham quan như: Làng đan nứa trúc Xuân Nha (Hưng Nguyên); Làng nghề dệt thổ cẩm, Bản Châu Tiến (Quỳ Châu); Làng rèn Nho Lâm (Diễn Châu); Làng đục, chạm trổ đá ở Diễn Bình (Diễn Châu); Làng nồi đất ở Trù Sơn (Đô Lương); Làng nghề mây tre đan - Nghi Lộc; Làng nghề nước mắm Vạn Phần - Cửa Hội.
Như vậy, Nghệ An là tỉnh có nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, đa
dạng có thể khai thác phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng, tắm biển, leo núi... Nghệ An cũng có nhiều di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc, lễ hội, phong tục tập quán, làng nghề...trong đó có một số tài nguyên đặc biệt như khu di tích Kim Liên, di tích lịch sử phong trào tiền khởi nghĩa... hấp dẫn và phù hợp để phát triển các loại hình du lịch như du lịch tham quan văn hóa, du lịch chuyên đề...
Tuy nhiên, tác động xấu của điều kiện tự nhiên và thời tiết đã ảnh hưởng xấu đến tính chất thời vụ du lịch. Bên cạnh đó, các yếu tố thời tiết bất thường như: giông tố, bão, lũ lụt, hạn hán... vào chính vụ du lịch ít nhiều tác động đến việc thu hút khách. Những bất lợi đó đã ít nhiều đến các dự án đầu tư du lịch đặc biệt là các dự án có liên quan đến sản phẩm du lịch chất lượng cao cho khách du lịch quốc tế. Tài nguyên du lịch tuy nhiều về số lượng nhưng phân bố không tập trung, số tài nguyên nổi trội được tôn tạo chưa nhiều, điều kiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chưa phát triển ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển du lịch. Hơn nữa, một số tài nguyên vật thể đang bị xuống cấp, chưa được trùng tu tôn tạo, còn tài nguyên phi vật thể chưa khôi phục được giá trị tinh thần và nguyên trạng của nó nên ảnh hưởng phần nào đến sự đa dạng của sản phẩm du lịch. Một thực tế nữa là công tác quản ký tài nguyên chưa phù hợp, chưa có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp đối với việc khai thác tài nguyên phát triển du lịch của Nghệ An.