2. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG TÀI TRỢ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ TẠI BID
2.3.3 Nguyên nhân ảnh hưởng đến phát triển hoạt động tài trợ thương
mại tại BIDV
2.3.3.1 Nguyên nhân khách quan
Chính sách thương mại chưa ổn định: Chính phủ và các bộ ngành có liên quan thường xuyên có những thay đổi về danh mục các mặt hàng được phép xuất khẩu, biểu thuế áp dụng đối với từng mặt hàng, điều kiện để doanh nghiệp ra quyết định đến khi có hiệu lực thi hành thường là ngắn, không đủ để các doanh nghiệp dự tính sắp xếp kế hoạch cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Có những mặt hàng đang cho phép nhập khẩu, song do tình trạng hàng nhập về quá nhiều, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước nên Chính phủ lại cấm nhập khẩu,làm cho các doanh nghiệp rất khó khăn trong hướng giải quyết vì đã làm thủ tục mở L/C, có nghĩa vụ phải thanh toán khi người bán giao hàng và xuất trình bộ chứng từ phù hợp.
Bên cạnh đó, mặc dù kêu gọi hỗ trợ đầu tư cho xuất khẩu song Chính phủ chưa có chiến lược, giải pháp tổng thể để hỗ trợ kịp thời đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, chưa chú trọng đến nghiên cứu thị trường.
Nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập nền kinh tế quốc tế làm tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng . Sự xuất hiện ngày một nhiều các ngân hàng thương mại cổ phần va ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam đòi hỏi BIDV phải tự đổi mới, phải mạnh dạn sáng tạo trong hoạt động kinh doanh thì mới có thể thu hút được khách hàng để đạt được hiệu quả.
2.3.3.2 Nguyên nhân chủ quan từ BIDV
Thứ nhất, mô hình tổ chức tại Hội sở chính và từng chi nhánh còn nhiều vấn đề chưa hợp lý. Với mô hình thanh toán quốc tế phân tán thực hiện giao dịch tại các chi nhánh dẫn tới tăng chi phí quản lý, tăng độ rủi ro của giao dịch (vì kinh nghiệm xử lý của cán bộ chi nhánh đôi khi còn hạn chế), không quản lý chặt chẽ được khách hàng (có thể xảy ra trường hợp đôi khi khách hàng hết hạn mức tại chi nhánh này, họ sẽ chuyển giao dịch mới sang chi nhánh khác), thậm chí còn có thể xảy ra hiện tượng tranh giành khách hàng. Sự phối kết hợp giữa các bộ phận, các phòng ban chức năng còn lỏng lẻo chồng chéo, chưa tạo nên một dịch vụ khép kín trong thanh toán, tín dụng, kinh doanh ngoại tệ đối với khách hàng. Do vậy thời gian
thanh toán còn dài, chi phí nghiệp vụ cao. Quá trình thực hiện còn nảy sinh nhiều vướng mắc.
Thứ hai, trình độ quản lý, trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác tài trợ thương mại quốc tế nói chung còn chưa đồng đều. Nhiều lãnh đạo ở các chi nhánh chưa có sự hiểu biết về hoạt động tại trợ tài trợ thương mại quốc tế nói chung, nên chưa chú trọng điều hành và phát triển nghiệp vụ này, chưa chủ động tìm kiếm khách hàng phát triển các nghiệp vụ tài trợ thương mại quốc tế. Nhiều cán bộ làm tài trợ tài trợ thương mại quốc tế ở các tỉnh chưa được đạo tạo lại hoặc đạo tạo chưa chuyên sâu, chưa đạt tiêu chuẩn về chuyên môn ngoại ngữ, luật pháp quốc tế, vi tính, do vậy chưa đáp ứng được nhu cầu công việc, lúng túng khi xử lý nghiệp vụ, khả năng tư vấn cho khách hàng còn kém dẫn tới những sai sót làm ảnh hưởng cả ngân hàng và khách hàng.
Thứ ba, hoạt động kinh doanh ngoại tệ chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu thanh toán. Hiện nay, BIDV thực hiện quản lý vốn tập trung toàn hệ thống tại Hội sở chính, các chi nhánh nếu vượt số dư trạng thái ngoại tệ phải bán cho Hội sở chính. Khi có nhu cầu thanh toán, Hội sở chính sẽ bán lại cho chi nhánh. Chính điều này đã làm mất tính chủ động của chi nhánh thông qua việc khai thác nguồn ngoại tệ dự trữ phục vụ nhu cầu thanh toán của bản thân chi nhánh, hoặc là mua ngoại tệ của khách hàng để kinh doanh (nhất là đối với những chi nhánh có lượng giao dịch L/C xuất khẩu nhiều). Song trên thực tế, do vốn ngoại tệ luôn ở trong trạng thái căng thẳng, khan hiếm nên BIDV cũng chưa có biện pháp hỗ trợ cho các chi nhánh hoặc bán cho các chi nhánh khi có nhu cầu thanh toán mà phần lớn là các chi nhánh phải tự cân đối nguồn, dẫn tới mất đi một lượng khách hàng tiềm năng.
Thứ tư, mạng lưới ngân hàng đại lý thời gian qua đã phát triển tương đối nhanh song vẫn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng của ngân hàng, đồng thời sự phối hợp giữa các giao dịch với ngân hàng đại lý chưa nhiều. Cụ thể, BIDV đã thực hiện giao dịch qua các ngân hàng đại lý của mình, song ngược lại nhiều giao dịch của các ngân hàng đại lý đó không được thực hiện qua BIDV ngay cả khi khách hàng đó có tài khoản tại hệ thống của BIDV. Ở một số nước, BIDV vẫn chưa thiết lập được quan hệ với bất cứ một ngân hàng nào nên khi giao dịch phải chuyển
qua ngân hàng thứ 3 gây mất thời gian, tốn phí. Uy tín của BIDV chưa được biết đến rộng rãi dẫn tới một số trường hợp người hưởng yêu cầu phát hàng L/C có xác nhận của một ngân hàng khác. Tính chuyên nghiệp của các cán bộ làm công tác ngân hàng đại lý chưa cao. Một ngân hàng có công tác ngân hàng đại lý phát triển sẽ tạo điều kiện cho hoạt động tài trợ thương mại quốc tế phát triển và ngược lại, muốn hoạt động tài trợ tài trợ thương mại quốc tế phát triển đòi hỏi công tác ngân hàng đại lý phải thực sự phát triển. Hiện tại công tác ngân hàng đại lý tại BIDV mới chỉ dừng lại ở mức thiết lập quan hệ đại lý, tổ chức, và đón tiếp các cuộc viếng thăm, chuyển tiếp các thông tin giữa BIDV và các ngân hàng nước ngoài, chưa có sự hỗ trợ thực sự cho hoạt động tài trợ tài trợ thương mại quốc tế. Trong hoạt động ngân hàng đại lý chưa có tiêu chuẩn để đánh giá, phân loại các ngân hàng nước ngoài, xây dựng các hạn mức tài trợ dành cho họ, chưa cập nhật kịp thời các thông tin về diễn biến tình hình kinh doanh của các ngân hàng nước ngoài và đưa ra các chính sách đối xử với từng ngân hàng cụ thể. Thông tin của bộ phận ngân hàng đại lý chỉ mới dừng lại ở cấp độ Hội sở chính chứ chưa thể cung cấp thông tin về các chi nhánh nước ngoài, nhất là các chi nhánh ngoại quốc (theo thông lệ quốc tế thì các chi nhánh của một ngân hàng tại các nước khác nhau sẽ là các ngân hàng khác nhau).
Thứ năm, công tác kiểm tra kiểm soát chưa được thực hiện nghiêm ngặt và thường xuyên nên chưa kịp thời phát hiện các sai sót để sửa chữa khắc phục hoặc rút kinh nghiệm. Hội sở chính chưa làm được công việc thu thập những vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động thực tiễn giao dịch hàng ngày tại các chi nhánh để nghiên cứu đưa ra hướng giải quyết hợp lý nhất, từ đó các chi nhánh khác sẽ có kinh nghiệm để xử lý nếu tình huống đó xảy ra.
Thứ sáu, công nghệ cũng là một vấn đề đáng phải quan tâm. Tuy công nghệ chỉ mang tính chất hỗ trợ nhưng nếu công nghệ hiện đại sẽ là một yếu tố rất quan trọng để tài trợ phát triển cả về chất và lượng. Hiện tại, BIDV đang thực hiện chuyển đổi mô hình phân tán sang tập trung nên tạm thời chưa thể tập trung hóa dữ liệu, chưa thể tạo điều kiện để mọi khách hàng có thể sử dụng tài khoản ngân hàng một cách thuận tiện nhất.
Tổng kết chương
Trên cơ sở lý luận từ chương 1, khóa luận đã phân tích thực trạng tài trợ thương mại quốc tế tại ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam( BIDV). Hoạt động tài trợ thương mại quốc tế của BIDV ngày càng phát triển mạnh mẽ, uy tín, năng lực của BIDV trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và được nâng cao. Doanh số hoạt động tăng dần qua các năm, đi cùng với đó là doanh thu dịch vụ từ các nghiệp vụ kinh doanh đối ngoại cũng gia tăng đáng kể. Hoạt động tài trợ thương mại quốc tế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển và đa dạng hóa nghiệp vụ ngân hàng và tăng sức cạnh tranh của BIDV trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên trước yêu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động tài trợ thương mại quốc tế của BIDV vẫn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục như sự chưa hợp lý về mô hình thanh toán, đội ngũ cán bộ ở nhiều chi nhánh còn bất cập về trình độ ngoại ngữ, khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại…
Nhận thức rõ điều đó, BIDV cần đưa ra những giải pháp tích cực để phát triển tài trợ thương mại quốc tế của mình trong những năm tiếp theo.