7. Phương pháp nghiên cứu
2.4. Phương pháp giáo dục đạo đức cho con trong gia đình
Phương pháp là một lĩnh vực khoa học, nhưng cũng là một nghệ thuật, nhất là trong giáo dục đạo đức. Mỗi gia đình, trong giáo dục con từ đời này qua đời khác đều tích luỹ những kinh nghiệm riêng cho mình và vận dụng thiết thực trong hoàn cảnh cụ thể. Phương pháp giáo dục thường gắn liền với nội dung giáo dục. Trong gia đình, phương pháp giáo dục đạo đức hướng vào việc hình thành ý thức đạo đức cho con, tổ chức việc khai sáng đạo đức, bồi dưỡng kinh nghiệm đạo đức, xây dựng hành vi đạo đức và thói quen đạo đức.
Phương pháp đó trong dạng khái quát chính là tổ chức các hoạt động và giao lưu, trong đó trẻ em đóng vai trò chủ thể. Đó là giao lưu giữa những người trong gia đình, trong quan hệ với bố mẹ, ông bà, anh chị em, họ hàng thân thuộc. Dạng cụ thể là các phương pháp như: giảng giải, nêu gương, trao đổi, giải thích, tâm tình, khen thưởng, trách phạt, tập thói quen, tạo dư luận, rèn luyện, giao công việc… Các phương pháp này đều đem lại hiệu quả nhất định trong giáo dục đạo đức cho con cái trong gia đình. Tuy nhiên không bao giờ tuyệt đối hoá một phương pháp nào cả. Đặc biệt, các phương pháp thiên về mặt tình cảm phát huy mối quan hệ giáo dục trong gia đình vốn dựa trên cơ sở của tình yêu thương ruột thịt.
Hiện nay, phương pháp giáo dục trong gia đình đối với trẻ em đã có những thay đổi phù hợp với nội dung giáo dục và sự phát triển của xã hội. Cách giáo dục bằng phương pháp hành chính bắt trẻ phải phục tùng mệnh lệnh của ông bà, cha mẹ đã dần thay bằng phương pháp định hướng, khích lệ. Bầu không khí bình đẳng, dân chủ trong gia đình cũng là phương pháp giáo dục có ý nghĩathiết thực, bởi chỉ trong hoàn cảnh như vậy lòng tự trọng của trẻ mới được đề cao.
Vậy là, giáo dục trong gia đình hiện đại là tôn trọng nhân cách cá nhân, chú ý tới những nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích của cá nhân. Việc giáo dục nghiêng về sự định hướng là để con cái tự nhìn nhận, phân biệt đúng sai và tự điều chỉnh, nhằm phát huy tính chủ động và sáng tạo của chúng. Không quá nghiêm khắc, khắt khe, song cũng không nuông chiều, dễ dãi quá mức, gây cho chúng tâm lý hưởng thụ vật chất, ít quan tâm đến cha mẹ và người xung quanh.
71
Muốn giáo dục có kết quả, người làm cha mẹ phải tìm thấy ở con mình những đức tính tốt đẹp, dù đấy chỉ mới là mầm mống để khích lệ, giúp đỡ trẻ phát triển, trên cơ sở đó mà hạn chế cái xấu.
Nhiều nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục ở nước ta đã nêu ra phương pháp giáo dục là kết quả phương pháp giáo dục truyền thống và hiện đại, kết hợp uy quyền với tình thương, uy quyền với sự bao dung, vị tha. Trong giáo dục gia đình, uy quyền có thể hiểu là quyền lực của cha mẹ khiến con cái phải tuân theo. Thực tế, trong giáo dục gia đình có một số bậc cha mẹ xây dựng uy quyền của mình trên những nguyên tắc sai. Họ muốn con cái phải tuyệt đối vâng lời và coi đó là mục đích. Thực ra, đấy là một sai lầm.
Qua khảo sát 180 phiếu (trong đó 01 phiếu không trả lời) có 81,1% các em trả lời là bố, mẹ có ép em làm những việc mà em không thích thế nhưng vì mục đích muốn tốt cho em chỉ có 37,2% trả lời là có; 57,2% trả lời bố mẹ đã nói thì nhất định phải làm.
Như vậy, uy quyền và sự vâng lời tự nó không thể là một mục đích.
Trong đời sống dân chủ và cởi mở hiện nay, phương pháp giáo dục hiệu quả là phải kết hợp việc lồng ghép các phương pháp giáo dục khác nhau, đặc biệt là phải cải tiến các phương pháp giáo dục truyền thống theo hướng chất lượng cao hơn, tri thức hơn, tình cảm hơn, thời đại hơn và hiệu quả hơn. Nhất thiết phải giáo dục, rèn luyện trẻ thông qua lao động, học tập. Cải tiến nội dung và phương pháp giáo dục đối với con cái sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả của giáo dục gia đình.
Không nên sử dụng quá mức các biện pháp ngăn cấm cũng như nuông chiều thái quá, tất cả những cách đó đều làm cho trẻ dễ có hành động sai trái vi phạm đạo đức. Trong giáo dục đạo đức cho con, cần giáo dục nhu cầu và phương thức thoả mãn nhu cầu. Phải hướng trẻ phát triển các nhu cầu tinh thần mới, lành mạnh, theo những lý tưởng đạo đức trên cơ sở có hiểu biết và có thói quen đạo đức.
Việc giáo dục đạo đức ở gia đình cũng đòi hỏi phải làm cho con nhận thức được ý nghĩa và nội dung của các chuẩn mực đạo đức, nắm được những phương pháp, làm cho con cái chấp hành những chuẩn mực đó như những giá trị chân thực và tiến bộ của mỗi con người, biến hệ thống chuẩn mực thành
72
những định hướng giá trị về đạo đức của bản thân, quán triệt hệ thống chuẩn mực đó trong mọi hành vi của mình, trong cách ứng xử hàng ngày trong toàn bộ lối sống của con cái. Không giống như ở trường lớp, trẻ được học đạo đức một cách bài bản, cứng nhắc thì ở gia đình lại hoàn toàn khác, không có thuyết giảng, càng không “lên lớp” một cách nặng nề. Những lời giảng giải, bảo ban, tâm tình, nhắc nhủ của người thân tuy ngắn gọn nhưng lại rất thực tế và có chiều sâu của tình cảm. Trong gia đình, có những bài học “tình huống” có giá trị thuyết phục cao vì nó gắn với thực tế, không rơi vào lý thuyết suông, xa vời và khô khan.
Trong gia đình có mối quan hệ lý tưởng giữa người dạy và người học. Đó là mối quan hệ nhân ái dựa trên cơ sở tình yêu thương ruột thịt đầy tin cậy, có sự đồng nhất cao độ về động cơ, mục đích cùng theo đuổi. Mối quan hệ như vậy là tiền đề rất quan trọng và thuận lợi trong việc giáo dục đạo đức. Bản thân sự chăm lo giáo dục cho con cái cũng là tấm gương đạo đức cho trẻ. Vì vậy, chính cha mẹ phải đầu tư công sức vào giáo dục con mới có hiệu quả. Cha mẹ phải xứng đáng là người cố vấn, “người bạn lớn”, người hướng dẫn và dìu dắt của con.
Như vậy, phương pháp giáo dục đạo đức cho con cái rất đa dạng, mỗi phương pháp đều có những mặt mạnh và những hạn chế của mình. Trong đề tài này chúng tôi chỉ xin nêu ra hai phương pháp có thể nói là cơ bản và được đa số các bậc cha mẹ áp dụng để giáo dục đạo đức cho con cái mình, đó là phương pháp nêu gương, hướng dẫn con tham gia công việc gia đình, khuyến khích khen thưởng, xử phạt, và chuyện trò, tâm sự.