9. Kết cấu luận văn
3.1.4. Yêu cầu nâng cao đạo đức công vụ của côngchức trong giai đoạn
đổi mới hiện nay
Để thúc đẩy đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị, giải quyết tốt quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị trước hết Đảng ta phải tiếp tục tự đổi mới toàn diện, đồng bộ, hài hòa cả nội dung và phương thức lãnh đạo. Do vậy, trong Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương, khóa VI, Đảng ta đã khẳng định: “Nội dung lãnh đạo, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có nhiều điểm mới và chưa có tiền lệ đối với Đảng, đòi hỏi Đảng phải tự giải đáp từ tổng kết thực tiễn đổi mới, trên cơ sở đó tiếp tục nâng cao trí tuệ, tầm nhìn và tư duy khoa học, từng bước hình thành những quan điểm lý luận chỉ đạo thực tiễn và từ tham khảo kinh nghiệm quốc tế..., không đơn thuần chỉ dựa vào kinh nghiệm đã có”. Căn cứ vào những đặc điểm trên, bối cảnh đổi mới ở nước ta đặt ra những yêu cầu cơ bản đối với đạo đức của người công chức trong giai đoạn hiện nay như sau:
Thứ nhất, đạo đức mới góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển lành
mạnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với tư cách một hình thái ý thức xã hội, đạo đức chịu sự tác động và ảnh hưởng quyết định của kinh tế, đồng thời, đến
75
lượt nó, đạo đức cũng tác động mạnh mẽ đến kinh tế như một sức mạnh được vật chất hóa. Tùy thuộc vào trạng thái của đạo đức trong nền kinh tế như thế nào mà sự tác động của nó có thể làm cho nền kinh tế suy thoái hoặc tăng trưởng; sự phát triển của kinh tế có thể đem lại ấm no, hạnh phúc, công bằng cho con người hay làm trầm trọng thêm tình trạng áp bức, bóc lột, bất công, bất bình đẳng; thu hẹp hay khoét sâu thêm khoảng cách giàu nghèo… Sự sùng bái đồng tiền có thể trở thành một nguyên tắc xử thế và chuẩn mực hành vi của không ít người, là nguyên nhân của nhiều hành động trái đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật, đặc biệt là tiêu cực gần đây được dư luận phản ánh trong đội ngũ cán bộ, công chức phục vụ tại các cơ quan hành chính nhà nước.
Với bản chất là những chuẩn mực được quy ước, mặc định, đạo đức có thể tác động trở lại, làm thay đổi diện mạo của kinh tế thị trường – đây là một yếu tố vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững, lành mạnh của nền kinh tế, là sự khắc phục tình trạng phát triển thuần kinh tế nhưng lệch chuẩn về đạo đức. Do đó, ở mỗi con người cộng sản đều là sự thống nhất cao độ giữa con người chính trị và con người đạo đức, phẩm chất chính trị chân chính cũng là phẩm chất đạo đức cách mạng. Trong đó, đạo đức cách mạng là gốc để đề ra đường lối chính trị đúng đắn, còn chính trị là đường lối, là biện pháp để thực hiện những nội dung, nguyên tắc của đạo đức cách mạng. Cùng với việc nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, việc giữ gìn và nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên là yêu cầu cấp bách. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của đạo đức công vụ trong việc củng cố, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Thứ hai, đạo đức công chức giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và
phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới hiện nay. Như chúng ta biết, ngày nay khi xã hội hiện đại phát triển, kéo theo nguy cơ xa rời hoặc đứt đoạn với các giá trị truyền thống thì vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị dân tộc được đặt ra như một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết. Không chỉ riêng Việt Nam, các quốc gia trên thế giới, đặc biệt các nước phát triển ở châu Á cũng đã và đang phải đối mặt với thách thức này. Trong đó, có thể thấy Singapore là một ví dụ điển hình bởi nhu cầu phát
76
triển kinh tế, du nhập văn hóa phương Tây đã khiến cho đạo đức Nho giáo của họ mai một dần đi. Thực trạng này khiến Chính phủ Singapore phải vào cuộc và khởi xướng nhiều phong trào liên quan đến “tái sinh về văn hóa” nhằm thúc đẩy việc khôi phục những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Khác với các quốc gia tư bản, Việt Nam đang thực hiện nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần phải có đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất đạo đức tốt, luôn tích cực rèn luyện mình, kế thừa có chọn lọc các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của quá khứ. Như vậy, gìn giữ và phát triển đạo đức công vụ ở nước ta hiện nay cũng chính là một trong những biện pháp thích hợp để bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp.
Thứ ba, yêu cầu mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện
nay của đội ngũ cán bộ, công chức. Như chúng ta đã biết, tham nhũng là tệ nạn vô cùng nguy hiểm cho xã hội trên tất cả các phương diện. Về mặt kinh tế, nó làm rối loạn chính sách phân phối, gây thất thoát tài sản nhà nước, làm cho nền kinh tế suy yếu, khó có khả năng thực hiện các mục tiêu đề ra. Về mặt xã hội, tham nhũng làm gia tăng tình trạng bất công, nghèo đói, thất nghiệp cùng nhiều tệ nạn xã hội khác. Về mặt chính trị, tham nhũng làm suy giảm niềm tin của nhân dân, gây bất ổn về chính trị - xã hội, đến một mức độ nào đó sẽ dẫn tới sự sụp đổ chính quyền.
Ở nước ta hiện nay, bên cạnh những mặt tích cực, phù hợp với thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ chế thị trường cũng bộc lộ khá gay gắt những mặt trái, tiêu cực của nó. Lợi dụng chức quyền được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, tham ô, sách nhiễu, tiêu xài công quỹ…gây mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước nói riêng và những người làm việc trong bộ máy chính quyền nói chung. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra nạn tham nhũng nghiêm trọng trên mà một trong số đó phải kể đến là do sự suy thoái về đạo đức, lối sống của bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đang dần lấn át những giá trị đạo đức đáng quý của người làm việc trong các cơ quan công quyền. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: ”Trong phong trào đấu tranh chống
77
tham ô, lãng phí, quan liêu, giáo dục là chính, trừng phạt là phụ…Chúng ta phải
cứu vãn họ, giúp họ khôi phục đạo đức cách mạng” [26; 73]. Điều đó càng khẳng
định vai trò to lớn của đạo đức công vụ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Có thể khẳng định rằng việc nâng cao đạo đức công chức trong giai đoạn đổi mới hiện nay là một yêu cầu bức thiết bởi nó vừa góp phần hiện thực hóa mục tiêu chính trị của Đảng ta, vừa góp phần củng cố, giữ gìn sự ổn định của chế độ chính trị. Trên tinh thần đó, người đứng đầu ngành Nội vụ, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đã nêu ý kiến rằng: “Vấn đề đạo đức công vụ của công chức ngày nay đang chịu tác động của nhiều yếu tố. Để hạn chế những mặt trái của kinh tế thị trường tác động đến đạo đức, công chức cần có phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững chắc. Nền tảng này cần được xây dựng dựa trên những tiêu chí về đánh giá công chức mang tính truyền thống như trung thực, thẳng thắng, không vụ lợi: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Mặt khác, cần thiết lập hệ thống pháp luật cần thiết để bảo đảm cho các chuẩn mực đạo đức được thi hành trong công vụ”.
Vì vậy, cần thiết phải đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ trên cơ sở triệt để công khai, minh bạch, công bằng và dân chủ nhằm xây dựng đội ngũ công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên nghiệp và hiện đại, trong sạch nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của đổi mới và phát triển đất nước trong giai đoạn 2013 - 2020.