Ảnh hưởng của nhân tố thuế được giải thích theo mô hình MM. Theo mô hình MM đã được trình bày ở mục 1.1.3, giá trị kỳ vọng của DN có sử dụng nợ sau một kỳ kinh doanh đạt được là: V1 = V0 + T.D và tỷ suất sinh lời vốn CP hay tỷ suất sinh lời VCSH (ROE) là:
rE = r0 + (r0 - rD) * (1 - T) * D/E
Với V0, r0 là giá trị DN và tỷ suất sinh lời VCSH khi DN không sử dụng nợ. Như vậy, khi r0 > rD thì yếu tố thuế T làm gia tăng giá trị DN một khoản là T.D và tỷ suất sinh lời VCSH tăng thêm một khoản là: (r0 - rD) * (1 - T) * D/E
Sự gia tăng này sẽ thúc đẩy DN gia tăng việc sử dụng nợ, thậm chí có thể thực hiện chính sách tài trợ bằng 100% vốn nợ để gia tăng giá trị DN và tỷ suất sinh lời VCSH.
Thuế suất thuế TNDN nói riêng và các thuế suất khác tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN là một nhân tố tác động khá lớn đến cấu trúc vốn. Các nghiên cứu trước cũng đã đề cập đến tác động của thuế đến việc lựa chọn dùng nợ hay
VCSH bằng việc xây dựng các mô hình kinh tế lượng trong đó biến giải thích là các sắc thuế khác nhau.
Xem xét chính sách thuế hiện tại và cấu trúc vốn, đầu tiên, DeAngelo và Masulis (1980) đã cho rằng các DN đang phải đối mặt với tỷ suất thuế cận biên ngày càng cao đã có xu hướng sử dụng nhiều nợ hơn vì những khoản tiết kiệm thuế có ý nghĩa lớn đối với các công ty [16]. Mayer (1990) đã so sánh tiết kiệm thuế do nợ với tỷ lệ nợ trên VCSH tại các nước OECD và kết luận rằng: “chắc chắn chính sách thuế là một nhân tố quan trọng để giải thích về chính sách sử dụng nợ” [20].
Gentry (1994) đã so sánh mức độ đòn bẩy và tỷ lệ chi trả cổ tức của công ty liên danh của Mỹ trong ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ và khi đốt. Ông đã phát hiện ra rằng, các công ty liên danh, mặc dù không phải chịu thuế TNDN, có tỷ lệ chi trả cổ tức cao hơn và sử dụng nợ ít hơn. Điều này cũng phù hợp với các nghiên cứu về tác động của thuế đến sự lựa chọn cấu trúc vốn của các DN Mỹ. Tuy nhiên, Gentry (1994) đã cho rằng việc nghiên cứu một ngành chắc hẳn sẽ có những hạn chế nhất định nên đã không đồng ý với kết luận này cho các DN trong các ngành công nghiệp khác.
Reint E. Gropp cũng đã đề xuất một mô hình nghiên cứu kết hợp nhiều loại thuế của chính phủ Đức [21]. Mô hình bao gồm các loại thuế kinh doanh của chính quyền địa phương. Hơn nữa, mô hình ông đưa ra cho rằng phần tiết kiệm thuế theo Luật thuế của Đức khi các DN tài trợ một tỷ lệ nhất định bằng nợ sẽ thay đổi theo sắc thuế của từng địa phương. Sự thay đổi này sẽ được kiểm chứng xem liệu có phải các DN thay đổi cấu trúc vốn là do thuế thay đổi hay không? Tác động của thuế sẽ được phân tích khi sử dụng bảng cân đối kế toán của các DN Đức. Phương pháp này cho phép dự đoán được sự thay đổi tác động của thuế đến các ngành công nghiệp khác nhau và cho phép đưa tỷ suất thuế hiện tại của các DN vào mô hình. Ông đã phát hiện ra tác động rất đáng kể của thuế đến cấu trúc vốn.
Như vậy, có thể thấy, thuế là một nhân tố rất quan trọng tác động đến sự thay đổi cấu trúc vốn của các DN, cả trên lý thuyết và các kiểm chứng thực tế.
Tuy nhiên, hầu như các nghiên cứu trước đây ở Việt Nam đều cho rằng trong điều kiện chính sách thuế TNDN ở Việt Nam hiện nay, áp dụng một mức thuế suất chung nhất cho mọi ngành nghề, mọi DN ở các địa phương khác nhau đều cố định ở mức thuế suất phổ thông nhất định (Từ 2009 đến nay là 25%; từ 2004 đến 2008 là
28%; trước năm 2004 là 32%) thì không thể nghiên cứu được tác động của thuế đến cấu trúc vốn của DN Việt Nam. Do vậy, trong mô hình kinh tế lượng của hầu hết các nghiên cứu trước đây tại Việt Nam đều không đưa vào biến giải thích là thuế TNDN. Tuy nhiên do tính chất quan trọng của nhân tố thuế TNDN như đã phân tích ở trên nên tác giả Trần Thị Thanh Tú (2007) đã khẳng định, trong điều kiện sau này khi chính sách thuế của Việt Nam phát triển thì nhất thiết biến này cần được đưa vào để hoàn thiện mô hình [13].