(i) Nhóm các doanh nghiệp có ROA < Tc.
Giải pháp về tái cấu trúc vốn: Sử dụng nợ vay dưới 30%
Những DN thuộc nhóm này (điển hình như Công ty TNHH Một thành viên Kim Chi, Công ty TNHH Một thành viên Hồng Lâm, DNTN Thuý Hà, DNTN Triệu Mẫn …)
là những DN hiện đang trong tình trạng hoạt động có hiệu quả kinh doanh rất thấp, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh du lịch nghèo nàn, lạc hậu, thị phần nhỏ, khả năng cạnh tranh yếu. Tuy nhiên, hiện các DN này vay nợ khá cao, trong đó chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn. Trong tình trạng này, nếu sử dụng nợ càng nhiều sẽ dẫn đến làm giảm mạnh giá trị DN và nhiều rủi ro dẫn đến nguy cơ phá sản. Vì vậy các DN này là cần tập trung giải quyết nhiều vấn đề mà trước hết là tái cấu trúc vốn để hạn chế hiệu ứng tiêu cực của đòn cân nợ và giảm áp lực về thanh toán các khoản nợ vay. Vì vậy, các DN này nên áp dụng cấu trúc vốn với tỷ lệ nợ dưới 30%. Với tỷ lệ nợ thấp sẽ giúp cho DN giảm thiểu được rủi ro trong điều kiện kinh doanh gặp khó khăn, mặt khác giúp DN tập trung củng cố lại hoạt động kinh doanh cho phù hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, cải tiến đã dạng hóa chất lượng sản phẩm du lịch cho đến khi hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi sẽ tăng tỷ lệ vay nợ phục vụ cho nhu cầu đầu tư mở rộng kinh doanh, phát triển thị trường và khi đó sẽ tận dụng được hiệu ứng tích cực của đòn cân nợ.
Để thực thi mô hình này, các DN thuộc nhóm này có thể gia tăng VCSH bằng cách kêu gọi nguồn tài trợ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Bởi vì, trong trường hợp này, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, rủi ro lớn thì các DN khó có thể huy động vốn từ nội bộ doanh nghiệp. Trong trường hợp này DN chỉ có thể hấp dẫn đầu tư đối với các nhà đầu tư mạo hiểm sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao.
Các giải pháp hỗ trợ khác:
Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch: Một mặt cần chú ý nâng cao chất lượng đối với các sản phẩm, dịch vụ hiện có; mặt khác phải thường xuyên nghiên cứu thăm dò khảo sát nhu cầu thị hiếu của khách hàng để để đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, khai thác đưa vào hoạt động các dịch vụ du lịch mới hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng. Để cải tiến chất lượng dịch vụ hiện có, các DN cần chú ý đào tạo nâng cao tay nghề cho nhân viên, cải thiện các hoạt động dịch vụ. Những nỗ lực này sẽ giúp cho DN cải tiến được chất lượng sản phẩm du lịch, cải thiện hình, nâng cao uy tín, vị thế từ đó thu hút các đối tượng khách hàng tiềm năng góp phần gia tăng lợi nhuận cho DN.
Để cải thiện tình trạng tỷ suất ROA quá thấp thì nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản hiện có cũng là một giải pháp hỗ trợ tốt. Để nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản thì cần rà soát xem xét xử lý thanh lý hoặc cải tạo nâng cấp đối với những TSCĐ đã hư hỏng, cũ nát hoặc lạc hậu không còn phù hợp cho hoạt động của DN.
Trong một vài năm gần đây, thị trường vốn tại Việt Nam mặc dù còn sơ khai nhưng cũng đã có những bước phát triển mới với sự tham gia của một số định chế tài chính quốc tế kéo theo sự đa dạng hóa các nguồn tài chính cùng các cơ hội huy động vốn mới thông qua một số loại hình mới như Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ tín thác, Quỹ hưu trí tự nguyện … Vì vậy, ngoài các kênh huy động vốn truyền thống, các DN cũng cần nghiên cứu tiếp cận các hình thức huy động vốn mới nêu trên để giải quyết tính trạng khó khăn về vốn của DN.
(ii) Nhóm các DN có Tc < ROA < rd.
Giải pháp về tái cấu trúc vốn: sử dụng nợ vay từ 30% đến 50%
Những DN thuộc nhóm này (điển hình như Công ty TNHH dịch vụ du lịch thương mại Phương Thắng, Công ty TNHH một thành viên Louisiane, Công Ty Cổ
Phần Du Lịch & Khách Sạn Rạng Đông…) có tình trạng hoạt động kinh doanh bình thường, năng lực cạnh tranh trung bình, hiệu quả hoạt động kinh doanh tương đối ổn định nhưng còn ở mức thấp, sản phẩm dịch vụ du lịch của DN tuy đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường nhưng khả năng kiểm soát và mở rộng thị trường chưa cao. Tuy nhiên, hiện nay trong nhóm này có một số DN vay nợ cao, trong đó chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn với rủi ro cao có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị DN.
Để giải quyết tình trạng trên các DN thuộc nhóm này cần sử dụng cấu trúc nợ thõa mãn điều kiện D/A <= ROA/rd. Nhằm cải thiện và từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, bao gồm cả vốn vay và VCSH, các DN này nên tái cấu trúc vốn theo hướng sử dụng nợ với tỷ lệ nợ từ 30 đến 50 %. Với cấu trúc vốn này, một mặt tiếp tục duy trì kết quả, hiệu quả hoạt động và củng cố thị trường, mặt khác sẽ giúp cho DN có nguồn vốn đầu tư mở rộng kinh doanh, xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phục vụ dịch vụ du lịch, đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ lao động,…từng bước tăng dần khả năng cạnh tranh, tạo uy tín tốt trên thị trường và gia tăng thị phần hoạt động của DN, ngoài ra tận dụng được những hiệu ứng tích cực của đòn cân nợ làm gia tăng giá trị của DN và giá trị VCSH.
Để thực thi giải pháp này, các DN cần gia tăng VCSH bằng cách thực hiện liên doanh, liên kết mở rộng kinh doanh để duy trì một tỷ lệ nợ vay cân bằng trong cấu trúc vốn nhằm hạn chế rủi ro khi hoạt động kinh doanh không thuận lợi. Tuy nhiên, nếu không thể gia tăng nguồn VCSH hoặc do chi phí sử dụng VCSH quá cao so với sử dụng nợ vay thì DN có thể đi vay nếu tỷ suất nợ phải nằm trong khoảng giới hạn an toàn cho phép thỏa mãn điều kiện D/A <= ROA/rd.
Các giải pháp hỗ trợ khác:
Đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh bằng cách thực hiện các hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của mỗi bên cùng cung cấp một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh ra thị trường. Ví dụ một DN có lợi thế về mặt bằng, vị trí phục vụ du lịch nhưng không có vốn có thể hợp tác kinh doanh với một DN khác có vốn đang tìm kiếm một vị trí địa điểm thích hợp có lợi thế để đầu tư hoạt động kinh doanh du lịch.
Luôn hướng đến việc đổi mới và hoàn thiện hệ thống quản lý nhằm tạo ra những sản phẩm dịch vụ du lịch có chất lượng cao, thường xuyên đổi mới và nâng cấp
cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ dịch vụ du lịch, nghiên cứu và tìm tòi mở rộng danh mục sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng phù hợp với nhu cầu và đòi hỏi của thị trường du khách nước ngoài.
Xây dựng bộ máy quản lý gọn nhẹ, hiệu quả và thường xuyên tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực hiên có cũng như có chính sách thu hút nhân tài một cách hợp lý. Mặt khác cần chú ý bố trí phân công lao động hợp lý, giải quyết những lao động không đáp ứng được yêu cầu thách thức của thời kỳ mới.
(iii) Nhóm các DN có ROA > rd.
Giải pháp về tái cấu trúc vốn: Sử dụng nợ vay từ 50% đến 70%
Đây chủ yếu là các Công ty CP và một số Công ty TNHH có quy mô lớn (điển hình như Công ty TNHH một thành viên Vinpearl, Công Ty CP Địa ốc - Du Lịch Đông Hải, Công ty CP Yasaka SàiGòn Nha Trang…). Các DN này hiện đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả, khả năng cạnh tranh mạnh, thị phần lớn có tỷ suất nợ trên 50%. Với tỷ suất nợ này, các DN này đã phát huy hiệu ứng tích cực của đòn cân nợ. Tuy nhiên, với cấu trúc vốn này sẽ rất nguy hiểm một khi hoạt động kinh doanh của DN gặp khó khăn. Mặt khác, các DN này chủ yếu cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch cao cấp hướng tới phân khúc thị trường là nhóm đối tượng khách du lịch quốc tế nên chịu ảnh hưởng rất lớn của thị trường du lịch thế giới và cả nước. Do vậy, để vừa khai thác tối đa hiệu ứng đòn cân nợ, vừa hạn chế đến mức tối thiểu các rủi ro có thể xảy ra thì hướng tái cấu trúc vốn trong khoảng 50% -70% là giải pháp hợp lý và tối ưu nhất.
Để thực thi giải pháp này thì song song với việc duy trì một tỷ suất nợ ở mức cao nhưng vẫn trong phạm vi kiểm soát, các DN thuộc nhóm này cũng vẫn có thể gia tăng VCSH thông qua việc phát hành cổ phiếu để tăng VCSH trong trường hợp chi phí sử dụng VCSH thấp hơn chi phí lãi vay, hoặc sử dụng chính sách phân phối cổ tức thấp để trích lợi nhuận hàng năm bổ sung VCSH. Với cấu trúc vốn này sẽ giúp cho DN vừa phát huy được hiệu ứng tích cực của đòn cân nợ vừa hạn chế thấp nhất rủi ro trong trường hợp có biến cố trong kinh doanh.
Các giải pháp hỗ trợ khác:
Khai thác tối đa các tiềm năng và thế mạnh hiện có của DN như thương hiệu, cơ sở vật chất, vị trí địa điểm kinh doanh, năng lực quản lý, chất lượng phục vụ … để
không ngừng duy trì số lượng đối tượng khách hàng truyền thống tại các thị trường truyền thống đồng thời mở rộng sự quan tâm, chú ý và khai thác các đối tượng khách hàng mới trên phân khúc thị trường mới đặc biệt là các hãng lữ hành và khách du lịch quốc tế đến từ các quốc gia châu Phi, Nam Á, Viễn đông, Trung Cận Đông …
Sử dụng lợi thế từ khả năng sử dụng nợ để đầu tư đổi mới hiện đại hoá cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ du lịch cũng như hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài việc tạo lập thương hiệu uy tín với các khách hàng, DN cần phải đổi mới không ngừng, phải luôn hướng đến mục tiêu tăng trưởng dựa trên cơ sở hiện đại hoá.
Việc xác định và duy trì thực hiện một cấu trúc vốn hợp lý tối ưu có vai trò quan trọng đối với mọi loại hình DN, tuy nhiên riêng đối với các Công ty CP thì điều này càng có ảnh hưởng tác động mạnh mẽ hơn cả. Vì so với các loại hình DN khác thì các Công ty CP là các DN cần phải thường xuyên quan tâm đến vấn đề cấu trúc vốn trong việc cân nhắc giữa lựa chọn sử dụng nợ vay hay sử dụng VCSH thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu. Vì vậy đối với các Công ty CP, cần xây dựng một đội ngũ chuyên gia có năng lực trong phân tích và hoạch định chiến lược tài chính cho DN trong từng giai đoạn cụ thể.