Đối với Chính Phủ và các cơ quan trung ương

Một phần của tài liệu phân tích cấu trúc vốn trong các doanh nghiệp du lịch tại tỉnh khánh hòa (Trang 118)

(i) Về đổi mới chính sách thuế

Trong mô hình Miller đưa ra về cấu trúc vốn tối ưu, vai trò của thuế TNDN rất quan trọng, thông qua cơ chế đòn bẩy tài chính, tạo ra khả năng sinh lợi cao hơn cho VCSH. Song, chính sách thuế hiện tại của Việt Nam còn cứng nhắc, chưa phát huy được tác dụng “ thần kỳ” của nó đến hoạt động tài chính của DN. Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các thị trường tài chính quốc tế và khu vực, xu thế hội nhập các thông lệ quốc tế và khu vực về thuế quan và các chính sách kinh tế vĩ mô đã và đang đặt ra thách thức với ngành thuế của Việt Nam. Trong Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020, hệ thống chính sách thuế đã đưa ra 10 nội dung cải cách đối với các sắc thuế hiện tại và hoàn thiện, bổ sung một số sắc thuế mới. Trong đó, có

hai chính sách thuế ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư và cấu trúc vốn của DN, đó là: thuế TNDN và thuế tài sản.

Chính sách thuế TNDN trong thời gian tới có xu hướng giảm từ mức 25% xuống còn 20-23%. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các nước có chính sách thuế phát triển, và do điều kiện Việt Nam hiện nay, chỉ số năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh là khác nhau, do vậy, không nên áp dụng một mức thuế suất chung là 25% cho tất cả các DN ở các địa phương khác nhau. Vì vậy thay vì chỉ áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN cho các DN mới thành lập trong các lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư trong một thời gian nhất định như hiện nay, cần xây dựng các mức thuế suất thuế TNDN khác nhau để áp dụng đối với từng lĩnh vực, địa bàn khác nhau, ví dụ đối với các địa bàn, lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư thì áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức phổ thông; ngược lại đối với những địa bàn, lĩnh vực cần hạn chế hoặc không khuyến khích đầu tư thì áp dụng mức thuế suất cao hơn mức phổ thông … Ở các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có thể áp dụng mức thuế suất linh hoạt cho các DN. Khi đó, các DN sẽ tận dụng được tối đa phần tiết kiệm thuế do sử dụng nợ, chính sách xây dựng cấu trúc vốn của DN sẽ đa dạng, phong phú hơn.

Trên thế giới, bên cạnh các sắc thuế trực thu tác động đến thu nhập và chi phí của DN, còn có các sắc thuế tác động đến vốn và tài sản của DN. Trong chiến lược cải cách thuế của Việt Nam, thuế tài sản cũng đã được nghiên cứu đề xuất, tuy nhiên, đối tượng áp dụng mới chỉ là các tài sản thuộc sở hữu của cá nhân như: ô tô, tàu thuyền, nhà. Trong thời gian tới, nên mở rộng đối tượng áp dụng sang các tài sản của DN. Khi đó, các hoạt động đầu tư của DN cũng sẽ được điều chỉnh, buộc các DN phải thận trọng và cân nhắc khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó, các kế hoạch huy động vốn sẽ được quan tâm thích đáng, xây dựng một cách chủ động, gắn liền với kế hoạch sử dụng vốn của DN.

(ii) Về chiến lược thu hút và tận dụng đầu tư:

Việc phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các khu du lịch như hệ thống giao thông, hệ thống điện, hệ thống nước, xử lý chất thải, bưu chính viễn thông, ...có tính quyết định trong việc thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch. Nếu không giải quyết sớm sẽ làm chậm việc thực hiện các dự án đăng ký đầu tư, làm mất thời cơ và đối tác đầu tư. Việc Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, cơ chế chính

sách cũng là một biện pháp quan trọng nhằm thu hút vốn ĐTNN nước đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Để tạo thuận lợi cho các nhà ĐTNN, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, có cơ chế chính sách minh bạch, thông thoáng.

Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích sự hỗ trợ của các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với các DN đang gặp khó khăn. Thực tế cho thấy các quỹ đầu tư mạo hiểm hiện nay tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Do đó, việc tiếp cận các quỹ này đối với các DN du lịch tỉnh KH gặp nhiều khó khăn. Do đó, Chính Phủ cần có những chính sách khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm đến các địa phương để hỗ trợ vốn cho các DN đang gặp khó khăn.

(iii) Phát triển kênh huy động vốn từ thị trường chứng khoán:

Một trong những kênh huy động vốn cho các DN du lịch là từ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán càng phát triển thì các DN càng có nhiều cơ hội để huy động vốn và xây dựng cấu trúc vốn tối ưu cho từng giai đoạn phát triển nhất định của mỗi DN. Vì vậy để thị trường chứng khoán Việt Nam có thể nhanh chóng phát triển trở thành một kênh huy động vốn quan trọng và thường xuyên của các DN nói chung và DN du lịch nói riêng, Nhà nước cần chú trọng đến tăng cường cơ chế quản lý, giám sát công bố thông tin trên thị trường, tạo ra một thị trường minh bạch giúp các nhà đầu tư có thể ra quyết định dựa trên thông tin đầy đủ, hệ thống và chính xác. Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường, thiết lập một môi trường pháp lý ổn định, đồng bộ cho hoạt động kinh doanh chứng khoán. Đồng thời tăng cường tính hiệu lực của các văn bản pháp luật trong lĩnh vực hoạt động và kinh doanh chứng khoán. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt thích đáng đối với các hành vi vi phạm. Thực hiện các giải pháp “tăng cung - kích cầu”, dành cho các cổ phiếu DN vừa và nhỏ để tạo ra hàng hoá đa dạng cho thị trường. Tăng số lượng Công ty niêm yết, da dạng hoá và nâng cao tỷ trọng các Công ty lớn niêm yết, gắn việc CP hoá với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, cần xây dựng và mở rộng hoạt động của các trung gian tài chính, các tổ chức hỗ trợ triển thị trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Công ty, trái phiếu của Quỹ hỗ trợ đầu tư. Thiết lập một môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư, các Công ty niêm yết Công ty quản lý quỹ, Công ty chứng khoán như miễn thuế TNDN trong vòng 5 năm đầu hoạt động, không đánh thuế chênh lệch mua

bán giá chứng khoán. Phát triển thị trường OTC (Over-the-counter) để nâng cao kinh nghiệm của các thành viên tham gia thị trường, mức độ quan tâm và nhận thức của công chúng, mặt khác để tăng cung chứng khoán cho các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các Công ty chưa đủ diều kiện niêm yết có cơ hội tiếp cận với thị trường chứng khoán.

Mặt khác cần có chính sách khuyến khích chuyển đổi các công ty có vốn ĐTNN và các công ty TNHH có quy mô lớn thành các công ty CP niêm yết trên thị trường chứng khoán để có cơ hội thu hút các nhà đầu tư mới nhằm gia tăng vốn chủ của DN

(iv) Đẩy mạnh các hoạt động nhằm xây dựng tỉnh KH trở thành một trung tâm du lịch lớn của các nước và thế giới.

Chính Phủ cần xác định vị trí quan trọng của KH trong chiến lược phát triển du lịch khu vực Nam Trung bộ - Tây nguyên và cả nước, có kế hoạch hỗ trợ vốn và các chính sách ưu tiên thuận lợi cho sự phát triển của ngành. Tiếp tục cấp vốn qui hoạch cho khu du lịch quốc gia trên địa bàn tỉnh như khu du lịch Vịnh Nha Trang gắn với đảo Hòn Mun, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, và một số khu du lịch khác... Ưu tiên vốn đầu tư để bảo vệ, nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa, các danh lam thắng cảnh đã được đánh giá để phát triển du lịch dọc các tuyến du lịch quốc gia và địa phương trên địa bàn KH. Cho phép lập quy hoạch phát triển thành phố Nha Trang theo hướng đô thị du lịch biển hiện đại của Việt Nam, một trong những trung tâm tổ chức sự kiện hội nghị hội thảo, vui chơi giải trí của cả nước và khu vực. Chuyển chức năng cảng biển Nha Trang thành cảng du lịch; nâng cấp sân bay Quốc tế Cam Ranh; nâng cấp nhà ga và các dịch vụ kèm theo nhằm đảm bảo đưa đón khách du lịch thuận tiện. Chuyển chức năng sử dụng sân bay quân sự Nha Trang, tạo tiền đề thuận lợi phát triển các dịch vụ cho thành phố Nha Trang nói riêng và tỉnh KH nói chung; Cho phép tỉnh KH nghiên cứu phát triển loại hình dịch vụ casino nhằm thu hút khách du lịch cao cấp. Các Bộ ngành ở Trung ương cần phối hợp lồng ghép các chương trình các dự án của ngành mình trên địa bàn tỉnh KH gắn với phát triển du lịch để tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư phát triển du lịch cho địa phương.

Một phần của tài liệu phân tích cấu trúc vốn trong các doanh nghiệp du lịch tại tỉnh khánh hòa (Trang 118)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)