Vấn đề nhân lực là một trong ba vấn đề bất cập nhất không chỉ với nghệ thuật múa rối nước mà còn là vấn đề chung của tất cả các ngành, các cấp.
Đối với nguồn nhân lực quản lý Nhà nước. Vẫn rất cần đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn vững và đặc biệt là tâm huyết với nghệ thuật múa rối nước. Hiện nay, nhân lực các vị trí liên quan được đào tạo chuyên sâu về văn hóa. Bên cạnh đó, số lượng những nhà nghiên cứu chuyên sâu về rối nước hiện nay không nhiều. Do vậy cần tận dụng thế hệ này để đào tạo, kế nghiệp cho thế hệ kế tiếp để có được những cây đại thụ trong ngành như với các ngành lịc sử, văn hoá khảo cổ…
Về vấn đề đào tạo nhân lực phục vụ cho hoạt động múa rối nước, hiện nay có hai xu hướng:
Hướng thứ nhất, đào tạo theo lối truyền nghề. Đó là cách đào tạo truyền thống. Tất cả các phường rối dân gian tồn tại như hình thức văn nghệ dân gian. Chính vì vậy, việc truyền nghề này có ưu điểm là học hỏi nhanh vì được thực hành thực thế những gì được học. Bên cạnh đó lại có nhược điểm hạn chế về tư duy sáng tạo độc lập, bởi chỉ được truyền dạy những kinh nghiệm và thủ thuật một cách dập khuôn. Mặc dù vậy, đội ngũ nhân lực đào tạo theo lối này vẫn đang thiếu về số lượng và nhiệt huyết, yếu về năng lực.
Tại các đơn vị múa rối dân gian, thực trạng đội ngũ nhân lực đang già hóa thực sự là một vấn nạn. Bởi diễn rối nước là đam mê, trước nay không thấy ai sống bằng nghề biểu diễn rối nước. Những người làm rối, diễn rối hầu hết đều là nông dân, thợ thuyền, ai cũng có cho mình một nghề kiếm cơm riêng, có như vậy mới theo được nghiệp rối. Hơn thế nữa, để diễn được rối đỏi hỏi nhiều công sức và thời gian. Nên việc thế hệ trẻ hiện nay không có định hướng học để biết về rối, càng không có ý định theo nghiệp rối. Để thu hút nhân lực tham gia vào hoạt động duy trì nghệ thuật múa rối nước, thiết nghĩ trước tiên cần tuyên truyền để cho công chúng hiểu được giá trị của nghệ thuật dân gian độc đáo này và việc cần thiết phải duy trì và bảo tồn nó. Họ có cảm thấy cái hay, cái đẹp, cái quý giá; có cảm thấy yêu mến, cảm thấy cần thiết thì mới có hành động chung tay góp phần gìn giữ nghệ thuật múa rối nước. Gần hơn, là việc tuyển chọn người có hoàn cảnh, tư chất phù hợp để theo nghiệp rối. Và cũng cần phải có chi phí để đảm bảo phần nào công sức cho đội ngũ nhân lực này. Không thể phủ nhận vai trò tự lực cánh sinh, song, để bảo tồn và phá triển được bất cứ ngành nghề, nghệ thuật hay vốn văn hóa, di sản nào, cũng cần sự chung tay đóng góp từ nhiều nguồn, nhiều phía và bằng nhiều cách.
Hình thức thứ hai là đào tạo theo trường lớp, có khung chương trình, giáo án, giáo trình. Ngoài môn chuyên ngành còn phải học một số môn cơ bản khác. Hình thức này có ưu điểm là người học có phông kiến thức rộng hơn, có
khả năng tư duy, sáng tạo tốt hơn. Bên cạnh đó, nhược điểm là không có điều kiện thực hành hoặc cả thực hành và đạo tạo căn bản đều chưa triệt để, phổ biến tại các đơn vị múa rối chuyên nghiệp.
Đối với các đơn vị múa rối chuyên nghiệp, việc tổ chức đào tạo tuyển dụng chủ yếu lấy từ nguồn cung là sinh viên tốt nghiệp các trường nghệ thuật, viện sân khấu điện ảnh. Tại đây, nguồn nhân lực chuyên môn về âm nhạc cổ truyền, kịch hát dân tộc…có thể đảm bảo cung cấp cho các đơn vị này. Quan trọng hơn, đội ngũ diễn viên múa rối và tạo hình hiên nay chưa có cơ sở lý luận và bộ môn riêng mà được đào tạo theo hình thức kết hợp lý thuyết tại các cơ sở đào tạo chính quy, thực hành tại các đơn vị có cơ sở vật chất. Như vậy, việc thúc đẩy công tác hoàn thiện hệ thống đào tạo lý luận và thực tiễn, tăng cường giao lưu cọ xát học hỏi mở ra cơ hội lớn hơn cho nguồn nhân lực phục vụ múa rối nước.