Sân khấu múa rối nước vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam

Một phần của tài liệu Khai thác các giá trị văn hóa nghệ thuật múa rối nước ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam phục vụ phát triển du lịch (Trang 27)

1.1.3.1. Sân khấu múa rối truyền thống

Hiện nay, Việt Nam có 14 phường rối nước dân gian, các phường rối nước dân gian này đều tập trung tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Phường rối Hồng Phong: Phường có địa chỉ tại thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Chi hội trưởng là ông Nguyễn Văn Khơi. Số thành viên 22 người.

Cũng như hầu hết các phường rối nước dân gian khác, phường rối Hồng Phong chưa rõ nguồn gốc chính xác từ bao giờ, và bắt đầu từ đâu. Nội dung chủ yếu trong các tiết mục của phường phản ánh cuộc sống sinh hoạt thực tế, cả tích cực lẫn châm biếm, và tín ngưỡng trong văn hóa nông nghiệp cổ truyền. Hiện nay có thêm các tiết mục phản ánh xu hướng của cuộc sống hiện đại.

Các tiết mục tiêu biểu của phường rối Hồng Phong: Quy đốt lá xúy; Đấu ngựa cửa sóc; Cắm cờ hội; Tiên mời trầu; Múa rắn; Đánh bắt cá; Trò chơi câu ếch; Cáo bắt vịt; Múa tứ linh. [60, 164].

Phường rối Bùi Thượng: Phường có địa chỉ tại thôn Bùi Thượng, xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc, Hải Dương. Chi hội trưởng là ông Đinh Văn Phai. Số thành viên 12 người. Phường rối nước Bùi Thượng từ thời Lý (thế kỉ XI - XII) chuyên diễn phục vụ hội làng, xuân thu nhị kì, cầu đảo, vv. Các nghệ nhân cao tuổi xưa như Đinh Văn Khắc (1899), Đinh Văn Bàn (1904), Phạm Văn Dỹ (1907), Đặng Văn Nhất (1899), Nguyễn Văn Lân (1902), Phạm Văn Tương (1899) là những người thạo nghề. Trò diễn có tiếng hát của cụ Dỹ đưa đẩy. Các cụ xưa gọi máy sào là máy ngang, máy dây là máy dọc. Sân khấu Bùi Thượng có bao lơn (lan can) hai bên, có cửa nanh (cổng hành mã) ngoài cùng, hai bên cửa buồng trò có hai đình nhỏ (nhà nanh), trên xà ngang cửa nanh có hai lầu nhỏ hai bên để giấu các con rối làm trò trên không, trên đầu hai cột cửa nanh có hai đầu lân trang trí.

Các tiết mục tiêu biểu của phường rối Bùi Thượng: Tễu giáo đầu; Đốt pháo bật cờ; Tiên mời trầu; Bơi chải; Rước ảnh bác Hồ; Vợ chồng chăn vịt; Trồng cây ơn Bác; Lân tranh cầu; Xay thóc giã gạo; Tễu chui ống; Tát nước cày cấy; Thả cá; Lên voi xuống võng; Quần long vũ hội.

Ngoài ra còn một số trò từ khoảng thập niên 70, 80 của thế kỷ XX. Một số tiết mục hiện đang khôi phục biểu diễn: Chuyển lửa đốt đèn nhang; Bái Công khởi nghĩa (Tiền Hán); Hạng Vũ thiêu cung thất nhà Tần (Tiền Hán); Đường Tăng thỉnh kinh (Tây du kí); Trần Hưng Đạo bình Nguyên; Đinh Tiên Hoàng cờ lau tập trận; Triệu Tam Phủ làm mưa... [60,167].

Phường rối Thanh Hải: Phường có địa chỉ tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Năm 1999, phường rối nước Thanh Hải được thành lập từ phường rối nước An Liệt. Số thành viên hiện tại là 32 người. Trường phường là ông Phạm Khắc Xoa.

Nguồn gốc phường múa rối nước Thanh Hải: Tương truyền, rối nước thôn An Liệt có từ 300 năm nay. Những người đàn ông trong làng giỏi nghề mộc, phụ nữ chuyên nuôi tằm dệt lụa; họ hình thành từng tốp đi “tứ đỉnh đường trong, ngũ tỉnh đường ngoài” bán vải và làm thợ dựng đình, chùa. Nhờ đó dân làng biết thêm nghề, tiếp thu được nhiều điều hay ở các địa phương, rồi tự lập nên những phường hội mới như hội làm pháo hoa, pháo nổ; hội chèo, tuồng Bắc; hội vật, hội xếp mâm bồng bằng các loại hoa quả; hội kèn đồng; hội tế và hội rối nước. Hàng năm vào dịp hội làng, các hội cùng nhau tế Tổ và biểu diễn trong ba ngày (20,21,22 tháng Giêng âm lịch).

Đặc điểm nổi bật của phường rối Thanh Hải là sử dụng nhiều loại pháo, như pháo thăng thiên, pháo hoa, pháo phụt, pháo quay, pháo chuột, pháo vịt…Mỗi loại pháo có cách pha chế và công dụng khác nhau. Nhiều tích trò do các trưởng phường, các phường viên sáng tác ra như: Trâu vàng (nhân sự kiện nước ta đăng cai Sea Games 22), Lễ đón bằng làng văn hoá. Ngọc Hoàng xuống trần gian. Nội dung chủ yếu là phản ánh về các sinh hoạt đời sống bình dị của người dân đồng bằng Bắc Bộ như: Hội thi xuống đồng, Vinh quy bái tổ, Pháo chạy chuột... Không chỉ biểu diễn cho bà con trong làng xem, phường rối còn thường xuyên được mời đi biểu diễn ở khắp các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Trước năm 1945, rối nước Thanh Hải còn diễn ở nhiều nơi. Sau, do chiến tranh kéo dài, đời sống khó khăn, phường ngừng hoạt động. Năm 1999, phường chính thức được phục hồi và tồn tại đến nay. Đến nay, phường đã tổ chức biểu diễn khoảng 500 buổi phục vụ hơn 100 nghìn lượt nhân dân trong và ngoài địa phương cùng du khách quốc tế. So với rối nước Hồng Phong thì rối nước Thanh Hải tái lập muộn hơn 10 năm, nhưng cũng đã gặt hái được những thành công đáng khâm phục, thể hiện được truyền thống, sự sáng tạo, quyết tâm của người dân nơi đây. Sau 2 năm tái lập, tháng 9-2001, phường rối nước Thanh Hải đã giành giải nhất Liên hoan múa rối nước tỉnh lần thứ nhất. Một năm sau, phường được kết nạp vào Trung tâm UNIMA Việt Nam (nay là Liên chi hội Múa rối

UNIMAViệt Nam). Những năm sau đó, phường lần lượt tham dự liên hoan của tỉnh (năm 2003, 2007), Festival Huế năm 2004, đều đạt giải cao; năm 2005, giành giải nhất tại Liên hoan múa rối nước toàn quốc tại đền Hùng. [79].

Một số tiết mục đặc sắc: Tễu giáo đầu; rồng đốt lá đề, ngựa chiến trên dàn sóc; sự tích hồ Gươm; hội xuống đồng; chọi trâu; chuyện chàng câu ếch; quay tơ dệt lụa; hát văn; vũ hội quần long.

Ngoài ra, còn có các tiết mục hiện nay đang khôi phục: Trò vũ thượng; múa trên đầu gậy; rút dây phăng ruột; vịt rút; pháo thăng thiên; múa lân; múa cá, múa rắn; múa bồ nông; chăn vịt; Tam Tạng đi lấy kinh; bộ đội duyệt binh; đánh vật; rước ảnh Hồ Chủ Tịch; múa tiên; cày, bừa, cấy; tứ nữ đồng ca. [60,165].

Phường rối Chàng Sơn: Phường có địa chỉ tại làng Chàng Sơn, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Số thành viên hiện tại 21 người. Trưởng phường là ông Nguyễn Văn Dậu. Làng Chàng Sơn cách huyện lỵ khoảng 3 km về phía Đông Nam, cách trung tâm thành phố Hà Nội 30 km về phía Tây Bắc. Phía Đông và Nam giáp xã Thạch Xá, phía Tây giáp các xã Cần Kiệm, Kim Quan, Liên Quan; phía Bắc giáp các xã Hương Ngải, Canh Nậu. Diện tích xã khoảng 585 mẫu Bắc Bộ tức 250 hecta, thành phần dân cư đại đa số là người Kinh, 98% dân số theo đạo Phật còn một bộ phận nhỏ theo đạo Thiên Chúa. Chàng Sơn được biết đến như một làng nghề tiêu biểu ở tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Chàng Sơn nổi tiếng khắp xứ Đoài xưa là dân "bách nghệ". Trong đó nổi tiếng nhất là nghề làm mộc. Vì thế, con rối của phường rối Chàng Sơn sinh động hơn nhiều nơi khác do chúng được thực hiện bởi các nghệ nhân làng mộc nổi tiếng với tay nghề tinh xảo.

Năm 2002, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch) và Quỹ văn hóa Việt Nam - Thụy Điển đã tài trợ để xã Chàng Sơn xây dựng nhà thủy đình kiên cố và thuỷ đình cơ động. Phường rối đã phục hồi, đào tạo được 15 diễn viên trẻ, làm mới một bộ con rối, con giống với 22 tích trò, biểu diễn từ 60 - 90 phút. Phường rối Chàng Sơn đã tham gia bộ phim tài

liệu "Miền nhớ" do Đài phát thanh – truyền hình Hà Tây dàn dựng nhằm bảo tồn múa rối nước; đạt giải B tại cuộc thi rối nước do Quỹ Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển tổ chức.

Năm 2007, cùng với sự đóng góp của nhân dân địa phương, Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân xã Chàng Sơn đã đầu tư kinh phí gần 1 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp ao gạch phục vụ trò dịp hội làng. Rối Chàng Sơn đã vượt qua ao làng lên phố biểu diễn ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, giành nhiều giải thưởng, bằng khen giấy khen. Không chỉ vậy, rối Chàng Sơn đã nhiều lần theo các nghệ sỹ làng xuất ngoại.

Các tiết mục của phường gồm có: Giáo đầu – bật cờ; hai bà tượng dân quân; trèo lấy cau; mời trầu; cầy, bừa, cấy; thăm đồng– rắn bắt chuột; xay lúa – giã gạo; cá vật đẻ; cốc mò cá; thủy tộc; thuồng luồng, rái cá, rùa; câu cá; chăn vịt; vật đánh đu; sư tử vờn cầu; hồi quân.[60, 152].

Phường rối Thạch Xá: Phường có địa chỉ tại xã Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội. Tổng số thành viên 20 người. Trưởng phường là ông Lê Văn Điều. Hội làng vào ngày 17-18/7 âm lịch hàng năm. Ngoài ra phường diễn chính vào kỳ hội chùa Tây Phương vào 5-6/3 âm lịch.

Rối Thạch Xá, hay còn gọi là rối làng Yên. Cùng với làng Chàng Sơn và làng Ra (phường rối Bình Phú), làng Yên cùng một tổ nghề do Đức Từ Đạo Hạnh truyền dạy, cùng có lịch sử hơn 1000 năm với nhiều thăng trầm. Tuy nhiên, do quá trình duy trì, phát triển và biến đổi, rối làng Yên cũng có điểm khác biệt: Các nơi khác thường chú Tễu ra chào khán giả mở màn cho buổi diễn, thì ở rối nước làng làng Yên lại là các trò tướng Loa ra chào khán giả; các làng khác dùng gỗ sung thì làng Yên dùng gỗ vàng tâm, tốt hơn, và sơn ta phủ 4-5 lớp, nên con rối bền hơn các nơi khác. Các con rối làng đang dùng có tuổi thọ khoảng 50 năm. Đặc điểm chung của con rối làng Yên là con rối nhỏ, chiều cao trung bình khoảng 30cm.

Các tiết mục đặc sắc của phường: Tướng Loa dẫn chương trình; leo cây đốt pháo; kéo quân mời trầu; bơi lội vật; rước kiệu; vui sản xuất; múa rồng; đánh cá; tứ linh; chăn vịt; tứ mã tranh tài; Tễu chào khán giả.

Phường rối Bình Phú: Số thành viên hiện nay 22 người, địa chỉ tại xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Trưởng phường là ông Nguyễn Hữu Đoàn. Phường rối Bình Phú còn có tên là phường rối Phú Đa, phường làng Ra. Theo truyền thuyết của làng, Đức Từ Đạo Hạnh chính là người dạy dân làng Ra múa rối nước. Thành Hoàng của làng là ông Đào Khang Tiếu, xưa là tướng của Hai Bà Trưng. Do đó, trong các tiết mục của phường rối Bình Phú, con rối thường mang hơi hướng nhà Phật. Xuất thân từ nguồn gốc đất võ, do đó, nhân vật mở màn không phải là chú Tễu quen thuộc mà là tướng Loa. Nội dung phản ánh tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư địa phương.[59].

Trước đây, rối Bình Phú chỉ diễn ở thùy đình, sau này được sự quan tâm của Nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông quan các quỹ như Quỹ văn hóa Việt Nam – Thụy Điển, Quỹ Ford tài trợ đào tạo diễn viên, làm nhà Thủy đình di động. Do vậy, rối nước Bình Phú ngoài diễn tại thủy đình, hiện nay còn có thể đi diễn khắp mọi nơi, mọi địa hình. Các địa phương phường đã đi diễn như Hà Giang, Đà Nẵng, Huế, diễn phục vụ Đại hội Đảng lần thứ IV năm 1976.

Ngoài ra, phường còn đi biểu diễn ở nước ngoài. Tháng 3/1999, 17 nghệ nhân của phường sang Đài Loan biểu diễn. Năm 2002, phường lại sang biểu diễn tại Italia. Các đạo cụ, con rối do nghệ nhân làng sáng tác ra từng được trưng bày tại Hà Nội nhân kỷ niệm 990 năm, 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; từng được đưa sang triển lãm giới thiệu về văn hóa Việt Nam ở nhiều nước như Áo, Singapore, Mỹ…

Phường rối Bình Phú chủ yếu dùng kỹ thuật dây máy, chỉ khoảng 1/3 các trò là kỹ thuật máy sào. Các tiết mục đặc sắc của phường hiện nay gồm có: Tướng loa; Mời trầu; leo cột cắm cờ; đốt pháo, mở cờ; rước kiệu, rời tượng; múa rồng, thuồng luồng; cày bừa, chọi trâu; thủy tộc hội bàn (úp cá, thuyền câu, câu cá); đấu vật, thi bơi, leo thang; nhảy vòng lửa; ngựa tứ cửa, ngựa giàn, chém chuối; Tễu kết thúc. [60,151].

Phường rối Nhân Hòa: Số thành viên hiện nay: 16 người. Địa chỉ tại làng Nhân Mục, xã Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Phòng. Trưởng phường là ông Trần Văn Phước. Phường có cả rối nước và rối cạn. Phường rối có từ bao giờ, các nghệ nhân cao niên hiện nay trong phường theo nghề từ thời trẻ cũng không biết chính xác. Chỉ biết rằng nguồn gốc của phường bắt nguồn từ rối cạn. Chiến tranh, loạn lạc, múa rối bị mai một. Hòa bình lập lại, người dân lại bị cuốn vào vòng quay mưu sinh thời bao cấp nên trò rối nước cũng ít được người ta nhắc đến. Chỉ thi thoảng, dịp Tết Nguyên đán, vài lão nông trong làng tụ lại bỏ rối ra chơi cho đỡ nhớ...Đến năm 1983, rối làng Nhân Mục được khôi phục lại. Phường rối nước Nhân Hòa lại được dịp thỏa sức đem lại tiếng cười trong các dịp lễ hội. Cuộc sống mới trở lại, có thêm các lịch đặt của các công ty, đơn vị, phường lại lên đường đi diễn.

Các tiết mục đặc sắc của phường bao gồm: Tễu giáo đầu; múa tiên; múa rồng; hoàn kiếm; cáo bắt vịt; nhi đồng hý thủy; phù thủy sợ ma; chọi trâu; phượng giao duyên; Thạch Sanh; đánh cá; cầy bừa, xay lúa, giã gạo; câu ếch; múa tứ linh.

Ngoài ra còn có các tiết mục: Bật cờ, bật đèn; kéo cờ; đấu vật; chồng người; rước kiệu; lân tranh cầu; kéo vó, úp nơm; rước ảnh Hồ Chủ Tịch; đánh tàu chiến; Thị Màu lên chùa; xay thóc giã gạo; tô tượng đúc chuông; phòng gian bảo mật; phòng không nhân dân; sản xuất chiến đấu. [60,171-172].

Phường rối Nghĩa Trung: Số thành viên hiện nay bao gồm 16 người. Địa chỉ tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Trưởng phường ông Phạm Thế Toàn.

Phường rối Nghĩa Trung là một trong số những cái nôi đầu tiên của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam. Cùng với hoàn cảnh lịch sử - xã hội chung của đất nước, phường rối trải qua nhiều thăng trầm tưởng như không thể tồn tại được. Hơn chục năm trở lại đây, phường rối Nghĩa Trung mới được khôi phục lại và đến nay đã khẳng định được chỗ đứng trong lòng khán giả bởi những tích trò đặc sắc và sự tài tình của các nghệ sĩ. Phường luôn có suất

diễn ở hầu khắp các tỉnh thành trong Nam ngoài Bắc và là một trong 14 phường rối dân gian được mời biểu diễn định kỳ tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam để phục vụ khách tham quan du lịch.

Để đáp ứng nhu cầu của khán giả hiện đại, các nghệ nhân phường rối Nghĩa Trung đã biết làm mới các tích trò thông qua việc chọn lọc nhạc nền, sáng tác lời mới cho các tích trò cũ, thậm chí cả việc tự sáng tạo vở diễn mới... Ngoài việc chọn lọc và tập theo các tích trò cổ, họ còn sáng tạo được một vài trò riêng cho mình. Đó là những vở diễn ngắn với đề tài liên quan đến đời sống đương đại như về dân số, HIV. Phần âm nhạc thì sử dụng làn điệu chèo cổ và tự sáng tác lời. Con rối cũng có một vài điểm khác, chẳng hạn sư tử của các phường khác chỉ có mỗi cái đầu, nhưng con rối phường Nghĩa Trung có cả thân, vì vậy khi điều khiển cần phải khéo léo hơn. Nhìn chung, kỹ thuật biểu diễn không điêu luyện và nổi trội, nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc, hồn nhiên, mang hơi thở của đồng ruộng. Chính điều này lại làm nên hiệu ứng tốt đối với du khách, đặc biệt là du khách phương Tây.

Thành tựu: Tại Liên hoan Múa rối dân gian toàn quốc lần thứ Nhất tổ chức tại Hải Dương tháng 06/2011, phường rối nước Nghĩa Trung tham gia 10 tiết mục Thạch Sanh chém trăn tinh, Rồng thiêng đất Việt, Vợ chồng ông chài, Chàng câu ếch, Múa tứ linh… Trong đó, 3 tiết mục do chính các nghệ nhân tự sáng tác và dàn dựng đoạt giải thưởng cao, như Múa hát văn, Hoa bướm (nội dung tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường), Lời ru của mẹ (tuyên truyền phòng chống HIV)...Ban Tổ chức Liên hoan đã trao giải A cho tiết mục Múa hát văn và giải B cho tiết mục Hoa bướm của phường.

Một phần của tài liệu Khai thác các giá trị văn hóa nghệ thuật múa rối nước ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam phục vụ phát triển du lịch (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)