Căn cứ vào nguyên tắc phát triển du lịch được quy định trong Luật Du lịch năm 2005:
1. Phát triển du lịch bền vững, theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm hài hoà giữa kinh tế, xã hội và môi trường; phát triển có trọng tâm, trọng điểm theo hướng du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch sinh thái; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của tài nguyên du lịch.
2. Bảo đảm chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 3. Bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, lợi ích chính đáng và an ninh, an toàn cho khách du lịch, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch.
4. Bảo đảm sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư trong phát triển du lịch.
5. Góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại và giao lưu quốc tế để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
6. Phát triển đồng thời du lịch trong nước và du lịch quốc tế, tăng cường thu hút ngày càng nhiều khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, hàng loạt các chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, và các chương trình hành động quốc gia về Du lịch, các năm Du lịch quốc gia, festival du lịch và văn hóa đã cho thấy sự quan tâm
của Đảng, Nhà nước về định hướng phát triển du lịch. Qua đó, ngành Du lịch Việt Nam cũng đã có những bước tiến nhất định và từng bước vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Điển hình, năm 2010, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 5.049.855 lượt, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2009. 8 tháng đầu năm 2011, lượng khách du lịch quốc tế đến việt Nam đạt 3.960.000 lượt khách, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2010. Lượng khách du lịch từ tất cả các thị trường đều có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2010. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 23 triệu lượt. Thu nhập từ du lịch vào khoảng 85 ngàn tỷ đồng, đạt 77,3% mức kế hoạch cho cả năm là 110 ngàn tỷ đồng.
Thành quả này dựa trên một quá trình phấn đấu lâu dài, sáng tạo thực hiện chiến lược và chương trình hành động quốc gia, đồng thời cũng dựa trên nền tảng ổn định kinh tế, chính trị, xã hội và phát triển kinh tế chung của đất nước. Trong các nguyên nhân đó, cần phải nhấn mạnh đến việc khai thác này càng tốt hơn các di tích lịch sử, cách mạng, văn hóa, danh lam thắng cảnh phục vụ phát triển du lịch.