Hiện nay, các phường rối nước dân gian đều có số thành viên dao động trong khoảng từ 15 – 20 người. Phần đông là nam giới. Tuy nhiên, một số phường rối hiện nay có sự tham gia của nữ giới, nhưng chủ yếu trong vai trò ca nương, nhạc công. Một bộ phận nhỏ có thể điều khiển con rối. Các thành viên có độ tuổi khác nhau, nhưng chủ yếu ở độ tuổi trung niên. Có nghề nghiệp, công việc chính chủ yếu là làm nông và nghề thủ công, nghề phụ. Khi có hội hè, yêu cầu cụ thể họ gác lại công việc đồng áng tham gia và công việc chung của phường. Vì vậy nhân lực múa rối dân gian không qua đào tạo bài bản, chủ yếu là không chuyên, cha truyền con nối. Ngoài một phần các dự án phát triển văn hóa của quỹ Ford, Việt Nam – Thụy Điển một số ít thanh niên được đào tạo ngắn hạn bài bản, nhưng sau đó lực lượng này không phục vụ nhiều cho múa rối nước mà tản ra mưu sinh. Đặc biệt, ngoại ngữ là vấn đề hạn chế lớn nhất của múa rối nước truyền thống. Do xuất phát từ chủ yếu là nông dân, thợ thủ công, đến với rối nước không phải là một nghề, nên không có phường nào có khả năng sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh để giao lưu hướng dẫn trực tiếp cho du khách quốc tế. Việc giao lưu giữa khách và các nghệ nhân thông qua hướng dẫn viên. Đây là hạn chế khách quan. Tuy nhiên, nếu được định hình phát triển du lịch và được đào tạo hoặc định hướng, hỗ trợ về chuyên môn và tài chính, sẽ có biến đổi tích cực.
Về thu nhập, tiền công: Tính theo ngày công làm, do trưởng phường hạch toán và chia đều cho các thành viên theo quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể. Nhìn chung, việc tham gia biểu diễn múa rối nước không mang tính làm kinh tế nuôi sống gia đình, cuộc sống của các thành viên trong phường. Thu nhập mang tính trang trải chi phí thực tế và một phần động viên các thành viên gắn bó với nghề, bảo tồn và giữ gìn văn hóa quê hương, đem lại niềm vui, tiếng cười cho khán giả.
Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực: Xuất phát từ tính chất dân gian, các tác phẩm múa rối nước mang tính khuyết danh, truyền miệng, và cha
truyền con nối. Trước đây, việc lựa chọn người tham gia vào phường mang tính khắt khe và chỉ chọn nam giới nhằm đảm bảo tính bí mật. Hiện nay, tính bí mật vẫn được duy trì. Song do cơ chế thị trường, việc tìm kiếm nhân lực tiếp nối truyền thống gặp khó khăn. Thế hệ trẻ không có nhiều điều kiện thời gian để theo đuổi nghiệp rối. Một bộ phận các bạn trẻ được truyền tâm huyết, chỉ có thể được đào tạo tranh thủ bởi các bậc đàn chú, đàn anh, khi rảnh rỗi công việc hoặc việc học hành. Chủ yếu nguồn nhân lực này phục vụ công việc điều khiển con rối. Ngoài ra, các vị trí khác như đào hát, nhạc công thợ đục, đẽo, sơn rối…dựa chủ yếu vào một số ít thành viên có năng khiếu, hoặc có tay nghề phụ kiêm nhiệm, và lấy từ các em, con cháu trong làng có được học, đào tạo về dùng. Thậm chí có thể mượn, mướn từ một tổ chức xã hội nào đó theo vụ mùa, theo yêu cầu. Cụ thể, thực trạng nguồn nhân lực được thể hiện qua hai phường rối dưới đây:
Phường rối Đồng Ngư
Số diễn viên cũ của phường chỉ còn 20 người, chủ yếu gồm anh, em, con, cháu của gia đình các cụ Nguyễn Bá Diện, Nguyển Đăng Phải, Nguyễn Đức Phong. Đó là những gia đình có ba, bốn đời nối tiếp nhau theo nghiệp rối nước. Trải qua bao thăng trầm và biến cố, Đồng Ngư hiện nay bao gồm 22 thành viên đang hoạt động. Hiện nay, Đồng Ngư là một trong 14 phường rối dân gian trong cả nước còn duy trì hoạt động khá đều đặn.
Năm 1999, được quỹ văn hóa Việt Nam - Thụy Điển tài trợ, phường đã thay đổi toàn bộ con rối và thuyền, dùng hai thuyền sơn son thếp vàng, to và đẹp hơn thuyền cũ, với hai rối chèo thuyền, ba rối liền anh và ba rối liền chị, do sự hỗ trợ tạo tác của Nhà hát múa rối Việt Nam. Hiện nay, phường có thể biểu diễn 18 tích trò. Trò hát quan họ luôn bắt đầu bằng bài Ngồi tựa mạn thuyền, tiếp đến một số bài giao duyên và kết túc bằng bài Quan họ giã bạn. Trong số 18 tích trò thì có hai tiết mục đặc sắc nhất của rối nước Đồng Ngư phải nhắc đến là “Hái cau mời trầu” và “Quan họ giã bạn”. Chính những tiết mục này đã mang đến cho rối nước Đồng Ngư nét độc đáo riêng
có trong làng nghệ thuật rối nước dân gian, vì theo ông Nguyễn thành Lai – trưởng phường thì “Tuy trò điều khiển bằng máy sào, kỹ thuật đơn giản, nhưng chúng tôi không bỏ được, vì dân ca quan họ là bản sắc văn hóa độc đáo của người Bắc Ninh”.
Công tác quản lý, đào tạo nguồn nhân lực
Đội ngũ nhân lực hiện nay của phường chủ yếu là các vị cao niên trong làng. Người ít tuổi nhất là trưởng phường ông Nguyễn Thành Lai, cũng đã ngoài 40 tuổi. Năm 2003, khi quỹ Việt Nam Thụy Điển kết hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư, xây dựng thủy đình, và phối hợp với nhà hát múa rối Trung Ương (nay là Nhà hát múa rối Việt Nam) mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nghệ sỹ trẻ tại địa phương. Đối tượng tham gia là các thanh niên trong độ tuổi từ vị thành niên đến 30 tuổi, cư trú tại địa phương, có nguyện vọng tham gia và gắn bó với loại hình nghệ thuật này. Chỉ tiêu 13 người. Chương trình đào tạo trong vòng 3 tuần. Nội dung của lớp đào tạo là các nghệ sỹ của Nhà hát múa rối Việt Nam (lúc đó là Nhà hát múa rối Trung ương) giới thiệu các kiến thức căn bản về nghệ thuật múa rối nước, và hướng dẫn các nghệ sỹ trẻ các điều khiển các con rối.
Tuy nhiên, do tính mùa vụ của múa rối nước, nên các nghệ sỹ trẻ của lớp đào tạo đó không còn ai theo nghiệp múa rối mà mỗi người đều đã tìm cho mình một nghề nghiệp khác. Do đó, nếu như ngày xưa, để được vào phường rối thường có yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe. Thì ngày nay, các phường rối luôn mở cửa đón các thế hệ trẻ có khả năng tiếp thu, và quan trọng là có đam mê học hỏi, gìn giữ và lưu truyền nghề rối truyền thống. Trong số các chuyên môn của phường, thì hiện nay việc tuyển chọn nhân sự để đào tạo biểu diễn có thể lo liệu được. Song đối với đội ngũ nhạc công, nghệ sỹ tạo hình con rối, ca nương thì đội ngũ kế tiếp hiện nay không có.
Phường rối Đào Thục
Số thành viên hiện tại của phường có 15 người. Trưởng phường hiện nay là ông Nguyễn Văn Quảng. Trước đây, phường chỉ toàn nam giới, kể cả
nhạc công và hát xướng. Nhiều năm gần đây nữ giới cũng được tham gia và phường, nhưng chỉ chơi ở tổ nhạc, riêng trò nước tuyệt nhiên không có nữ giới và con rể làng. Giữ bí mật vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác ở phường rối dân gian Đào Thục. Tính giữ bí mật không chỉ phường Đào Thục mới vậy, mà các phường rối đều giữ bí mật riêng để tạo nên tính độc đáo, đặc sắc của riêng mình.