Các đơn vị múa rối nước dân gian chính là cội nguồn của nghệ thuật múa rối nước. Đó chính là các làng quê với hội hè, đình chùa, với những phong tục, tập quán và cuộc sống hàng ngày như vốn có từ xưa đến nay. Cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ biểu diễn chủ yếu là khu vực thủy đình. Trong đó, nổi tiếng nhất là thủy đình ở chùa Thầy, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Năm 2011, Bảo tàng Dân tộc học đang thiết kế xây dựng lại theo mô hình này.
Hiện nay, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, các nhà hảo tâm, cư dân bản địa và đặc biệt là chính những nghệ nhân dân gian yêu mến nghề rối vun đắp, mỗi phường rối đều có thủy đình được xây dựng tương đối khang trang. Kinh phí trung bình cho mỗi thủy đình, và việc tu sửa, làm mới con giống, các thiết bị đi kèm phục vụ biểu diễn, khán đài… vào khoảng gần 1 tỷ đồng.
Phần lớn các thủy đình hiện nay tại các phường rối như Đồng Ngư, Thanh Hải, Thạch Xá, Chàng Sơn…được xây mới, hoặc sửa chữa vào khoảng năm 2000 – 2003, dưới sự tài trợ tích cực của quỹ Ford và quỹ Việt Nam – Thụy Điển. Cụ thể:
Phường rối Đào Thục: Hiện nay, phường rối Đào Thục có cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối kiên cố, bao gồm hệ thống nhà thủy đình có khuôn viên rộng rãi bên cạnh phức hợp đình chùa làng. Từ 1957 khi mới hồi phục đến trước năm 1984, thủy đình toàn làm bằng tre, sau thay vách và mái bằng cót ép. Năm 1984, đơn vị H6, Cục xăng dầu tài trợ cho phường thủy đình bằng sắt. Năm 2000, huyện Đông An cấp kinh phí làm bể nước (95m3) cùng nhà trò để phường có thể đi biểu diễn lưu động ở các cơ quan, trường học và những nơi ít ao hồ. Năm 2001, phường khánh thành nhà thủy đình cố định, kiên cố trên ao cửa đình như ngày nay, với sự tài trợ kinh phí của quỹ văn hóa Việt Nam –
Thụy Điển, Bộ Văn hóa thông tin (nay là bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch), Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh và nhiều cơ quan ở Hà Nội và địa phương. Hiện nay, thủy đình có thể đón và biểu diễn phục vụ hàng trăm du khách cùng một lúc, với mái che kiên cố bằng ngói, ghế nhựa được kê xếp linh hoạt.
Ảnh 2.1. Tác giả và ông Nguyễn Văn Quảng – trưởng phường rối nước Đào Thục trước thủy đình.
Hệ thống giao thông thuận lợi và kiên cố: Du khách có thể đến tận thủy đình để xem múa rối nước và tham quan cụm các di tích, thắng cảnh và các hoạt động thủ công mỹ nghệ như mộc, điêu khắc…bằng hai hướng: đường đi Phủ Lỗ, sân bay Nội Bài, trung tâm thành phố Hà Nội và quốc lộ 03 chạy vào đường liên huyện. Khoảng cách từ trung tâm thành phố Hà Nội đến rối nước Đào Thục khoảng trên dưới 20km. Hiện nay, các tuyến đường nay đã hoàn thành và được xây dựng khang trang, có thể phục vụ các loại xe du lịch công suất lớn đến tận cổng làng.