Sản phẩm du lịch múa rối nước, đó chính là việc tham quan các di tích lịch sử có gắn với lịch sử hình thành và phát triển múa rối nước. Quan trọng nhất là các chương trình biểu diễn múa rối nước phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, còn có hệ thống các sản phẩm lưu niệm được bán, tặng cho khách du lịch.
2.4.2. Sản phẩm phục vụ phát triển Du lịch của sân khấu múa rối truyền thống truyền thống
Về bản chất, sân khấu múa rối truyền thống có mục đích ban đầu là phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cư dân bản địa. Múa rối nước được diễn chính thức vào dịp hội làng, thường mỗi năm diễn ra một lần (riêng phường rối Đồng Ngư có thêm ngày hội thứ hai vào mồng ba tháng tư âm lịch). Khán giả chủ yếu là người trong làng. Tùy thuộc vào quy mô và độ hấp dẫn của hội thu hút thêm người dân các vùng lân cận. Trong không khí thiêng của ngày hội làng, sau phần lễ cầu mong sức khỏe, an lành, mùa vụ bội thu, cư dân đông đúc, sum vầy, đến phần hội với rất nhiều trò chơi dân gian. Trong đó có sân khấu rối nước. Với tiếng trống chèo, giai điệu quan họ thúc giục, người người tập trung quanh thủy đình tại ao làng (hầu hết ở trước chùa, đình hoặc khu vực tín ngưỡng thiêng của làng). Trong không khí của người ấy, cảnh vật ấy, hội ấy, múa rối được sinh ra, chào đón và nuôi dưỡng, phát triển.
Tuy nhiên, hầu hết quy mô hội làng mang tính địa phương, lại mỗi năm thường chỉ có một lần, nên hầu như không có khách du lịch, đặc biệt là
khách du lịch quốc tế. Mặc dù làng nào cũng có thủy đình kiên cố, song tùy thuộc vào vị trí địa lý và sự phân bố các tài nguyên du lịch khác hình thành điểm, tuyến du lịch.
Hiện nay, các chương trình du lịch kết hợp xem biểu diễn múa rối nước như sau: Một đội biểu diễn trung bình từ 5 – 10 người. Chi phí cho một đội biểu diễn trong 30 phút – 45 phút giá 01 triệu đồng cho nhóm du khách dưới 10 người; 1,5 triệu đồng cho nhóm trên 10 người. Công ty du lịch đặt lịch và đặt cọc tiền qua tài khoản ngân hàng của trưởng phường. Số còn lại hướng dẫn viên thanh toán trực tiếp khi khách đến. Trong phường có người hướng dẫn đường đi cho nhóm khách (thường là trưởng phường) cùng với hướng dẫn viên đưa khách tham quan cụm di tích lịch sử của làng. Trong lúc đó đoàn chuẩn bị sẵn sàng biểu diễn khi đoàn kết thúc lịch trình tham quan tại thủy đình (thường được xây dựng phía trước đình làng).
Ngoài ra, các phường rối đều có gánh rối di động, đi biểu diễn tại các địa phương khác theo nhu cầu. Gánh rối di động này được tinh gọn bằng việc sáng tạo sân khấu rối nước di động.
Về mặt ngôn ngữ, sân khấu múa rối truyền thống được biểu diễn, giới thiệu chủ yếu bằng tiếng Việt Nam. Chỉ một số phường rối có website có thể có giao diện trình bày bằng tiếng Anh, nhưng nhìn chung hạn chế và dữ liệu không cập nhật.