Thực trạng hệ thống phân phối trên thị trường Việt Nam

Một phần của tài liệu luận văn: Phân Tích Hoạt Động Phân Phối Nhãn Hàng Mì OMACHI của Công Ty CổPhần Thực Phẩm MASAN (Trang 27 - 28)

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

4.1.Thực trạng hệ thống phân phối trên thị trường Việt Nam

Hệ thống phân phối hàng hóa ở nước ta vừa mang yếu tố truyền thống và hiện đại. Sự xuất hiện và tham gia vào hệ thống phân phối của một số tập đoàn thương mại bán buôn, bán lẻ đa quốc gia trên thị trường Việt Nam mặc dù với số lượng ít, nhưng đã có những tác động tích cực đến quá trình phát triển hệ thống phân phối hiện đại.

Hiện nay các đại gia phân phối lớn đã vào Việt Nam như Metro, Big C, Parkson. Các tập đoàn phân phối hàng đầu thế giới khác như Wal-Mart (Mỹ) và Carrefour (Pháp), Lotte Shopping (Hàn Quốc), Tesco (Anh), Dairy Farm (Singapore) sắp tới có thể vào Việt Nam. Với sức mạnh tài chính, kinh nghiệm phân phối hàng hóa hiện đại, các công ty này khi tràn vào Việt Nam sẽ đẩy hoạt động kinh doanh bán lẻ trên cả nước đi vào bước ngoặt mới của cuộc cạnh tranh.

Trước một thị trường tiềm năng và mối đe doạ cạnh tranh từ bên ngoài, hệ thống cửa hàng phân phối bán lẻ của Việt Nam đang có những thay đổi mạnh mẽ và căn bản với việc xuất hiện những nhà phân phối bán lẻ chuyên nghiệp cùng hệ thống bán hàng tiện lợi, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. Dẫn chứng là: Co.opMart nhà phân phối hiện đại hàng đầu trong nước, MaxiMark, Citimart,…

Khởi động cho hệ thống cửa hàng bán lẻ mới là sự ra đời của các cửa hàng Coop. Một "đại gia" khác ra đời sau Saigon Coop Mart nhưng sức cạnh tranh xem chừng không kém đó là G7Mart. Chuỗi cửa hàng bán lẻ Small Mart 24/7 do công ty Phạm Trang (TP.HCM) đầu tư. Cửa hàng tiện ích Citimart B&B do Công ty Đông Hưng chủ đầu tư hệ thống siêu thị Citimart (TP.HCM),… Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng đã mở hệ thống phân phối trực tiếp sản phẩm của mình chẳng hạn như công ty chế biến thực phẩm Vissan. Nhiều địa phương cũng đã bắt đầu quan tâm tới việc

nâng cấp hệ thống chợ thành trung tâm siêu thị, thương mại và mới đây là sự xuất hiện trung tâm thương mại Sài Gòn Oulet Mall của Công ty Đại Phúc.

Một hệ thống phân phối bán lẻ nội địa văn minh, hiện đại đang dần hình thành rộng rãi, hầu khắp các vùng miền trên cả nước. Để cạnh tranh với tập đoàn phân phối lớn nước ngoài thì các doanh nghiệp phân phối hàng đầu Việt Nam gồm Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Công ty TNHH Phú Thái (Phu Thai Group) đã liên kết thành lập Công ty cổ phần đầu tư và Phát triển hệ thống Phân phối Việt Nam nhằm tập trung liên kết xây dựng mạng lưới các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại trong cả nước với một nguồn lực tài chính mạnh. Sự ra đời của sự liên kết này sẽ mang đến cho thị trường phân phối Việt Nam sôi động hơn và các nhà sản xuất sẽ có thêm sự lựa chọn người phân phối cho mình.

Một phần của tài liệu luận văn: Phân Tích Hoạt Động Phân Phối Nhãn Hàng Mì OMACHI của Công Ty CổPhần Thực Phẩm MASAN (Trang 27 - 28)