Nhóm giải pháp về sản phẩm du lịch:

Một phần của tài liệu marketing địa phương nhằm thu hút khách du lịch đến với quần đảo cát bà (Trang 80 - 82)

* Chính quyền và các cơ quan, ban ngành chủ quản:

Chính quyền cần chỉ đạo các cấp, các ngành, động viên các tầng lớp nhân dân quan tâm phát triển ngành, nghề, sản phẩm du lịch, dịch vụ trong đó cần dựa trên nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng của quần đảo Cát Bà có thể phát triển các loại hình du lịch đặc trưng có sức hấp dẫn du khách như nghỉ dưỡng biển, lặn biển, câu cá, leo núi, ngắm san hô.

Bên cạnh đó cần chú trọng đến các tụ điểm vui chơi giải trí để giữ chân khách như casino, vũ trường hiện đại, khách sạn đầy đủ tiện nghi. Hơn nữa, các loại hình du lịch về đêm có khả năng làm tăng thời gian lưu trú và tăng chi tiêu du lịch của khách như khu phố mua sắm, ẩm thực, các tụ điểm ca nhạc…Ngoài ra cần chú trọng khai thác nội lực văn hóa truyền thống để tạo ra những sản phẩm du lịch có sức trường tồn như tổ chức các lễ hội dân gian, múa, văn hóa ẩm thực.

- Từng bước chuyên nghiệp hóa việc gắn tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội với hoạt động du lịch. Xây dựng Lễ hội Đua thuyền rồng trên biển trở thành Lễ hội cấp Quốc gia, quốc tế - một loại hình dịch vụ đặc sắc phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu Lễ hội Đua thuyền rồng trên biển Cát Bà - Hải Phòng.

- Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù mang sắc thái riêng của Cát Bà có chất lượng, chú trọng liên kết du lịch biển với du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; xây dựng biểu tượng riêng cho du lịch Cát Bà, Logo du lịch Cát Bà; hỗ trợ xây dựng và phát triển các sản phẩm lưu niệm, các ấn phẩm du lịch và bộ quà tặng du lịch Cát Bà.

* Cộng đồng Doanh nghiệp và cư dân địa phương:

- Chú trọng đầu tư phát triển cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển, mở rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động lữ hành: Qua thẩm định lại các cơ sở lưu trú du lịch cho thấy, nhiều khách sạn đã tích cực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất nên giữ được hạng đã xếp và có khách sạn được nâng hạng sao. Bên cạnh đó, cũng có một số khách sạn xuống hạng do chuyển đổi chủ quản lý kinh doanh, hoạt động không hiệu quả, khó khăn đầu tư nâng cấp.

Do Cát Bà được chi phối bởi các qui chế của Khu dự trữ sinh quyển, của Vườn Quốc Gia Cát Bà và của công viên biển, khu vực quốc phòng,… nên việc đầu tư xây dựng các khách sạn có qui mô lớn đến hàng trăm phòng nghỉ, cao quá 25 tầng là không khả thi.

Vì vậy cần khuyến khích việc đầu tư nâng cấp các Nhà nghỉ (Homestay) trong khu dân cư nhằm giải quyết hiện tượng quá tải khách của các khách sạn trong những ngày cao điểm đồng thời phát triển tốt mô hình du lịch cộng đồng.

- Nghiên cứu đầu tư nâng cao chất lượng các tuyến du lịch hiện có, bao gồm cả cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển và đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên;

- Khai thác lợi thế của các sản phẩm được chế biến từ đặc sản biển làm quà tặng du lịch phục vụ nhu cầu khách hàng.

Ví dụ như: Nước mắm Cát Hải, Mực khô, Cá thu một nắng, Tôm nõn Cát Bà,.. Mật ong bách hoa rừng Cát Bà, các sản phẩm từ Hồng hoa vườn đồi Cát Bà hay một số đặc sản có chức năng bồi bổ tốt như cá ngựa, rắn biển, bào ngư);

Tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân, các doanh nghiệp chế tác và giới thiệu đến du khách các đồ lưu niệm được làm từ Ngọc trai Cát Bà, vỏ ốc, vỏ tôm hùm, đũa cây Kim giao...

Một phần của tài liệu marketing địa phương nhằm thu hút khách du lịch đến với quần đảo cát bà (Trang 80 - 82)