Chiến lược Marketing hình tượng địa phương:

Một phần của tài liệu marketing địa phương nhằm thu hút khách du lịch đến với quần đảo cát bà (Trang 74 - 75)

Hình tượng địa phương là tổng hợp những niềm tin, ý tưởng và ấn tượng mà người ta có về một địa phương. Hình tượng tiêu biểu cho sự đơn giản hóa phần lớn những liên hệ và các mẩu thông tin gắn liền với một địa phương. Đây là bước đầu tiên trong việc tuyên truyền cho các đối tượng mục tiêu là khách du lịch về hình ảnh của Cát Bà như là một nơi lý tưởng để du lịch, để nghỉ ngơi và chiêm ngưỡng các danh lam thắng cảnh. Để tạo được ấn tượng của mọi người về địa phương, cần xây dựng hình tượng địa phương thật hấp dẫn và độc đáo.

Đối với Cát Bà, cần xây dựng thành công hình tượng tiêu biểu của địa danh hấp dẫn mà tất cả du khách đến Việt Nam mong muốn đặt chân đó là “Cát Bà – Đảo ngọc, Tình người”.

Hình tượng Đảo Ngọc của Cát Bà cần được xây dựng trên những giá trị nổi bật đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học đang tiếp diễn trong quá trình tiến hoá và phát triển của các hệ sinh thái rừng - biển - đảo.

Chính quyền địa phương cần hướng đến bảo tồn và phát triển du lịch Cát Bà với hình mẫu là nơi tập trung cao của các hệ sinh thái nhiệt đới, cận nhiệt đới điển hình vượt trội so với các khu vực khác của Châu Á .

Hình tượng tiêu biểu của du lịch của Cát Bà cần được tôn lên về giá trị văn hóa bản địa “Tình người” nơi đây bởi hình ảnh người dân lương thiện, hiếu khách, bởi chế độ chính trị, an ninh ổn định .

Trong chiến lược phát triển du lịch, Cát Bà cần xác định rõ yêu cầu xây dựng hình tượng của địa phương là yếu tố quan trọng quyết định phản ứng của du khách đối với địa phương. Do đó, địa phương phải cố gắng quản lý hình tượng của mình, đặc biệt là với một địa danh du lịch mới được khai thác và đang trong quá trình phát triển như Cát Bà thì việc xây dựng và chấn chỉnh hình tượng du lịch của mình càng được chú trọng quan tâm đặc biệt.

Một phần của tài liệu marketing địa phương nhằm thu hút khách du lịch đến với quần đảo cát bà (Trang 74 - 75)