Nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp thực chất là nguồn lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp và nguồn lao động có nhu cầu làm việc trong các khu công nghiệp. Đây chủ yếu là lao động phục vụ trong các ngành công nghiệp phù hợp có nhu cầu làm việc trong các KCN được tuyển dụng vào làm việc tại các nhà máy đặt trong KCN; là lược lượng lao động
nhàn rỗi trong dân cư chưa có việc làm và có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong KCN; là lực lượng lao động nông nghiệp bị thu hồi đất nông nghiệp làm KCN có nhu cầu tìm việc; là lực lượng lao động mới ra trường có nhu cầu tìm việc làm. Chính vì thế, lao động KCN có đặc điểm của lao động Việt Nam.
Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nên có nguồn nhân lực khá dồi dào. Người Việt Nam vốn có đặc điểm thông minh, cần cù, chăm chỉ nên lao động Việt Nam rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt và tiếp thu cái mới. Tuy nhiên nguồn nhân lực này lại chưa được khai thác đầy đủ; chưa được quan tâm đúng mức; chưa được quy hoạch, khai thác; chưa được nâng cấp; chưa được đào tạo đến nơi đến chốn dẫn tới chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, có mâu thuẫn giữa lượng và chất.
Thể lực người Việt Nam nhìn chung còn thấp kém, phần lớn chưa đáp ứng yêu cầu cường độ làm việc của xã hội công nghiệp hiện đại và các chuẩn quốc tế. Theo đánh giá của viện khoa học thể dục – thể thao (Ủy ban thể dục – thể thao) so với thể lực thanh thiếu niên Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapor, Indonexia thì chất lượng người Việt Nam từ 6 – 20 tuổi còn kém hơn về chiều cao, cân nặng, sức mạnh; trình độ giáo dục; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tính tổ chức, kỷ luật còn yếu, tác phong công nghiệp chưa cao, tùy tiện về giờ giấc, hành vi, trình độ văn hóa công nghiệp thấp.
Sự kết hợp đan xen giữa nguồn nhân lực từ nông dân, công nhân, tri thức… chưa tốt, còn chia cắt, thiếu sự cộng lực để cùng phối hợp thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực KCN cũng mang những đặc điểm riêng biệt, được hình thành trong quá trình phát triển khu công nghiệp.
Thông thường lao động làm việc trong các KCN đòi hỏi phải đạt được một trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề nhất định. Phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về tác phong, kỷ luật lao động công nghiệp… Tuy nhiên, không phải lao động nào khi bước vào làm việc trong các KCN đều
đáp ứng được mọi yêu cầu. Như vậy về bản chất, một trong những nội dung phát triển nguồn nhân lực cho các KCN là chuẩn bị cho người lao động các điều kiện để có thể làm việc tốt trong các KCN. Nhu cầu là vậy, còn hiện nay, Khu công nghiệp là nơi đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam từ lao động phổ thông, lao động nông nghiệp, lao động trình độ thấp trở thành đội ngũ lao động của nền công nghiệp hiện đại, phù hợp với trình độ công nghệ áp dụng vào sản xuất đạt trình độ khu vực và quốc tế. Trong số lao động được tuyển vào doanh nghiệp thì lao động phổ thông cơ bản được đào tạo, kèm cặp tại doanh nghiệp theo yêu cầu của công nghệ và dây chuyền, trên 45% được đào tạo bổ sung kỹ năng mới cho phù hợp với công nghệ áp dụng trong sản xuất.
Sự hình thành và phát triển các KCN trên cả nước đã làm cho nguồn lao động dồi dào của Việt Nam trở nên khan hiếm. Thị trường lao động Việt Nam phát triển mạnh, không chỉ thiếu lao động trình độ cao mà lao động phổ thông cũng hoàn toàn được ưu ái. Người lao động làm việc trong môi trường lao động mới, 80% sản phẩm sản xuất ra được xuất đi các nước Châu Âu, Bắc Mĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc…đòi hỏi người lao động phải tự tiếp thu, tự rèn luyện để đáp ứng được với môi trường lao động quốc tế, không ngừng nâng cao tay nghề. Chính điều này đã dần hình thành nên đội ngũ lao động của nền công nghiệp hiện đại.
Do đặc thù của KCN Việt Nam, những năm đầu khi mới đầu tư chủ yếu là các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Các nhà đầu tư nước ngoài tận dụng tối đa lực lượng lao động dồi dào của Việt Nam với giá nhân công rẻ. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là may mặc, chế biến linh kiện điện tử… Chính điều đó đã tạo nên đặc điểm riêng biệt của lao động các KCN là lực lượng lao động trẻ, tuổi đời trung bình từ 18 đến 35 tuổi tạo nên điểm mạnh: sức khỏe tốt, năng động, dễ tiếp thu cái mới, thích ứng nhanh với công việc và môi trường lao động hiện đại.
Tính đến thời điểm này, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển khu công nghiệp trên cả nước, nhu cầu tăng thêm lao động bình quân là 10-
15%/năm do mở rộng sản xuất. Tuy nhiên trình độ công nhân lao động còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê, các doanh nghiệp còn khoảng 15% chỗ trống chưa tuyển được. Ở phía Nam, 20% các doanh nghiệp KCN cần tuyển công nhân lao động kỹ thuật, 40% doanh nghiệp cần tuyển cao đẳng, đại học. Tỷ lệ lao động nhập cư cao như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70% tổng số lao động trong các KCN. Tỷ lệ lao động nhập cư ở các KCN phía Nam cao hơn các tỉnh miền trung và phía Bắc.
Về trình độ chuyên môn, tay nghề: có 75% chưa qua học nghề tại các cơ sở đào tạo ngoài doanh nghiệp nhưng trong số này khoảng 94% đã được đào tạo ngắn ngày tại các doanh nghiệp. Đây là hình thức phổ biến của các doanh nghiệp hiện nay. Có 9,5% công nhân lao động kỹ thuật; 7,3% công nhân lao động có trình độ trung cấp; chỉ có 3% cao đẳng; 5,6% có trình độ đại học. Nếu tính chung số công nhân lao động được đào tạo nghề (cả ở các cơ sở và doanh nghiệp) thì tỷ lệ công nhân lao động bậc cao rất ít: số bậc 4 chiếm 8,4%, bậc 6-7 chỉ chiếm 3,2%.
- Về mặt số lượng: khu công nghiệp là nơi quy hoạch tập trung các dự án, nhà máy đầu tư phát triển kinh tế của khu, vùng nên thu hút lực lượng lao động lớn. Chính vì thế, tốc độ tăng lao động hàng năm nhanh.
Lực lượng lao động trong KCN, KCX gia tăng cùng với sự gia tăng các KCN, KCX và các dự án hoạt động trong KCN, KCX. Trong thời kỳ 2001 – 2005, các KCN, KCX đã thu hút thêm được 656.000 lao động trực tiếp, gấp 4 lần so với thời kỳ trước (1991-2000). Từ năm 2006 đến 2010, lượng lao động KCN, KCX tăng thêm được gần 760.000 người, gấp 1,15 lượng lao động tăng thêm trong kỳ kế hoạch 2001 – 2006. Tính đến tháng 12/2011, KCN, KCX đã giải quyết việc làm cho hơn 1,76 triệu lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động gián tiếp.
Bảng 1.2: Lao động KCN Việt Nam giai đoạn 2006-2011
Đơn vị: 1.000 người
STT Năm Lao động Tốc độ tăng(%)
1 2006 918 24.05 2 2007 920 0.22 3 2008 1200 30.43 4 2009 1340 11.67 5 2010 1500 11.94 6 2011 1760 17.33
Nguồn: Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Số lượng lao động trong các KCN trên cả nước từ năm 2006 đến năm 2011 tăng đều qua các năm. Tốc độ tăng giai đoạn 2006 – 2011 là 91,72%. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây số lượng lao động tăng gần như gấp đôi. Con số này cho thấy các doanh nghiệp đầu tư vào KCN ngày càng tăng và đi vào hoạt động tương đối ổn định, nhiều doanh nghiệp sau khi hoạt động đem lại hiệu quả đã nâng cấp, đầu tư thêm dây chuyền mới, tuyển dụng thêm số lượng lao động lớn vào làm việc cho doanh nghiệp. Riêng năm 2009 – 2010, tốc độ tăng lao động dường như không đáng kể do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp FDI hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi sự biến động về giá nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ. Lạm phát cao gây ảnh hưởng tới đời sống người lao động, giá nhân công phải điều chỉnh để người lao động đảm bảo nhu cầu cuộc sống tối thiểu. Đến năm 2011, tốc độ tăng lao động từ 11,945 (năm 2010) tăng lên 17,33% cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, trong chiến lược phát triển kinh tế 2011, Việt Nam chấp nhận hy sinh tăng trưởng để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Có thể thấy, sự biến động về lao động trong KCN Việt Nam hoàn toàn phù hợp với sự biến động của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.