Đất nước phát triển đòi hỏi mỗi ngành, mỗi địa phương phải quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực có vai trò quan trọng trong việc định hướng, quản lý và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong từng giai đoạn phát triển.
Việc lập quy hoạch phát triển nguồn nhân lực là giải pháp căn bản để đạt được mục tiêu phát triển KT-XH trong một giai đoạn cụ thể và đặt nền móng cơ bản cho những bước phát triển ổn định và bền vững. Những hoạch định dài hơi và có tầm bao quát về lực lượng lao động có giá trị khá vững vàng và có quan hệ với tất cả các ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh, vừa là điều kiện để phát triển kinh tế, cải tạo xã hội, vừa là kết quả của sự phát triển.
Xuất phát từ yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, Ninh Bình cần phải khẩn trương triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai
đoạn 2011-2020 phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương và định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực của đất nước giai đoạn 2011-2020.
Nội dung: Việc xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực cần giải quyết một số vấn đề sau:
- Xác định trách nhiệm và nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền về công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn 2011-2020.
- Xác định rõ mục đích, yêu cầu, cách thức xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực:
+ Việc nghiên cứu thực trạng, xây dựng quy hoạch tổng thể phải giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan như Sở GD-ĐT, Sở LĐ,TB&XH, Sở Y tế, Sở Nội vụ... Hướng cơ bản là: Trên cơ sở tính toán nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương và mục tiêu phát triển KT-XH trong giai đoạn 2011-2020, phải xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực cho toàn tỉnh với mục tiêu, định hướng phát triển và những giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển nguồn nhân lực một cách hiệu quả nhất.
+ Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh phải đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp, gắn kết với các chương trình phát triển kinh tế của tỉnh trong cùng giai đoạn. Cần phải xác định mục tiêu phát triển đến năm 2020, tỉnh ưu tiên phát triển lĩnh vực nào, lựa chọn ngành nghề gì làm mũi nhọn, để đưa ra các giải pháp, xây dựng các chính sách đầu tư nhằm đào tạo và cung ứng đủ nhân lực cho lĩnh vực, ngành nghề đó.
+ Nội dung và cách thức triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực phải đảm bảo tính toàn diện phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Trong đó cần đề ra và thực hiện các mục tiêu theo lộ trình cụ thể, như:
Đến năm 2015 có nguồn nhân lực với cơ cấu đồng bộ và chất lượng cao; tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp còn khoảng 60% lực lượng lao động xã hội; năm 2020 còn khoảng 52%.
Đến năm 2020 phải đảm bảo 80% - 85% số lao động được đào tạo phục vụ trong tất cả các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp nông thôn.
Cố nhiên, các mục tiêu khi xây dựng có thể điều chỉnh, thay đổi tuỳ thuộc theo điều kiện hoàn cảnh cụ thể trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước và của tỉnh.
3.2.2. Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
Theo quan điểm phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới thì giáo dục giữ vai trò quyết định đến việc phát triển nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục đào tạo ảnh hưởng chủ yếu đến chất lượng nguồn nhân lực, vì thế việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo phải được ưu tiên hàng đầu. Để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, cần quán triệt theo quan điểm “đào tạo theo nhu cầu thực tế”, đồng thời phải tổ chức thực hiện hợp lý và có kết quả chủ trương “xã hội hóa giáo dục đào tạo”.
Vấn đề đào tạo nói chung và đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động nói riêng hiện nay đang được toàn xã hội quan tâm. Vì vậy, trong giai đoạn 2011 – 2015 và đến năm 2020 công tác đào tạo ở tỉnh Ninh Bình phải sát với thực tế, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và đào tạo theo đơn đặt hàng…Theo đó, cần tập trung thực hiện các yêu cầu chính sau:
- Chuyển mạnh dạy nghề từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động.
- Bảo đảm các nguồn lực để xây dựng hệ thống các trường trọng điểm, trường chất lượng cao ở các vùng, các ngành kinh tế trọng điểm để đào tạo đội ngũ LĐKT trình độ cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
- Củng cố và phát triển những trường đào tạo chuyên ngành để phục vụ cho những nhu cầu đặc thù của một số ngành; đồng thời tiến hành kiểm định chất lượng các cơ sở dạy nghề.
- Bổ sung cơ chế chính sách để huy động các doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề và phát triển cơ sở dạy nghề tại doanh nghiệp.
- Phải coi dạy nghề tại doanh nghiệp như là một hình thức đào tạo cho người lao động chứ cơ sở sản xuất không chỉ là nơi thực tập. Có các tiêu chí đánh giá, công nhận kỹ năng nghề của người lao động được đào tạo tại doanh nghiệp hoặc tự đào tạo trong quá trình lao động.
- Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng mềm dẻo, tích hợp và linh hoạt, phù hợp với sự thay đổi công nghệ của doanh nghiệp.
- Đổi mới phương pháp đào tạo, lấy rèn luyện kỹ năng nghề của người lao động trong doanh nghiệp để điều chỉnh phương pháp đào tạo.
- Nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên trên cơ sở tích hợp kiến thức ( lý thuyết, trình độ sư phạm và năng lực thực hành nghề) và có chính sách đặc thù đối với giáo viên doanh nghiệp. Hiện nay giảng viên ở hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh còn yếu về năng lực thực hành.
- Cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước về lao động với đại diện giới chủ, đaị diện giới thợ,đại diện của các hội nghề nghiệp và cơ sở dạy nghề trong việc xác định nhu cầu của doanh nghiệp về lao động.
- Xây dựng trung tâm phân tích, dự báo nhu cầu thị trường lao động. - Tăng cường hợp tác với các nước đặc biệt là các nước trong khu vực để tiếp cận chuẩn quốc tế và chuẩn khu vực về kỹ năng nghề.
Đối với cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp:
- Cơ sở dạy nghề phải gắn với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo: Doanh nghiệp tham gia xây dựng tiêu chuẩn, kỹ năng nghề, thiết kế chương trình và tham gia giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của người học nghề... Cơ sở dạy nghề dạy lý thuyết, doanh nghiệp đào tạo kỹ năng nghề, kèm cặp tại doanh nghiệp.
- Cơ sở dạy nghề phải chủ động điều tra để có được thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp ( nghề, trình độ, mức độ kỹ năng...) để tổ chức đào tạo phù hợp.
- Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ sở dạy nghề về nhu cầu về lao động.
Bên cạnh việc quán triệt quan điểm đào tạo như trên, trong công tác giáo dục đào tạo chúng ta phải thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục đào tạo nhằm tăng hiệu quả trong việc cải thiện bộ máy, cơ sở đào tạo cũng như cải cách nội dung đào tạo theo hướng ngày càng khoa học và phù hợp hơn.
Trên đây là các quan điểm, nguyên tắc nhằm tăng chất lượng giáo giục đào tạo Việt nam hiện nay. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực song song với các biện pháp nhằm nâng cao sức khỏe cho người lao động, chúng ta cần nâng cao trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn kỹ thuật cho họ, bên cạnh đó cần tạo một môi trường lao động tốt để người lao động có thể phát huy tối đa khả năng làm việc của bản thân. Trong vấn đề nâng cao trình độ chung cho nguồn nhân lực chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo giục phổ thông, và sau phổ thông.
3.2.3. Nhóm giải pháp đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng và trình độ chuyên môn kỹ thuật cho người lao động chuyên môn kỹ thuật cho người lao động
Nhìn chung, việc đào tạo, dạy nghề ở Ninh Bình giai đoạn 2006 – 2010 khá sôi động với nhiều hình thức phong phú, nhưng cũng bộc lộ tính chắp vá, tự phát, thiếu đồng bộ, nhiều khi gây thiệt hại cho người học, mà hiệu quả xã hội không cao. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nghề vẫn còn tương đối cao, chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp phát triển KT-XH. Thể hiện ở một số điểm sau:
- Tốc độ phát triển các cơ sở dạy nghề còn chậm, chưa đồng bộ, quy mô đào tạo nhỏ. Phân bố chưa phù hợp, tập trung chủ yếu ở thành phố Ninh Bình và các thị xã, thị trấn (20/27cơ sở), vì vậy công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.
- Cơ cấu trình độ nghề đào tạo chưa hợp lý, chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp nghề (72%). Nghề đào tạo giữa các cơ sở dạy nghề trên địa bàn chưa được phân định rõ ràng, nhiều nghề hoặc nhóm nghề đơn giản.
- Số giáo viên của các cơ sở dạy nghề so với tiêu chuẩn hiện nay (theo Quyết định số 71/2008/QĐ-BLĐTBXH) còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng (chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm).
- Chương trình, giáo trình chậm được cập nhật, sửa đổi bổ sung để phù hợp với kỹ thuật công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và yêu cầu hội nhập; trang thiết bị dạy nghề chưa được đầu tư đồng bộ, phương tiện kỹ thuật dạy và học của các cơ sở dạy nghề tuy có được cải thiện nhưng vẫn thiếu nghiêm trọng, phần lớn các trang thiết bị dạy nghề lạc hậu so với thực tế sản xuất (các nghề như: hàn công nghệ cao, cắt gọt kim loại, điện tử công nghiệp).
Hiện nay lao động phổ thông chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ trọng không nhỏ trong lực lượng lao động, chủ yếu là lao động ở vùng nông thôn, lao động trong các hộ nghèo (chiếm 80,28%), vì thế khả năng chuyển đổi nghề, tự tìm việc làm có thu nhập cao hơn là rất khó đối với họ (hiện tại, chưa có cơ sở nào đào tạo nông dân, ngoài các lớp khuyến nông). Đồng thời việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa lao động trong ngành nông nghiệp, thiếu lao động có tay nghề trong các ngành công nghiệp, dịch vụ sẽ tạo áp lực về việc làm cho người lao động, mà đặc biệt lao động nông thôn (hiện nay, lực lượng lao động trong ngành nông, ngư nghiệp và thuỷ sản chiếm 65,07% lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế).
Dự báo đến năm 2020, dân số từ 15 tuổi trở lên ở khu vực nông thôn chiếm 79,48%, nhu cầu lao động trong ngành nông, ngư nghiệp và thuỷ sản chỉ chiếm 52% lao động làm việc trong các ngành kinh tế. Như vậy, nhu cầu để tào tạo nâng cao trình độ CMKT cho lực lượng lao động là rất lớn,
với mục đích đặt ra là phải hỗ trợ cho các đối tượng lao động này có thể hoà nhập vào thị trường lao động, tạo cơ hội cho họ tự tạo việc làm hoặc tìm kiếm công ăn, việc làm.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về dạy nghề để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội về vai trò của dạy nghề đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho thanh niên lập thân, lập nghiệp.
- Trong đào tạo, tái đào tạo đội ngũ lao động phải chú trọng đồng bộ các lĩnh vực: chuyên môn, tay nghề, trình độ luật pháp, trình độ quản lý, khả năng ngoại ngữ, tính kỷ luật và tác phong làm việc khoa học. Tạo điều kiện cho người học có thể chọn thầy, chọn lớp, chọn nghề phù hợp để học; và ngược lại, thầy và các nhà trường cũng có thể chọn người học để truyền nghề.
- Triển khai quá trình hướng nghiệp, đào tạo, dạy nghề ngay từ trường phổ thông cho học sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên bước vào học nghề sau khi tốt nghiệp phổ thông và cả học nghề trong quá trình học phổ thông.
- Trong công tác đào tạo, cần chú ý đến đào tạo lao động có chất lượng cao, cho các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Để đạt được điều này cần phải xác định rõ ràng các lĩnh vực, ngành nghề đang cần lao động, thiếu lao động có tay nghề; tiêu chuẩn hoá các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tay nghề; phối hợp chặt chẽ hơn nữa các bên tham gia hoạch định chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
- Gắn bó chặt chẽ việc đào tạo kỹ thuật với quá trình lao động sản xuất, thực hiện “học” đi đôi với “hành”, gắn cơ sở đào tạo với cơ sở sản xuất với nhiều hình thức thích hợp, hiệu quả. Thực hiện sự gắn bó, liên kết giữa các trung tâm xúc tiến, giới thiệu việc làm với các cơ sở lao động, dạy nghề để đảm bảo phù hợp giữa cung và cầu về lao động.
- Tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động không có trình độ tay nghề để họ có cơ hội nâng cao kỹ năng, tìm việc làm và nâng cao mức thu nhập.
- Hằng năm tăng mức đầu tư từ ngân sách tỉnh cho dạy nghề đảm bảo tỷ trọng từ 5% - 6% trong ngân sách chi cho sự nghiệp đào tạo; tập trung đầu tư cải tạo nâng cấp, xây dựng mới các công trình phục vụ dạy và học nghề của các cơ sở dạy nghề công lập.
Một số biện pháp cụ thể
(1) Về phát triển mạng lưới đào tạo nghề
Mục đích: Khắc phục tình trạng các trường, cơ sở đào tạo, dạy nghề tập trung quá nhiều tại địa bàn thành phố, trong khi tại các khu công nghiệp tập trung và các vùng nông thôn lại thiếu vắng hệ thống các trường, cơ sở đào tạo, dạy nghề.
Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 27 cơ sở tham gia đào tạo nghề nhưng phân bố không đều, chỉ có 14/27 trung tâm đào tạo nằm rải rác trên địa bàn 7 huyện, thị trấn với quy mô đào tạo nhỏ, phần nhiều đào tạo các ngành nghề đơn giản. Trong khi theo dự báo về cung, cầu lao động giai đoạn 2011-2015 thì nhu cầu đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là lao động nông thôn phục vụ cho việc dịch dịch cơ cấu lao động đáp ứng nhu cầu về lao động trong các ngành kinh tế trong phát triển kinh tế của tỉnh là rất lớn. Vì vậy, tỉnh cần phải nghiên cứu để đầu tư, nâng cấp những cơ sở dạy nghề hiện có, khuyến khích phát triển cơ sở dạy nghề ngoài công lập đáp ứng kịp thời nhu cầu đào tạo.
(2) Nâng cao chất lượng đào tạo nghề
- Tăng cường sự gắn kết giữa các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề. Để làm việc này cần thực hiện một số việc như:
+ Tăng cường sự kết nối thông tin giữa sở dạy nghề với doanh nghiệp. Trên cơ sở thống kê, cập nhật thường xuyên thực trạng lao động và thu thập thông tin nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các
doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, định kỳ 3 tháng, 6 tháng... cơ quan chuyên ngành thông báo số liệu cụ thể cho các cơ sở dạy nghề nắm được để chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo của đơn vị mình sát với yêu câu