Dự báo về cung cầu lao động

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh Ninh Bình (Trang 86)

Cùng với quá trình đổi mới của đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, thị trường sức lao động Việt nam nói chung và Ninh Bình nói riêng đã dần được hình thành và phát triển theo hướng thị trường có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước. Trên địa bàn tỉnh, việc xây dựng và phát triển thị trường sức lao động, nơi diễn ra các quá trình trao đổi, mua bán sức lao động, là điều kiện quyết định để giải quyết việc làm, sử dụng lao động trong cơ chế mới.

Thị trường lao động là một bộ phận của hệ thống thị trường, trong đó diễn ra quá trình trao đổi giữa một bên là người lao động tự do và một bên

là người có nhu cầu sử dụng lao động. Sự trao đổi này được thỏa thuận trên cơ sở các mối quan hệ lao động như tiền công, tiền lương, điều kiện làm việc, bảo hiểm xã hội, thông qua một hợp đồng lao động bằng văn bản hoặc bằng miệng.

Như vậy, thị trường lao động được cấu thành bởi ba yếu tố: cung, cầu và giá cả sức lao động. Giữa ba yếu tố này có mối liên quan, ảnh hưởng lẫn nhau. Nói tới sự vận động của thị trường lao động cũng tức là nói đến sự vận động của các yếu tố cung, cầu và giá cả sức lao động.

Điều kiện có tính chất quyết định cho việc hình thành và phát triển thị trường sức lao động là sự hình thành cung và cầu về sức lao động. Quy mô, cơ cấu và chất lượng của cung về lao động phụ thuộc vào quy mô, cơ cấu và chất lượng của dân số và lực lượng lao động. Còn quy mô và cơ cấu của cầu về lao động phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế và cơ cấu kinh tế.

Khi nói về cung trên thị trường lao động phải kể đến cung thực tế và cung tiềm năng. Ở nước ta, Bộ Luật Lao động quy định lực lượng lao động bao gồm những người trong độ tuổi lao động (nam đủ 15 đến hết 60 tuổi, nữ đủ 15 đến hết 55 tuổi), có khả năng lao động đang có việc làm hoặc không có việc làm nhưng có nhu cầu việc làm. Đây chính là lượng cung thực tế trong thị trường lao động. Còn cung lao động tiềm năng bao gồm tất cả những người đủ 15 tuổi trở lên đang làm việc và đang thất nghiệp, những người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động đang đi học, đang làm công việc nội trợ trong gia đình mình hoặc không có nhu cầu làm việc.

Những người lao động từ các khu vực lân cận xâm nhập vào tỉnh cũng sẽ là một bộ phận tạo thành lượng cung lao động cho Ninh Bình. Tuy nhiên lực lượng lao động này chủ yếu là các lao động giản đơn theo thời vụ.

Cầu về lao động cũng phải được xem xét trên hai khía cạnh: cầu thực tế và cầu tiềm năng. Cầu lao động thực tế là nhu cầu thực tế cần sử dụng lao động tại một thời điểm nhất định (bao gồm cả chỗ làm việc trống và

chỗ làm việc mới). Cầu lao động tiềm năng là nhu cầu sử dụng số lao động tương ứng với tổng số chỗ làm việc có được sau khi đã tính đến các yếu tố ảnh hưởng tạo việc làm trong tương lai như vốn, đất đai, tư liệu sản xuất, công nghệ, chính trị, xã hội. Dự báo cầu lao động chính là xác định cầu tiềm năng của thị trường lao động.

Dự báo cầu lao động tại Ninh Bình trước hết phải dựa vào phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020. Cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới là công nghiệp - thương mại, du lịch, dịch vụ - nông nghiệp với một số mục tiêu chủ yếu là:

- GDP hằng năm bình quân tăng trưởng với tốc độ 14,5%/năm giai đoạn 2011-2015 và 11,5%/năm trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 18%/năm;

- Tỷ trọng các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ trong GDP chiếm khoảng 35,3% năm 2015 và khoảng 48,0% vào năm 2020 với nhịp độ tăng trưởng bình quân 12,6%/năm trong giai đoạn đến năm 2020;

- Tỷ trọng các ngành công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 48,9% năm 2015 và khoảng 45,0% năm 2020 với nhịp độ tăng trưởng bình quân 14%/năm;

- Tỷ trọng nông nghiệp đến năm 2020 sẽ chỉ còn khoảng 7% với tốc độ tăng trưởng sản xuất đạt 4,0%/năm giai đoạn 2011-2015 và 15,8% giai đoạn 2016-2010.

Hiện nay, Nhà nước không trực tiếp lo chỗ làm việc và sử dụng lao động trong khu vực kinh tế nhà nước theo kiểu “biên chế” như trước đây, mà là toàn xã hội, mỗi tổ chức, mỗi người đều tham gia tạo việc làm cho mình, cho cộng đồng. Tạo ra cầu lao động, giải quyết việc làm, sử dụng lao động không còn là nhiệm vụ chỉ của riêng Nhà nước mà là của toàn xã hội. Khu vực quản lý hành chính nhà nước có thể thu hút thêm một lượng lao động, nhưng rất nhỏ. Giải quyết việc làm, sử dụng lao động sẽ chủ yếu là

việc của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các gia đình, thậm chí mỗi cá nhân thuộc tất cả các lực lượng, các thành phần kinh tế.

Nhà nước sẽ kích cầu trong thị trường lao động, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới trên phương diện các cân đối vĩ mô như tăng tích luỹ, khuyến khích đầu tư, liên kết, hợp tác quốc tế trong và ngoài nước. Thêm vào đó, Nhà nước tạo điều kiện môi trường pháp lý, môi trường xã hội, môi trường kinh tế, môi trường thông tin, cơ sở hạ tầng thuận lợi, đồng thời động viên cho mọi tổ chức, mọi người tự tạo việc làm và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh Ninh Bình (Trang 86)